Cụ thể, hai địa phương đón nhận tin vui này là phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) và xã Đức Hợp (huyện Kim Động, Hưng Yên).
Được biết, phường Ngọc Thụy là địa phươn đầu tiên của Hà Nội phát hiện dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn rừng, đã có 25 con lợn buộc phải tiêu hủy. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã; các sở, ngành liên quan khẩn trương, nghiêm túc, tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Nhờ đó, ổ dịch tại phường Ngọc Thụy đã được khống chế, đã qua hơn 30 ngày vẫn chưa phát sinh thêm ổ dịch mới. Địa phương này đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi hôm 28/3.
Việc công bố hết dịch tả lợn châu Phi sẽ tạo điều kiện cho người dân vận chuyển lợn đi tiêu thụ thuận lợi. Ảnh: SGGP.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.Hà Nội, tính đến 29/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 12 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội; 32 xã, phường, 52 thôn, tổ dân phố, 122 hộ chăn nuôi, 2.218 con lợn buộc phải tiêu hủy.
Tương tự, tin vui đã đến với người dân xã Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) khi bằng nhiều giải pháp quyết liệt, địa phương đã cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi và công bố hết dịch từ ngày 29/3. Được phát hiện từ cuối tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi đã khiến 600 con heo của người dân Đức Hợp buộc phải tiêu hủy. Sau đó, các biện pháp phòng chống dịch đã được triển khai quyết liệt, đến nay, đã qua hơn 30 ngày mà Đức Hợp vẫn chưa phát sinh thêm ổ dịch mới.
Theo Cục Thú y, việc công bố hết dịch sẽ tạo điều kiện cho những đàn heo khỏe mạnh trong địa bàn được đem đi vận chuyển, tiêu thụ tại nơi khác. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được tái đàn để ổn định chăn nuôi.
Cũng theo báo cáo của Cục Thú y, đến ngày 2/4, đã có 476 xã của 91 huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh đã khiến gần 74.000 con lợn bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy. Điều đáng ghi nhận là, tốc độ lây lan, phát triển của dịch đang có dấu hiệu chững lại.