Mới đây, Công ty chăn nuôi CP chi nhánh Đồng Nai đã tăng giá thu mua heo hơi tại các trại liên kết lên 43.000 đồng/kg. Hiện người chăn nuôi heo ở đây đang tích cực đẩy mạnh chăm sóc, bảo vệ đàn heo. Ảnh: Nguyễn Vy
Anh Trương Thanh Phong, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nuôi 3 chuồng heo gần 100 con lớn, nhỏ cho biết, thông thường cứ khoảng 1 tuần tôi cho xuất bán 1 đợt khoảng 5 - 10 heo thịt. Mấy tuần qua nghe thông tin bệnh dịch tả heo Châu Phi nên cũng hơi lo nhưng khi xuất bán thương lái vẫn mua với giá bình thường như trước tết. Anh vừa xuất bán một lứa heo, mỗi con lãi gần 1,2 triệu đồng.
Theo nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh thịt heo, giá heo hơi tại ĐBSCL vẫn đang cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với giá tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, cao hơn khoảng 3.000 đồng/kg so với khu vực Đông Nam bộ. Trong đó, giá heo hơi tại Vĩnh Long đang dao động từ 42.000 - 44.000 đồng/kg, Tiền Giang tăng lên 43.000 đồng/kg, Trà Vinh tăng từ 45.000 đồng/kg lên 46.000 đồng/kg...
Với giá hiện nay, xuất bán mỗi con heo khoảng 100kg, người chăn nuôi heo lãi 1 triệu đồng.
Tại Kiên Giang, địa phương có đàn heo khoảng 340.000 con, hiện đang không đủ nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Thành Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, đơn vị đang kiểm soát giết mổ khoảng 35.000 - 36.000 con/tháng. Ngoài nguồn cung tại chỗ, mỗi tháng phải nhập tỉnh khoảng 5.000 con.
Theo ông Đức, heo trên thị trường vẫn lưu thông bình thường, chỉ cần đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Những ngày gần đây, lượng heo hơi về chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh dao động từ 3.100 - 4.500 con, nhiều phiên chợ giao dịch rất tốt, thương lái bán chạy. Ảnh: Tư thương bán heo mảnh tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Nguyên Vỹ
Thông tin 2 địa phương đầu tiên hết dịch tả lợn châu Phi là Hưng Yên và Hà Nội đã khiến người chăn nuôi vô cùng phấn khởi. Sau 30 ngày, 2 địa phương này không ghi nhận ổ dịch mới, việc tiêu thụ thịt lợn của bà con nông dân cũng thuận lợi hơn. Hiện giá lợn hơi tại khu vực Hà Nội đạt 40.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với trước.
Các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên..., giá heo hơi hôm nay dao động từ 35.000 - 36.000 đồng/kg.
Mức giá cao nhất ghi nhận được ở miền Bắc là 38.000 đồng/kg, ở các tỉnh như Ninh Bình, Thanh Hoá.
Trong khi đó, theo báo cáo từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 3/2019, giá lợn hơi trong nước có biến động. Tại miền Bắc, giá lợn hơi giảm 3.000 – 5.000 đồng/kg, dao động phổ biến trong khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, những đợt giảm liên tiếp đã đẩy giá lợn hơi trong khu vực xuống gần mức giá tại miền Bắc, với mức giá bình quân còn khoảng 38.000 đồng/kg trong tháng 3.
Tại miền Nam, giá heo hơi ghi nhận được trong tháng 3 cũng giảm khá mạnh, khoảng 6.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng 2, thậm chí có thời điểm xuống dưới mức 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên điều đáng mừng là sang tháng 4, tình hình tiêu thụ heo hơi tại khu vực này tươi sáng hơn, giá nhích lên và đang dao động từ 40.000 - 46.000 đồng/kg.
Trước tình hình dịch ASF chưa có dấu hiệu dừng lại và vẫn có nguy cơ lây lan, người dân sẽ tiếp tục giảm lượng thịt lợn tiêu thụ, trong khi nguồn cung lợn ra thị trường có xu hướng tăng, một phần vì người chăn nuôi bán "chạy dịch", một phần do nắng nóng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo giá lợn hơi sẽ có xu hướng giảm trong những tháng mùa hè tới.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 2 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ lợn đạt gần 10 triệu USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2018; trong khi đó giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm đạt 4,4 triệu USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến ngày 28/3, dịch ASF đã lan ra 23 tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến miền Trung, khiến buộc phải tiêu hủy hơn 85.000 con lợn. Nguyên nhân chính khiến dịch lây lan nhanh là do hoạt động vận chuyển, giết mổ chưa được kiểm soát chặt, người dân còn bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, cùng với nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm. Để ngăn chặn dịch ASF một cách hiệu quả, bên cạnh một loạt giải pháp ứng phó đang được triển khai, Bộ NN&PTNT đã đề nghị tăng mức hỗ trợ lợn bệnh bị tiêu hủy sát với giá thị trường. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và mức cao hơn đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Giải pháp này sẽ giúp hạn chế tình trạng người dân giấu dịch, bán chạy lợn bệnh, qua đó ngăn chặn dịch không lây lan rộng. |