Sáng 2.4, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Sự kiện nhằm hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4.4.
Đại diện Trung tâm hành động quốc gia bom mìn Việt Nam (VNMAC) cho biết các đơn vị đã khảo sát và đưa vào kế hoạch mỗi năm rà phá, giải phóng khoảng 50.000 ha đất đai bị ô nhiễm bom mìn. Tuy nhiên, công tác rà này phức tạp, tốn kém nguồn lực nên trong năm 2018, mới chỉ có hơn 30.000 ha đất được làm sạch.
Bên cạnh đó, Trung tâm hành động quốc gia bom mìn Việt Nam đang lên kế hoạch tập trung rà phá bom mìn ở địa phận tỉnh Hà Giang, nơi sót lại nhiều hài cốt liệt sĩ và để lại lượng bom mìn lớn sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.
Buổi họp báo có sự tham dự của Chánh văn phòng Bộ LĐTB&XH, lãnh đạo Trung tâm hành động quốc gia bom mìn Việt Nam, đại diện Bộ Quốc phòng. Ảnh: Mạnh Dũng.
Tại mặt trận Hà Giang, cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất là trong giai đoạn 1984-1985. Đến nay, vẫn còn hàng nghìn chiến sĩ được cho là đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả của bom mìn còn sót lại nặng nề nhất trên thế giới.
Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích của cả nước.
“Nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị có tỷ lệ đất bị ô nhiễm bom mìn là 80%, có nơi lên đến 98%”, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Phó tổng giám đốc VNMAC cho biết.
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác trên khắp các tỉnh thành cả nước, tập trung nhiều nhất tại miền Trung. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
"Phải mất cả trăm năm và hàng chục tỷ USD để làm sạch diện tích đất còn chứa bom mìn cũng như khắc phục hậu quả do bom mìn để lại", ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết.
Đến nay, cả nước có hơn 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng bao gồm cả những nạn nhân bom mìn. Những người này được hưởng trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Về công tác khắc phục hậu quả do bom mìn để lại, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết hệ thống giáo dục đặc biệt trên cả nước đã cùng các cơ sở trợ giúp xã hội đưa khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn trong độ tuổi đi học đến trường.