Dân Việt

Hàng loạt "bom tấn" trên truyền hình bị hacker phát tán kèm mã độc

Ngọc Phạm 06/04/2019 10:55 GMT+7
Phim truyền hình lậu bị cài mã độc nhiều nhất trong cả hai năm 2017 và 2018 là Game of Thrones.

Kết quả nghiên cứu mới của Kaspersky Lab cho biết, tội phạm mạng đang tích cực lợi dụng những series phim truyền hình ăn khách để phát tán phần mềm độc hại. Game of Thrones, The Walking Dead và Arrow là những cái tên nhận được nhiều sự chú ý nhất từ ​​hacker. Phát hiện này nằm trong báo cáo mới của Kaspersky Lab: “Game of Threats: Tội phạm mạng đã phát tán phần mềm độc hại thông qua những chương trình truyền hình như thế nào?”.

Chương trình truyền hình là một trong những loại hình giải trí phổ biến nhất. Tuy nhiên, với sự gia tăng mạnh mẽ của torrent, streaming trực tuyến và các phương thức chia sẻ kỹ thuật số khác, những series phim truyền hình thường xuyên bị vi phạm bản quyền. Ở nhiều khu vực trên thế giới, các series phim lậu có thể được tải về thông qua torrent hoặc những nền tảng trực tuyến bất hợp pháp. Không giống như các tài nguyên hợp pháp, hacker có thể lợi dụng torrent và các trang trực tuyến để gửi cho người dùng tập tin trông giống một tập phim trong chương trình truyền hình, nhưng thực tế lại là phần mềm độc hại có tên tương tự.

img

Những chương trình bị phát tán kèm mã độc nhiều nhất.

Để tìm hiểu các chương trình truyền hình được tải xuống từ những nguồn bất hợp pháp có thể bị thay thế bởi phần mềm độc hại như thế nào, các nhà nghiên cứu của Kaspersky đã nghiên cứu kỹ các tệp bị xâm nhập trong cả hai năm 2017 và 2018. Theo đó, series phim truyền hình lậu bị cài mã độc nhiều nhất trong cả hai năm là Game of Thrones. Năm 2018, Game of Thrones chiếm tỉ lệ 17%, tương ứng 20.934 người dùng bị tấn công năm 2018. Đứng ngay sau đó là The Walking Dead với 18.794 người dùng, và Arrow với 12.163 người dùng.

Điều này bất chấp thực tế là vào năm 2018, Game of Thrones không có tập mới nào được phát hành, trong khi các chương trình khác trong bảng xếp hạng lại đi kèm với những chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ.

Trong các tệp phim được nghiên cứu, tội phạm phát tán phần mềm độc hại thường nhắm vào tập đầu tiên và tập cuối của mỗi mùa, đặc biệt là tập đầu tiên của mùa 1 như “The winter is coming” của Game of Thrones được sử dụng nhiều nhất.

Anton V. Ivanov - nhà phân tích các phần mềm độc hại cấp cao tại Kaspersky Lab cho biết: “Có thể thấy tội phạm mạng phát tán phần mềm độc hại thường lợi dụng những chương trình truyền hình ăn khách trên các trang web vi phạm bản quyền: Thường là những bộ phim truyền hình hoặc phim hành động đang được quảng bá tích cực. Tập đầu và cuối thu hút nhiều người xem nhất, đồng nghĩa có nguy cơ bị giả mạo bằng phần mềm độc hại cao nhất. Tội phạm mạng có xu hướng lợi dụng sự yêu thích và thiếu kiên nhẫn của người dùng, từ đó giới thiệu những tập phim mới để người dùng tải về, trong khi thực tế, đó lại là những mối đe dọa trực tuyến. Đừng quên mùa cuối của Game of Thrones sẽ xuất hiện và dự kiến gây “bùng nổ” cho khán giả yêu thích series phim vào tháng này, và rất có thể số lượng phần mềm độc hại được ngụy trang trong Game of Thrones sẽ gia tăng đột biến trong thời gian tới”. 

Để tránh trở thành nạn nhân của các phần mềm độc hại giả danh phim truyền hình, Kaspersky Lab khuyên người dùng internet nên thực hiện các bước sau:

- Chỉ sử dụng các dịch vụ của đơn vị hợp pháp, có uy tín về sản xuất và phân phối nội dung phim truyền hình.

- Hãy chú ý đến định dạng tệp. Ngay cả khi tải các tập phim truyền hình từ nguồn mà người dùng cho là đáng tin cậy, nên chỉ tải tệp mang đuôi .avi, .mkv hoặc .mp4,… chứ không phải là .exe.

- Cực kỳ chú ý đến tính xác thực của trang web. Chỉ xem phim trên những trang web bạn chắc chắn là hợp pháp và bắt đầu với “https”. Kiểm tra xem trang web có phải là website chính thức hay không, bằng cách kiểm tra kỹ định dạng của URL hoặc tên công ty trước khi tải xuống.

- Không nhấp vào các liên kết đáng ngờ, chẳng hạn như những liên kết giới thiệu tập phim mới; thay vào đó hãy kiểm tra và theo dõi lịch chiếu chính thức.

Phát hiện mã độc đội lốt chính chủ đang tồn tại trên hầu hết máy tính của ASUS

Mã độc này tồn tại ngay trong phần mềm Live Update vốn có chức năng tự động cập nhật BIOS, UEFI, drivers và các ứng dụng...