Chưa xử lý mạnh tay
Đầu tháng 4, Công an TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Việt Hùng (ngụ TP.Biên Hòa), chủ cơ sở giết mổ gia súc nằm trên địa bàn phường Hố Nai) 9,5 triệu đồng với các lỗi vi phạm: không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường, giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan Nhà nước cho phép. Kiểm tra tại cơ sở này, lực lượng công an phát hiện và xử lý 80kg thịt lợn đã giết mổ và 21 con lợn còn sống.
Trước đó, ngày 24.3, Công an huyện Long Thành phối hợp Trạm Thú y huyện tiêu hủy gần 1 tấn thịt và nội tạng lợn có biểu hiện bị bệnh lở mồm long móng (LMLM) tại điểm giết mổ không phép của hộ ông Trần Hữu Cường ở xã Bàu Cạn.
Hành vi giết mổ lậu và tiếp tay tiêu thụ lợn bệnh gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi. ảnh: Nguyễn Vy
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ở khu vực sau nhà ông Cường có 4 thùng xốp, 2 tủ đông lạnh đang chứa gần 1 tấn thịt và nội tạng chờ đưa ra thị trường tiêu thụ. Toàn bộ số thịt, nội tạng này bốc mùi hôi thối và có biểu hiện bên ngoài của bệnh LMLM. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tiêu hủy toàn bộ tang vật.
Điều đáng nói là, điểm giết mổ không phép này của ông Trần Hữu Cường đã từng bị kiểm tra, xử phạt với số tiền 14 triệu đồng ngay trước Tết Nguyên đán 2019. Ông Trần Anh Tùng, hộ chăn nuôi ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) cho rằng, mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe và cũng chưa có hành vi sai phạm nào bị truy tố, nên nhiều cá nhân cứ tái diễn việc giết mổ không phép, phát tán mầm bệnh.
Đây không phải là lần đầu tiên công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, triệt phá các điểm, đường dây mua bán lợn bệnh đưa đi giết mổ, tiêu thụ. Nhưng thực tế, những vi phạm về việc giết mổ lậu, mua bán lợn bệnh chỉ mới bị xử phạt hành chính, không thấm tháp gì so với khoản lợi chủ cơ sở giết mổ lậu thu về.
Những vi phạm trên tuy chỉ do một số đối tượng gây ra nhưng lại đang gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi. “Trong khi chính quyền các cấp, người chăn nuôi cho đến thương nhân đang nỗ lực củng cố lòng tin của người tiêu dùng vì thị trường bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch về dịch tả lợn châu Phi thì những sai phạm tiếp tay cho thực phẩm bẩn như trên chẳng khác nào “con sâu làm rầu nồi canh”, cần có hình thức xử phạt nặng” - ông Tùng đề nghị.
Lo dịch chồng dịch
Theo ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, hiện ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch lợn tai xanh, và LMLM. Mới đây, ở huyện Cẩm Mỹ đã có trang trại quy mô lớn xuất hiện tình trạng lợn chết hàng loạt do vừa bị LMLM vừa bị dịch lợn tai xanh.
Nguy cơ dịch chồng dịch trở nên nguy hiểm khi dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu “Nam tiến”, đe dọa đàn lợn của tỉnh Đồng Nai.
Trước đó không lâu, bệnh LMLM được ghi nhận lây nhiễm nhanh tại một số địa phương ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tỉnh này đã lập 6 chốt kiểm dịch để kiểm soát các xe chở động vật ra vào vùng dịch. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt lợn, mà nên sử dụng thịt có nguồn gốc rõ ràng và từ cơ sở giết mổ uy tín.
Nguy cơ dịch chồng dịch trở nên nguy hiểm khi dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu “Nam tiến”, đe dọa đàn lợn của tỉnh Đồng Nai. Đáng lo ngại là, một số tỉnh của Campuchia giáp ranh với Bình Phước, Tây Ninh cũng đã xuất hiện ổ dịch.
Từ đầu tháng 2, khi công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trong nước, tình hình tiêu thụ lợn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có xu hướng giảm, giá lợn hơi trên địa bàn cũng giảm từ hơn 53.000 đồng/kg xuống dưới 40.000 đồng/kg.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân khiến giá giảm mạnh là do tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng với thông tin dịch bệnh. Cùng với đó là hiện tượng bán tháo lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến nguồn cung tăng trong khi nhu cầu giảm.
Ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Sở NNPTNT tập trung rà soát, thống kê lại tổng đàn lợn trên địa bàn vì đây là cơ sở rất quan trọng trong công tác điều hành, nhất là trong trường hợp xảy ra dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Nai.
“Các địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ, đặc biệt xử lý mạnh tay, quyết liệt các lò giết mổ ngoài quy hoạch, giết mổ lậu. Công tác thông tin, tuyên truyền cần tiếp tục đẩy mạnh để người dân không quay lưng lại với thịt lợn nhưng cũng không thờ ơ trước dịch” - ông Chánh đề nghị.
Giá lợn hơi đang tăng nhẹ Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 2.4, giá lợn hơi một số địa phương thuộc khu vực miền Bắc và Đông Nam Bộ đã tăng nhẹ từ 500 - 1.000 đồng/kg. Hiện, tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hưng Yên... thương lái đang thu mua lợn hơi ở mức 35.000 - 37.000 đồng/kg. Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình..., giá lợn hơi giao dịch ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg. Đặc biệt, tại Công ty chăn nuôi CP miền Bắc, giá lợn hơi tiếp tục được điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg đối với lợn thịt với trọng lượng dưới 115kg và tăng 2.000 đồng đối với lợn thịt có trọng lượng trên 115kg. |