Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từ trần ngày 4.4, thọ 96 tuổi (ảnh IT)
Vị Tư lệnh nhiều sáng tạo
Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết: Năm 1970, khi đang là giáo viên cấp 2, nghe theo tiếng gọi của đất nước ông nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, đơn vị hành quân theo đường Trường Sơn, đến đường 9 Nam Lào ông được phân công công tác ở Ban công binh - Binh trạm 32 (đơn vị này phụ trách cả phía Bắc và Nam đường 9). Trên tuyến đường Trường Sơn thì đường 9 là nơi bị Mỹ đánh phá ác liệt nhất hòng ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho miền Nam (Việt Nam).
“Tôi được gặp vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên vào cuối năm 1970, khi ông xuống làm việc với Binh trạm 32. Đó là vị chỉ huy có dáng vóc cao to, bước đi nhanh nhẹn, ông cắt tóc đầu cua. Đứng gần tôi thấy mũi ông thở khìn khịt, sau hỏi ra mới biết ông bị viêm xoang. Gần 35 năm sau, khi đang là Tư lệnh Binh chủng Công binh, nghe tin ông ốm tôi đến thăm. Tôi có hỏi thăm về bệnh viêm xoang. Vị tướng già cười nói thân mật “tao đi Đức chữa giờ khỏi rồi”, tướng Kiền nhớ lại.
Lần ông Đồng Sỹ Nguyên xuống làm việc với Binh trạm 32 đó chính là để phát động xây dựng phong trào “Binh trạm vạn tấn”, tức là mỗi tháng phải phấn đấu đưa 1 vạn tấn hàng vượt qua đường 9. “Đây là tuyến đường bị địch đánh phá ác liệt, phải có những cách làm sáng tạo mới vượt qua khó khăn. Phong trào do vị Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên phát động và trực tiếp chỉ đạo đã có kết quả rất tốt. Hàng tháng số hàng vận chuyển qua đường 9 đều đạt trên 1 vạn tấn, đảm bảo việc chi viện cho miền Nam”, tướng Hoàng Kiền cho biết.
Cũng trong thời điểm đó, qua phân tích tin tức tình báo, phía ta biết quân đội Việt Nam Cộng hòa đang chuẩn bị cho cuộc hành quân Lam Sơn 719 (ta gọi là chiến dịch phản công đường 9 Nam Lào) nhằm phá vỡ hệ thống hậu cần của ta.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (bên phải) trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 (ảnh TL).
Cuối năm 1970, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Bộ chỉ huy đã có chỉ đạo phương án đối phó trực tiếp xuống các đơn vị. “Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp đi khảo sát thực địa và đến các đơn vị phổ biến kế hoạch. Bên cạnh kế hoạch chặn đánh địch, còn có thêm kế hoạch mở đường để phòng khi địch tấn công mạnh thì đường vận chuyển của ta vẫn có thể hoạt động. Lúc đó tôi được giao đi khảo sát mở đường sang phía Tây”, tướng Hoàng Kiền kể.
Năm 1971 chiến dịch phản công đường 9 Nam Lào diễn ra. Sau 45 ngày đêm chiến đấu quân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân này của địch.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (người đội mũ) đi kiểm tra tuyến đường Trường Sơn (ảnh TL).
Việc làm thể hiện tầm tư tưởng
Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công bình Hoàng Kiền kể thêm: Năm 1971, Mỹ sử dụng máy bay AC -130, đây là loại máy bay quân sự cỡ lớn, trang bị thiết bị hiện đại để đánh ban đêm nhằm diệt xe vận tải của ta trên đường Trường Sơn (xe vận tải trên đường Trường Sơn chạy ban đêm).
Địch chia Trường Sơn thành các khu vực cho máy bay AC -130 khống chế. Cứ khoảng 4 giờ chiều chúng bay tới, chúng bắn pháo 40 mm (loại này bắn phát một), và loại 20mm (bắn liên thanh). “Đã có rất nhiều xe vận tải của ta dính đạn của “quái thú” AC -130. Có đêm trên một cung đường có mấy chục chiếc xe của ta bị bắn cháy. Thực sự AC -130 đã gây khó khăn rất lớn cho công tác vận chuyển của bộ đội ta”, tướng Kiền nói.
Thiếu tướng Hoàng Kiền: "Năm 1974, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên được Nhà nước phong vượt 2 cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Khi biết được thông tin này, anh em trong đơn vị rất mừng, bởi những công lao đóng góp của ông hoàn toàn xứng đáng được phong như vậy". |
Mặc dù ở Trường Sơn, bộ đội cũng có các loại pháo phòng không nhưng không hiệu quả trước AC -130. Chúng đã làm chủ bầu trời suốt thời gian dài và gây tổn thất lớn cho ta. Sau này chúng ta mới biết máy bay AC- 130 có gắn thiết bị nhìn xuyên màn đêm, chính vì thế xe vận tải của ta chạy chỗ nào cũng bị phát hiện dù xe tắt đèn, thậm chí nấp vào “mang cá” (nhánh đường nhỏ dài vài chục mét nằm bên đường chính, có ngụy trang) vẫn bị trúng đạn.
