Dân Việt

Nữ thủ lĩnh “truyền lửa” cho nhà nông xứ Mường

Thu Hà 05/04/2019 13:31 GMT+7
Gặp chị Nguyễn Thị Cẩm Phương (SN 1971) - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Hòa Bình trong các diễn đàn, hội nghị hay ở các hội thảo đầu bờ cánh đồng mẫu lớn, người ta nhận ra chị ngay, bởi phong cách năng động, gần gũi.

Đổi mới cách quản lý, điều hành      

Trò chuyện với PV, "nữ thủ lĩnh nông dân" Nguyễn Thị Cẩm Phương bộc bạch: “Với vai trò là Chủ tịch Hội ND tỉnh, tôi cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ luôn thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, tập trung đổi mới công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành của Hội ND để công tác Hội có hiệu quả hơn”.

img

Chị Nguyễn Thị Cẩm Phương (ngoài cùng bên phải) - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình thăm mô hình rau hữu cơ tại xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn.  Ảnh: Thu Hà

Tham gia công tác từ Hội từ năm 1997, đến nay chị Nguyễn Thị Cẩm Phương đã có hơn 20 năm gắn bó với hội viên, nông dân Hòa Bình. Năm 2017, chị Phương được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình. Tại Đại hội đại biểu Hội ND tỉnh Hòa Bình lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023 chị Nguyễn Thị Cẩm Phương tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình.

Một trong những tố chất của người đứng đầu đó là năng lực tham mưu. Năm 2018 diễn ra Đại hội Hội ND ở các cấp, ngay sau Đại hội Hội ND tỉnh, Hội ND tỉnh Hòa Bình - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 61 đã tham mưu để củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo ở các cấp, vì vậy đã kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đã đề ra. Hội ND tỉnh, Ban chỉ đạo 61 các huyện, thành phố đã chỉ đạo tốt thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân. Hội ND tỉnh tổ chức 74 lớp đào tạo nghề cho 2.774 hội viên, trong đó 2.145 nông dân được học nghề, có việc làm. Các hội viên nông dân sau khi được đào tạo có việc làm thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. 

Cùng với Ban Thường vụ, năm 2018 chị Phương là người trực tiếp đề xuất UBND tỉnh chuyển ngân sách bổ sung tăng trưởng Quỹ HTND tỉnh với số tiền 1 tỷ đồng/năm; ngân sách 11/11 huyện cấp bổ sung Quỹ HTND huyện với tổng số vốn 900 triệu đồng/năm, tổng số vốn Quỹ HTND xấp xỉ 30 tỷ đồng. Điều này bước đầu đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống Hội đối với công tác xây dựng, quản lý, điều hành Quỹ HTND.

Hỗ trợ hội viên, cán bộ Hội

Một trong những điểm khác biệt và ấn tượng của Hội ND tỉnh Hòa Bình, đó là sự tích cực huy động, tranh thủ sự giúp đỡ các nguồn viện trợ nước ngoài hỗ trợ nguồn lực giúp cho hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân có nhiều đổi mới.

Với vai trò “nữ thủ lĩnh Hội”, chị Phương đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, đề xuất với UBND tỉnh về các nguồn viện trợ nước ngoài có khả năng hỗ trợ đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, Hội ND còn thu hút vận động tài trợ từ các nguồn nước ngoài được trên 2 tỷ đồng để thực hiện các chương trình hỗ trợ nông dân tại các địa phương trong tỉnh”.

Chị Phương cho biết: Hòa Bình là tỉnh miền núi có 10 huyện và 1 thành phố với 210 xã, phường, thị trấn (trong đó có 86 xã đặc biệt khó khăn). Điều kiện đi lại khó khăn, kinh tế chưa phát triển thu ngân sách của địa phương hạn chế. Vì vậy, nguồn lực để hỗ trợ cho hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Hội ND Hòa Bình hiện có 133.347 hội viên, sinh hoạt tại 1.935 chi Hội thuộc 208 cơ sở Hội.

Từ kinh nghiệm phối hợp với Tổ chức Oxfam Đoàn kết Bỉ giai đoạn 2001 - 2011, từ năm 2011 trở lại đây Hội ND tỉnh Hòa Bình đã ký chương trình hợp tác với các hàng chục tổ chức như: Oxfam Anh, Hà Lan, Hongkong; Tổ chức ADDA, DDS (Đan Mạch); Chương trình quản trị đất vùng Sông Me Kong; Tổ chức FAO…

“Việc mình cần làm nhất là phải đổi mới được bộ máy, tổ chức Hội. Phải có đội ngũ cán bộ Hội đủ mạnh, có tâm huyết và trình độ mới giúp đỡ được nhiều hơn cho hội viên, nông dân. Từ đó, công tác Hội cũng đổi mới, không còn là những lời nói suông mà đi vào những việc thiết thực” – chị Phương bộc bạch.

Theo đó, giai đoạn đầu hợp tác với các tổ chức nước ngoài, Hội ND tỉnh Hòa Bình đã tập trung định hướng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp. Hơn 350 tập huấn viên là cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở được tham gia huấn luyện nông dân trong các lĩnh vực như: Viết đề xuất và quản lý dự án, phân tích cộng đồng; kỹ năng quản lý điều hành nhóm, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, các kỹ năng khuyến nghị và đối thoại chính sách... Thông qua hoạt động đó có hàng ngàn hội viên, nông dân được đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, tiếp cận thông tin thị trường… giúp nông dân phát triển sản xuất bền vững.

Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng duy trì và phát triển các mô hình kinh tế tập thể theo hướng phát triển nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã. Đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ, duy trì 332 nhóm nông dân cùng sở thích về chăn nuôi, trồng trọt, canh tác theo phương pháp hữu cơ.

Với phương pháp cầm tay chỉ việc, đào tạo ngay trên đồng ruộng và thực tế, hầu hết, các nhóm đã biết lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh dựa trên việc thu thập thông tin nhu cầu và mong đợi của cộng đồng. Ban đầu từ các nhóm sở thích, đến nay Hội ND đã thành lập, duy trì được 208 tổ hợp tác, 28 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, dịch vụ và chăn nuôi.