Cụ thể, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Chúng tôi đề xuất ACV vì có chức năng nhiệm vụ, kinh nghiệm quản lý đầu tư Cảng Hàng không. Đồng thời, đảm bảo việc quản lý đồng bộ, theo quy định chung của hàng không Quốc tế ICAO thì quy định 1 cảng chỉ có 1 nhà khai thác. Trong một cảng hàng không chỉ có 1 cửa nhà ga không thể để nhiều đơn vị quản lý, mỗi người khai thác khác nhau không đồng bộ sẽ rất khó khăn khi quản lý”.
Xuất phát từ chính phát ngôn của lãnh đạo Bộ GTVT khi cho rằng: “Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) có kinh nghiệm quản lý” đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Tại sao dẫn tới tranh cãi? Bộ GTVT có báo cáo Thủ tướng đúng sự thật về ACV không?
Bộ GTVT đề xuất chọn ACV là nhà đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Những câu hỏi của dư luận đặt ra là hoàn toàn cơ sở, bởi năng lực của ACV đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính kết luận với hàng loạt sai phạm trong việc xây dựng các dự án Cảng Hàng không cho đến sử dụng nguồn vốn có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Theo tài liệu mới nhất mà PV Dân Việt có được, ngày 22.1, Thanh tra Bộ Tài chính đã có kết luận thanh tra số 72/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).
Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động, kinh doanh của ACV, kể cả những dấu hiệu ACV đã xóa nợ nhiều tỷ đồng khi chưa xác định được nguyên nhân…
Kết luận này nêu rõ: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của ACV, vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31.12.2017 là hơn 27.384 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là hơn 21.771 tỷ đồng.
Cơ cấu vốn của ACV khi thực hiện cổ phần hóa (CPH) là 22.430,98 tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 6.10.2015, theo phương án CPH vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp (DN), vừa phát hành thêm cổ phiếu (CP) để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, vốn Nhà nước theo giá trị DN đã xác định là 20.769,43 tỷ đồng; phát hành thêm CP để tăng vốn điều lệ là 1.661,55 tỷ đồng.
Sau khi ACV thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), người lao động (NLĐ), tổ chức công đoàn được mua 100.230.225 cổ phần (tương ứng hơn 1.002,3 tỷ đồng theo mệnh giá).
Đây được xác định là phần phát hành để tăng vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại chưa phát hành là 65.925.268,77 cổ phần (tương ứng hơn 659,2 tỷ đồng theo mệnh giá), trong đó phát hành cho cổ đông (CĐ) chiến lược là 448.619.701 cổ phần theo phương án CPH.
Trên cơ sở CP bán đấu giá thực tế thành công, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ cho ACV (Quyết định số 59/QĐ-BGTVT ngày 14.3.2016) làm cơ sở tiến hành đại hội CĐ lần đầu với vốn điều lệ là hơn 21.771,7 tỷ đồng, tương ứng 2.177.173.236 cổ phần theo mệnh giá (trong đó Nhà nước nắm giữ 2.076.943.011 cổ phần, chiếm 95,39% vốn điều lệ, các CĐ khác là 100.230.225 cổ phần, chiếm 4,61% vốn điều lệ) và các CĐ đã góp đủ vốn theo giấy chứng nhận đăng ký DN số 0311638525 thay đổi lần thứ bảy ngày 12.9.2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp.
Theo báo cáo của ACV, đến thời điểm tháng 8.2018, ACV chưa thực hiện xong công tác quyết toán, xác định giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (CTCP), từ ngày 30.6.2014 đến ngày 1.4.2016, và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý theo quyết định tại khoản 3, Điều 1 Nghị định số 116/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP.
Riêng về việc quản lý nợ phải thu tại ACV, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của ACV, tổng số nợ phải thu tại thời điểm ngày 31.1.2017 là hơn 7.310,5 tỷ đồng. Bao gồm: Nợ phải thu hồi khách hàng là hơn 2.043 tỷ đồng; trả trước cho người bán là hơn 1.373,4 tỷ đồng; Các khoản phải thu khác là hơn 3.924 tỷ đồng. Tại năm DN được thanh tra, nợ phải thu tại thời điểm ngày 31.12.2017 là hơn 8.020 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 7.504 tỷ đồng; nợ dài hạn hơn 858,8 tỷ đồng, dự phòng nợ phải thu khó đòi là hơn 342,5 tỷ đồng.
Về nợ phải trả, theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của ACV, tại thời điểm ngày 31.12.2017 là hơn 21.778,4 tỷ đồng. Bao gồm: nợ phải trả ngắn hạn là hơn 7.354 tỷ đồng (trong đó: Phải trả cho người bán là 1.124,6 tỷ đồng; người mua trả tiền trước là hơn 20,7 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) là hơn 238,6 tỷ đồng; phải trả NLĐ là hơn 1.080,9 tỷ đồng; chi phí phải trả ngắn hạn 923,7 tỷ đồng; doanh thu chưa thực hiện 19,3 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác hơn 3.538,7 tỷ đồng; vay ngắn hạn số tiền 148,2 tỷ đồng; quỹ khen thưởng phúc lợi số tiền hơn 259 tỷ đồng).
Nợ dài hạn là hơn 14.424,3 tỷ đồng. Tại năm DN được thanh tra, nợ phải trả tại thời điểm ngày 31.12.2017 là hơn 22.743,5 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn là 2,1 tỷ đồng...
Đáng chú ý, ACV cũng đã từng bị Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về trách nhiệm trong huy động, quản lý sử dụng các nguồn vốn do ACV quản lý.
Trong đó, ACV đã từng sai phạm tại dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 – CHK Tân Sơn Nhất khi bố trí vốn đầu tư dự án không đúng theo quyết định đã được phê duyệt. Nghiêm trọng nhất là dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa đường HCC 25R – CHK Tân Sơn Nhất thiết kế BVTC chưa phù hợp với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt. Điều này khiến dư luận lo ngại việc Bộ GTVT chọn ACV tiếp tục mở rộng Tân Sơn Nhất sẽ tái diễn sai phạm.
Còn nữa...Bài tiếp: "Nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước từ sai phạm của ACV"