Lần đầu cho Nga và Qatar
Các thành viên của đoàn vận động cho nước Anh đã không đủ sức thuyết phục các thành viên FIFA. |
Sau gần hai năm chạy đua, chiến dịch vận động giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 đã hạ màn, với chiến thắng thuộc về Nga và Qatar tại cuộc bỏ phiếu ở trụ sở FIFA (Zurich, Thụy Sĩ) đêm 2-12.
Nga dù là nước lớn nhưng chưa bao giờ đăng cai World Cup, trong khi các nước thuộc thế giới đạo Hồi cũng chưa từng làm điều này, Qatar thậm chí còn chưa được đi dự một kỳ World Cup nào. Việc các thành viên ban chấp hành FIFA chọn Nga và Qatar chứng tỏ họ muốn đưa World Cup phiêu lưu đến những vùng đất mới, và cũng chứng tỏ châu Á - khu vực kinh tế năng động sẽ là tương lai của thế giới.
Các nước xin đăng cai World Cup 2018 là Anh, Nga, liên danh Tây Ban Nha- Bồ Đào Nha, liên danh Bỉ-Hà Lan. Các nước xin đăng cai World Cup 2022 là Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar. 22 thành viên trong ban chấp hành FIFA bỏ phiếu chọn nước đăng cai.
Hai cuộc bỏ phiếu sẽ tiến hành riêng rẽ, lần lượt. Nếu sau vòng đầu, nước nào giành 12 phiếu (quá bán), cuộc bỏ phiếu kết thúc luôn với quyền đăng cai thuộc về nước đó. Nếu không thì nước có ít phiếu nhất sẽ bị loại, và vòng bỏ phiếu thứ hai tiến hành.
Cứ như vậy, mỗi vòng bỏ phiếu sẽ loại một nước. Vòng cuối cùng, nếu có 2 nước bằng phiếu nhau 11-11 thì ông Chủ tịch FIFA Sepp Blatter sẽ là người bỏ lá phiếu quyết định.
Nga và Qatar chiến thắng vì họ nhiệt tình và mạnh về tiền bạc, bất chấp các điều kiện khí hậu không lý tưởng, an ninh bất ổn, cơ sở hạ tầng còn kém và thậm chí bị phê phán về vấn đề nhân quyền. Trong khi nước Anh chi khoảng 20 triệu USD cho chiến dịch vận động thì Qatar chi đến 150 triệu USD.
"Các thành viên Ban chấp hành FIFA nói với tôi là Anh có trình độ tổ chức cao, cơ sở hạ tầng tốt, nền kinh tế vững và người dân có sự đam mê bóng đá không bờ bến. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn thua một cách cay đắng" - Thủ tướng Anh Cameron nói.
Nước Anh thua vì chính họ
Anh bị loại ngay từ vòng đầu, chỉ với vỏn vẹn 2 phiếu ủng hộ. Một phiếu chắc chắn là của ông Thompson-người Anh đang giữ chức Phó Chủ tịch FIFA. Phiếu còn lại, họ đoán rằng của ông Ogura (người Nhật Bản). "FIFA đầy những người nói “có” trước mặt bạn và nói “không” sau lưng bạn" - cựu HLV tuyển Anh Taylor chua chát.
Điều đó chứng tỏ trong thế giới bóng đá, người Anh không có bạn, hoặc có thì là những người bạn không trung tín. Ông Thompson giữ chức Phó Chủ tịch ở FIFA và UEFA nhưng ông này sống thu mình, tiếng nói không lớn ở các tổ chức này.
"Giá như chúng tôi có Beckenbauer hay Platini thì tốt biết mấy" - ông Anson - Trưởng ban vận động của Anh, nhận xét. Cả Beckenbauer lẫn Platini đều ủng hộ Nga, họ lôi kéo thêm được một loạt đồng minh khác nhờ uy tín của họ.
Trong đội ngũ vận động của Anh có Beckham nhưng cầu thủ nổi tiếng điển trai này chỉ thu hút được các CĐV chứ không có trọng lượng gì với các nhà quản lý bóng đá. Thủ tướng Cameron mới lên chức được vài tháng, làm sao có tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường như Thủ tướng Nga Putin...
Một nguyên nhân nữa khiến người Anh thua cay đắng là giới truyền thông của họ mà đi đầu là kênh BBC và tờ The Times đã chọc giận các thành viên FIFA bằng những cuộc điều tra về bê bối, tham nhũng của họ trong thời gian gần đây.
Thái Hà