Dân Việt

Vụ nhìn nam thanh niên đâm bạn gái: Can thiệp ra sao?

Lê Hải 05/04/2019 20:52 GMT+7
Đại tá PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn phân tích rất rõ về nghĩa vụ phải phát hiện và đấu tranh ngăn chặn của người dân, khi gặp trường hợp nguy hiểm.

Hé lộ nguyên nhân

Liên quan đến vụ việc nam thanh niên đâm bạn gái tử vong giữa đường, sáng 2/4, chia sẻ với PV, chị T. (trú tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) - một người bạn của đối tượng Phạm Văn Nghị (SN 1988, trú tại huyện Kim Sơn) cho biết, cả gia đình Nghị và nạn nhân Trần Thị Thu H. (SN 1994, trú cùng địa phương) đều rất sốc khi nhận được thông tin.

Bởi theo chị T., tại địa phương ai cũng biết Nghị và H. đã yêu nhau khá lâu. Hơn nữa, Nghị lại là người hiền lành, tu chí làm ăn.

Nói về nguyên nhân sự việc, chị T. cho hay, mọi việc có thể bắt nguồn do gia đình chị H. ngăn cản tình cảm của hai người.

"H. cũng từng nói với Nghị rằng cho H. thêm thời gian để thuyết phục mẹ. Nhưng trước hôm xảy ra sự việc, Nghị lại thấy một chàng trai khác đưa gia đình đến nhà H. nói chuyện, đặt vấn đề. Nên có thể vì thế hai người mâu thuẫn", chị T. nói.

img

Hiện trường vụ việc

Người bạn cũng cho biết, nhà Nghị điều kiện kinh tế không mấy khá giả. Gia đình mới tích cóp mua được cho Nghị chiếc xe ô tô để chạy taxi. 

Cần xử lý sao khi gặp tình huống nguy hiểm?

Xảy ra sự việc, chị T. cho biết nhiều người dân tại địa phương khá bức xúc khi xem được đoạn video một người dân quay lại, cho thấy có rất nhiều người ở hiện trường không có biểu hiện can ngăn, mà chỉ đứng quay video, chụp ảnh.

Trao đổi về khía cạnh này với PV, Đại tá PGS, TS. Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân) nhìn nhận rằng:

"Sự việc ở Ninh Bình không phải là mới, cũng không có gì cần phải đao to búa lớn".

img

Người dân đứng chứng kiến sự việc. Ảnh cắt từ video

"Nhưng vẫn luôn có một dòng cháy không tắt "thương người như thể thương thân", hay giữa đường thấy việc bất bình không tha. Tuy nhiên, kiểu sống thu mình, an toàn cho mình và không muốn phiền muộn là tâm lý phổ biến của rất nhiều người hiện nay", vị chuyên gia nhận xét.

Theo ông, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc người ta vô cảm, từ nhận thức cho đến tâm lý xã hội, hoặc người ta chỉ thích tò mò hơn là muốn liên quan đến mình, sợ liên lụy. Đấy là tâm lý bình thường.

Hơn nữa, theo PGS Đỗ Cảnh Thìn, việc can thiệp cũng cần phải có cơ chế để can thiệp. Phải có điều kiện môi trường cụ thể, không thể nói can thiệp là can thiệp luôn được.

Vị chuyên gia cho rằng, trong trường hợp người dân thấy những hiện tượng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe, danh dự của tổ chức, cá nhân thì một trong những ý thức, nghĩa vụ công dân đó là phải phát hiện và đấu tranh ngăn chặn. 

Đấu tranh ngăn chặn ở đây không phải là xông vào mà tùy theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể.

PGS Đỗ Cảnh Thìn chía sẻ kỹ năng, kinh nghiệm khi người dân gặp các trường hợp nguy hiểm, khẩn cấp:

Đầu tiên, người dân cần phải phát hiện và có ý thức tố giác với cơ quan chức năng. 

Thứ hai, các cá nhân kêu gọi và cùng với cơ quan chức năng, mọi người xung quanh ngăn chặn, can thiệp, giảm bớt tính kích động, ý thức phạm tội đến cùng của đối tượng, loại bỏ bớt các điều kiện mà tội phạm có thể gây án hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Thứ 3, người dân phải biết bảo vệ bản thân mình. Đồng thời, không kích động, không tụ tập, tò mò, cổ vũ hay có hành vi nào khiến đối tượng hung hăng hơn, quyết tâm thực hiện hành động phạm tội.

"Nhiều người nói tại sao không xông vào, nhưng xông vào có thể bị đối tượng đánh, đâm chết. Không đơn giản như vậy!", ông Thìn thẳng thắn.

Trước đó, vào khoảng hơn 10 ngày 1/4, trên đường Đinh Tiên Hoàng, người dân phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) Phạm Văn Nghị và Trần Thị Thu H. xô xát trên đường. 

Nghị vật H. ngã ra đường, dùng hung khí đâm nạn nhân nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau đó, Nghị cũng tự tử nhưng bất thành. Chứng kiến sự việc lúc này có khá nhiều người dân và người đi đường tại khu vực trên.