“Trước tình hình đó, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã suy nghĩ và lo lắng rất nhiều. Ông giao cho nhiều cán bộ trực tiếp nghiên cứu, có người ngồi cùng xe vận tải để tìm hiểu. Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nghĩ tới 2 phương án, thứ nhất đề nghị cấp trên đưa tên lửa vào trang bị cho bộ đội Trường Sơn; thứ hai nghiên cứu cho xe vận tải chuyển sang đi ban ngày”, tướng Hoàng Kiến nói và cho biết, khi có tên lửa, bộ đội Trường Sơn đã hạ được “quái thú” AC -130.
Còn để thực hiện phương án cho xe chạy ban ngày cần phải mở đường K (đường kín), cuối năm 1971 đầu năm 1972, Bộ chỉ huy đã điều lực lượng công binh, thanh niên xung phong tập trung mở đường K. Đường được che kín bởi tán cây rừng, đoạn nào trống phải ngụy trang bằng giàn cây. Mùa khô lá cành cây ngụy trang héo nhanh, rất nhanh phải chặt cây thay lá. Tuyến đường K sau khi được mở tổng cộng kéo dài khoảng 400 km.
“Xe vận tải của ta đang chạy đêm mà chuyển sang chạy ngày hết sẽ bị lộ, cho nên vẫn phải có phương án chạy ngày, nhưng mật độ bớt đi. Việc chuyển sang chạy ban ngày thành công và giải quyết được nhiều vấn đề. Sáng tạo này mang dấu ấn lớn của tướng Đồng Sỹ Nguyên”, tướng Kiền cho biết.
Đầu năm 1973, sau khi có Hiệp định Paris, quân địch bắt đầu ngừng ném bom toàn Đông Dương. Bên cạnh sự chỉ đạo của Trung ương, nhưng cũng thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ông đã bàn với Bộ chỉ huy Bộ đội Trường Sơn, tranh thủ thời cơ để tập trung sửa chữa, nâng cấp đường Trường Sơn chuẩn bị cho giai đoạn sau. Lúc đó Bộ chỉ huy tổ chức 2 đoàn công tác, đoàn thứ nhất do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đi kiểm tra dọc phía Đông, đoàn công tác còn lại do Đại tá Đặng Tính (Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, năm 1973 hy sinh) đi kiểm tra toàn tuyến phía Tây, để lập phương án xây dựng cơ bản 2 hướng Đông, Tây Trường Sơn.
Đường Trường Sơn là đường đất hoàn toàn, mùa đất bị tạo thành lớp bột dày 20 -30cm, xe ô tô đi rất khó. Muốn vận chuyển lớn phải làm đường đá (dải đá lên mặt đường). Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Bộ chỉ huy đã cho tập trung lực lượng công binh lớn như các sư đoàn 470, 472, 473 và 565 để làm đường, nhiều đoạn được mở rộng, có chỗ cầu được làm bê tông, có đoạn dải nhựa, có đoạn dải đá.
“Chuẩn bị được cả tuyến đường Trường Sơn như vậy đó là tư tưởng lớn của người đứng đầu như tướng Đồng Sỹ Nguyên và các vị trong tập thể lãnh đạo. Đây là bước đi rất quan trọng, tạo thuận lợi vô cùng cho việc tổ chức chiến dịch lớn 2 năm sau đó, đặc biệt chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, tướng Hoàng Kiền nói.
Vẫn theo tướng Hoàng Kiền, ông còn có điều ấn tượng nữa về tướng Đồng Sỹ Nguyên, đó là sự sáng tạo ngoài khả năng chuyên môn. Tướng Đồng Sỹ Nguyên không tốt nghiệp kỹ sư giao thông, không trực tiếp làm công binh, nhưng vẫn biên tập được cuốn tài liệu về làm đường giống như cuốn giáo trình, sau đó ông trực tiếp đứng lớp giảng cho các cán bộ chủ chốt cấp trung đoàn trở lên nghe.
“Trong tài liệu đó ông nói phải kết hợp xe máy (xe ủi), thuốc nổ và nhân công thế nào. Khi đọc cuốn tài liệu này tôi thấy rất bổ ích cho công việc. Điều đó cho thấy ông đã tự học và có sự sáng tạo cao”, tướng Hoàng Kiền nói.
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từ trần vào hồi 11 giờ 42 phút ngày 4.4 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ sinh năm 1923, quê Quảng Bình; ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; nguyên là Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn. Trong quá trình công tác, ông từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế, rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Ông là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI (1986-1991), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). |