Dân Việt

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Phải có tiếng nói phản biện của báo chí"

Hồ Văn 02/04/2019 20:10 GMT+7
Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với các cơ quan báo chí, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Một thành phố phát triển, hiểu lòng dân nhất định phải có tiếng nói phản biện của truyền thông. Vai trò của báo chí rất quan trọng, không thể thiếu kênh thông tin này”.

Chiều 2.4, lãnh đạo TP.HCM đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe và trả lời những kiến nghị của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn.

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chào mừng đại diện các cơ quan báo chí dự buổi gặp mặt. Ảnh: N.D

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Báo chí giúp ích rất nhiều trong quá trình phát triển của thành phố. Một hệ sinh thái phải có tiếng nói phản hồi, nhất là từ báo chí và người dân”.

Ngoài kênh phản hồi từ người dân và các mặt trận đoàn thể, đánh giá cao kênh báo chí, Bí thư Nhân cho rằng không có báo chí thành phố không thể phát triển tốt được.

“Quan trọng là vậy nhưng thành phố làm chưa tốt mối quan hệ này. Ví dụ như thành phố chưa có một trung tâm để liên kết với báo chí, vì vậy trung tâm báo chí ra đời là cần thiết. Khi trung tâm ra đời phải có quy chế để các đồng chí làm gì, báo chí tiếp cận thông tin từ trung tâm này thế nào? Đó là mối quan hệ tương hỗ giữa thành phố với báo chí”, Bí thư Nhân nhận định.

Theo Bí thư Nhân, chính quyền và Đảng vững mạnh phải biết lo lắng, thậm chí phải biết sợ khi người dân không hài lòng. Báo chí phản ánh sự hài lòng của người dân thế nào để thành phố biết mà quản lý, điều hành tốt hơn. Cần lấy thước đo hài lòng của người dân làm cơ sở để tăng thêm thu nhập, nhưng cũng phản ánh sự điều hành của thành phố tốt hay không tốt. Bí thư Nhân cũng cảm ơn báo chí khi UBND TP, Thành uỷ… ban hành mọi chính sách, qua báo chí mới tới được người dân.

Bí thư Nhân cũng cho biết, năm nay, Thành uỷ giám sát 19 đầu việc của thành phố, sẽ giám sát, kiểm tra toàn thành phố… đơn vị nào, sở ngành nào làm cái gì cần phải chỉ rõ; phải cập nhật sự thanh tra, kiểm tra thành dữ liệu điện tử công khai cho người dân nắm rõ. Sự ra đời của Trung tâm báo chí cũng sẽ giúp thành phố công khai việc này.

img

Toàn cảnh buổi gặp mặt giữa lãnh đạo TP.HCM với báo chí. Ảnh: N.D

Đánh giá vai trò quan trọng của báo chí, Bí thư Nhân cũng đặt hàng báo chí tuyên truyền và thông tin đến người dân ra bên ngoài những vấn đề, chương trình trọng tâm mà TP đã và đang triển khai như: Xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, cải cách hành chính, ghi nhận sự hài lòng của người dân. Đồng thời, báo chí cùng với lãnh đạo thành phố tham gia giám sát các chương trình trọng điểm phát triển kinh tế như: ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường…

Trước đó, đại diện nhiều cơ quan báo chí cho biết luôn đồng hành và hỗ trợ thành phố trong tiến trình phát triển. Nhưng thành phố cũng cần xem lại cơ chế cung cấp thông tin khi tình trạng "trên nóng dưới lạnh" khi tiếp xúc với báo chí tại rất nhiều tại các sở, ngành và quận huyện.