Với tổng điểm 47,05, Lạng Sơn cùng Bến Tre là 2 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số PAPI năm 2018. Trong top 5 đội nhóm cao, ngoài Lạng Sơn còn có: Bến Tre (47,05 điểm), Bắc Giang (46,83 điểm), Nghệ An (46,57 điểm), Quảng Bình (46,27 điểm).
Cũng theo PAPI, năm 2018, người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong việc tổ chức lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã, phường. Đây là những lĩnh vực cần công khai, minh bạch và các cấp chính quyền có thể cởi mở hơn. Tuy nhiên, công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn là khía cạnh chính quyền địa phương cần cải thiện.
Bản đồ công khai minh bạch cấp tỉnh năm 2018, Lạng Sơn là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số PAPI.
Về cung ứng dịch vụ công căn bản, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy mức độ hài lòng của người dân rất khác biệt với từng loại dịch vụ công PAPI đo lường. Nội dung thành phần Y tế công lập cho thấy, ngành y tế có một số cải thiện trong năm 2018, nhất là ở chỉ tiêu đánh giá độ bao phủ của Bảo hiểm y tế.
Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2018, tỷ lệ người dân có Bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 80% (năm 2017) lên 87% (năm 2018). Cơ sở hạ tầng căn bản, bao gồm các dịch vụ như đường xá, thu gom rác thải, cung cấp điện lưới và nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt, cũng được người dân đánh giá tích cực hơn trong năm 2018.
Đáng chú ý, lĩnh vực dịch vụ và thủ tục hành chính công đã có nét khởi sắc. Có sự cải thiện từng bước ở cả 4 nhóm dịch vụ và thủ tục hành chính công PAPI đo lường, bao gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã, phường.
Tổng quan về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh là vấn đề cuối cùng rút ra từ Báo cáo PAPI 2018. Theo đó, mỗi địa phương đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Không có địa phương nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. Hơn nữa, khoảng cách giữa điểm cao nhất cấp tỉnh (47,05 điểm) và mức điểm tối đa là 80 điểm (trên thang điểm từ 10 đến 80 điểm cho tất cả tám chỉ số nội dung) còn rất xa. Khoảng cách này cho thấy còn nhiều cơ hội đổi mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hoạt động có mục đích và thực hành liêm chính tốt hơn.
Toàn cảnh TP.Lạng Sơn hôm nay. (I.T)
Lạng Sơn luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những mũi trọng tâm trong đột phá phát triển của địa phương. Với sự chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tháng 1.2019, Trung tâm Hành chính công (TTHCC) cấp tỉnh ra đời.
TTHCC tỉnh là đơn vị hành chính đặc thù, chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm có con dấu và tài khoản riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nơi đây là đầu mối tập trung để các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh bố trí công chức, viên chức đến thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, phối hợp giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) cho cá nhân, tổ chức; hướng dẫn, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức theo quy định, tham gia đề xuất các giải pháp nhằm cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính tạo bước đột phá trong CCHC, mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Chỉ số PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam. Báo cáo PAPI 2018 được thực hiện dựa trên ý kiến chia sẻ của 14.304 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc trong năm 2018. Từ 2009 đến 2018, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 117.363 lượt người dân thông qua phỏng vấn trực tiếp. Từ năm 2018, PAPI gồm 8 chỉ số nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. Chỉ số PAPI được cấu thành từ việc tính toán, tổng hợp từ hơn 6.000 biến số cấu thành các chỉ tiêu, hình thành từ hơn 550 câu hỏi trong Bộ phiếu hỏi PAPI. |