Dân Việt

25.000 người bị tai nạn giao thông

18/02/2013 20:14 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 17.2, theo tổng hợp từ Bộ Y tế, trong 6 ngày tết từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng (9 - 14.2) cả nước có trên 25.000 người bị tai nạn giao thông phải cấp cứu tại các bệnh viện, tăng trên 3.000 người so với năm trước.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ ngày 9.2 đến 14.2, cả nước xảy ra 290 vụ tai nạn giao thông, làm chết 234 người, 301 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2012 tăng 1 vụ, tăng 1 người chết. Đáng chú ý, năm nay trên các tuyến quốc lộ không xảy ra tai nạn ô tô nghiêm trọng như mọi năm mà chủ yếu là tai nạn giữa các xe máy. 85% vụ tai nạn xảy ra ở đường liên thôn - xã - huyện. Tai nạn giao thông chủ yếu là tai nạn mô tô, xe gắn máy, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn làm chết 4-5 người, nạn nhân phần lớn là thanh niên. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển xe mô tô, xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường, uống rượu bia điều khiển xe, không đội mũ bảo hiểm, xe mô tô chở 3, chở 4 người...

img
Một ca cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức do tai nạn giao thông.

Theo bác sĩ Dương Trọng Hiền - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), số ca cấp cứu tại bệnh viện trong những ngày tết tăng mạnh. Cụ thể, từ mùng 1 đến mùng 4 Tết đã có 525 ca cấp cứu, trong đó 70% là các trường hợp bị tai nạn giao thông. Đã có 30 ca tử vong tại chỗ hoặc xin về (trong khi những năm trước, con số này chỉ dao động khoảng 10-15 ca).

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Thực (Bệnh viện Việt Đức) cũng cho biết, phần lớn các bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông đều có hơi rượu nồng nặc. Nhiều bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu từ 200-300mg/lít, trong khi chỉ cần nồng độ cồn là 100mg/lít là đã không được điều khiển các phương tiện giao thông.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, ngoài số người nhập viện vì TNGT, còn có 27.000 người nhập viện do các tai nạn khác, gia tăng hơn năm trước. Cụ thể có hơn 8.900 người bị tai nạn sinh hoạt (tăng hơn 2.000 người so với Tết Nhâm Thìn 2012), 83 người do pháo nổ (gấp 3 Tết năm ngoái), 92 người cấp cứu do các tai nạn khác và có hơn 4.700 người phải nhập viện vì đánh nhau.

* Ngày 17.2, Công an huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã xác định được danh tính 6 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại đèo Bảo Lộc (đoạn qua huyện Đạ Huoai) làm 7 người thiệt mạng, trong đó 5 người chết tại chỗ và 2 người chết trên đường đưa đi cấp cứu. Trước đó, vào khoảng 17 giờ 30 ngày 16.2, cách chân đèo Bảo Lộc khoảng 200m, xe tải biển số 60P-1678 do Trần Văn Vinh (28 tuổi, quê Nghệ An) điều khiển chạy hướng Đà Lạt- TP. Hồ Chí Minh, bất ngờ đâm vào 3 xe máy đang lưu thông theo chiều ngược lại. Sau đó, chiếc xe tải đã lao xuống vực khoảng 1km.

* Thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, từ ngày 9 đến ngày 14.2, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người, bị thương 15 người. So cùng kỳ Tết Nhâm Thìn, tai nạn giảm 3 vụ và giảm 8 người bị thương, tuy nhiên số người chết tăng đến 6 người (bình quân 1 ngày có đến 2 người chết).

Phó Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc: Huy động tối đa lực lượng xử lý vi phạm

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa ban hành Công điện yêu cầu huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn. Theo Công điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Trước hết, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, đi sai làn đường, phần đường, uống rượu bia điều khiển phương tiện; dừng, đỗ đón, trả khách không đúng quy định và tăng giá vé quá mức quy định; người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm… Trong đó, tập trung kiểm tra và xử phạt đối tượng lái xe khách, xe mô tô vi phạm, trọng tâm là các tuyến quốc lộ 1, 3, 5, 51, 14, 18…

Các địa phương xây dựng phương án tổ chức giao thông, bố trí lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự ứng trực thường xuyên trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, nhất là các tuyến hướng về Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các khu vực tổ chức lễ hội xuân, có biện pháp điều tiết giao thông, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, kiên quyết không để ùn tắc giao thông kéo dài.

Chinhphu.vn