Sáng 5.4, ông Bùi Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết địa bàn vừa xảy ra việc hai người trong gia đình tử vong do chó mang virus dại cắn.
Ngày 31.3, anh Bùi Văn Tuấn (32 tuổi, xã Trung Sơn) bị nấc, khó thở, sợ nước, sợ tiếng động và ánh sáng, tinh thần hoảng loạn nên được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn. Được chẩn đoán mắc bệnh dại, người thân chuyển anh Tuấn lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh rồi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Do không thể cứu chữa, ngày 2.4 anh xuất viện, về đến nhà thì tử vong.
Chó tại một chuồng nuôi ở Hà Nội. Ảnh: Gia Chính
Ba ngày sau (3.4), con trai anh Tuấn là cháu Bùi Văn Tùng tử vong tại nhà thầy lang ở Sơn Tây (Hà Nội) cũng vì bệnh dại. "Sau khi bố cháu được chẩn đoán mắc bệnh dại, cả gia đình mới đi tiêm phòng. Tuy nhiên, lúc này cháu Tùng bị sốt nên không thể tiêm được. Gia đình sau đó xin cháu về chữa ở nhà thầy lang nhưng không được", ông Dũng nói.
Chủ tịch xã Trung Sơn thông tin thêm, mẹ anh Tuấn là bà Bùi Thị Bê cũng bị mắc bệnh dại do lúc giết chó để máu dính vào vết thương hở, hiện bà Bê nguy kịch. Vợ và con thứ hai của anh Tuấn được tiêm phòng, đến nay chưa có dấu hiệu bệnh.
Trước diễn biến trên, nhiều người dân xung quanh nhà anh Tuấn và đồng nghiệp của anh đã đến cơ quan y tế tiêm phòng dại.
Trước đó ngày 6.2 (mùng 2 Tết Nguyên đán), anh Tuấn bị chó nhà nuôi cắn vào mu bàn tay chảy máu. Vật nuôi tiếp tục cắn vợ và con gái anh, gây xây xước da. Một ngày sau, con chó cắn vào tay cháu Bùi Văn Tùng gây chảy máu.
Anh Tuấn bắt chó xích lại thì bị nó cắn lần nữa. Tức giận, anh chém chết chó rồi đem chôn. Bà Bùi Thị Bê trong lúc giúp con trai chôn không may bị máu chó dính vào vết thương hở trên tay. Cả gia đình lúc bị chó cắn đều không xử lý vết thương, không đi tiêm văcxin phòng dại.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian ủ bệnh dại thường kéo dài 1-3 tháng, có trường hợp đến 12 tháng mới phát bệnh, tùy thuộc vào mức độ tổn thương, vị trí vết chó cắn có gần thần kinh trung ương hay không. Quá trình ủ bệnh, nạn nhân thường không có biểu hiện gì.
"Chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh phòng, chống bệnh dại trên địa bàn", vị này nói.