Dân Việt

BĐS du lịch: Làm sao để níu chân du khách?

Quốc Hải 06/04/2019 16:04 GMT+7
Cho đến thời điểm này, vấn đề pháp lý cho condotel vẫn chưa được giải quyết. Có những rào cản rất lớn đang ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch và phát triển bất động sản du lịch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành kinh tế không khói.

img

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) trình bày nhiều khó khăn để phát triển du lịch, bất động sản du lịch (Ảnh: Quốc Hải)

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) nhấn mạnh tại Diễn đàn “Bất động sản du lịch Việt Nam 2019 - Triển vọng thị trường và Thách thức nguồn nhân lực”, diễn ra sáng 6.4.

Triển vọng lớn nhưng vẫn nhiều bất cập

Theo ông Nam, từ đầu năm 2017, VnREA đã tổ chức hội thảo bàn về tính pháp lý cho condotel. Nhưng 2 năm nay dù đã nhiều lần kiến nghị, các bộ ngành đều đồng ý, nhưng không ông nào chịu ra văn bản, ông này đùn đẩy cho ông khác. "Đến thời điểm năm 2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… giải quyết vấn đề này, nhưng khi được chúng tôi hỏi lại thì đều trả lời ‘đang’ xem xét hết", ông Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam, mới đây nhất, ngày 1.4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản giao các bộ ngành, địa phương tháo gỡ cơ chế chính sách để phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng giải quyết thủ tục pháp lý cho các loại hình condotel, officetel… Tuy nhiên, tréo khoe là cách nay vài ngày, khi ông Nam gọi điện cho Bộ Xây dựng, Bộ nói chưa nhận được, dù các báo đã đăng thông tin hết rồi.

Ngoài ra, các chuyên gia bất động sản cũng chia sẻ, Nghị định 20 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017, quy định về tỷ lệ lãi vay ngân hàng được tính vào giá thành để tính thu nhập Doanh nghiệp (DN) của các DN bất động sản hiện nay cũng nhiều bất cập. Theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị định 20 này đã khống chế sự phát triển của DN, thậm chí còn vi phạm luật Doanh nghiệp.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2019, ngành du lịch đặt ra mục tiêu thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16%), 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt trên 700.000 tỷ đồng. Đây là mục tiêu tăng trưởng cao, đòi hỏi ngành du lịch phải tập trung khắc phục những điểm yếu, vượt lên thách thức, tháo gỡ những nút thắt, rào cản để phát triển.

“Đặc biệt, thời gian tới với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam như ngôi sao đang lên trong ASEAN, chúng ta luôn lạc quan dự báo về viễn cảnh tăng trưởng du lịch 10 năm tới”, ông Siêu nói.

Cụ thể, theo dự báo của ngành du lịch, đến năm 2020 cả nước sẽ có 650.000 đến 700.000 buồng lưu trú du lịch; năm 2025 cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng và đến năm 2030 cần có 1.300.000 đến 1.450.000 buồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,2 - 8,5% đến 2020; 7,8 - 8,0% giai đoạn 2020-2025 và 7 - 7,5% giai đoạn 2025-2030. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9-11%/năm.

Cũng theo ông Siêu, trước đà tăng trưởng của ngành du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên, tuy nhiên tính chất, loại hình và địa bàn sẽ thay đổi theo xu hướng nhu cầu của khách du lịch thế hệ mới. “Bất động sản du lịch sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Siêu khẳng định.

Đồng quan điểm về việc đà tăng trưởng ngành du lịch đang rất mạnh mẽ, tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Nam lại cho rằng có những rào cản rất lớn đang ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch và phát triển bất động sản du lịch.

Ông Nam kể, trong chuyến công tác nước ngoài cách đây không lâu, khi ông làm một khảo sát nhỏ với người nước ngoài về việc có đến Việt Nam hay không. Trả lời vấn đề này, nhiều du khách lại đặt vấn đề, Việt Nam có gì mà phải đến? Tại sao phải bỏ vài trăm USD để mua visa vào Việt Nam nếu ngành du lịch Việt Nam cũng chưa tạo được thế mạnh nổi trội so với các nước trong khu vực?

“Nhiều nước láng giềng của chúng ta đã mở visa cho 70 - 80 quốc gia nhưng Việt Nam mới chỉ có hơn 40 nước. Theo tôi, nên mạnh dạn miễn visa du lịch cho các thị trường khách hàng tiềm năng thì mới khuyến khích tăng trưởng được”, ông Nam khẳng định.

img

Ông Adam Bury, Phó Chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitatily Group

Chất lượng nhân lực chưa “theo kịp tốc độ” phát triển

Dù ngành du lịch đang phát triển rất nhanh và lĩnh vực bất động sản du lịch cũng đầy tiềm năng nhưng các chuyên gia cũng thừa nhận, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang có nhiều… “lỗ hổng”. Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, nhân lực ngành du lịch đang “không theo kịp” tốc độ phát triển. Thực tế, dù nhân lực được đánh giá là “ngoan ngoãn, hòa nhã…”, nhưng kỹ năng thì còn rất kém.

“Tôi từng đi khảo sát nhiều nhà hàng, khách sạn từ miền Trung trở vào, thấy nhân lực ngành du lịch còn khá kém ở các khâu nghiệp vụ. Thậm chí, một “ông lớn” ngành du lịch như FLC ở miền Trung cũng xây dựng khu du lịch trong vòng 11 tháng nhưng xây xong thì nhân lực điều hành lại thiếu”, ông Nam kể. Theo ông Nam: “Nhân lực hiện nay không theo kịp tốc độ phát triển, nhưng không thể đợi sự hỗ trợ từ Nhà nước được vì thời gian rất lâu, các DN phải tự chuyển mình bằng cách kết hợp giữ đào tạo trung và dài hạn của Nhà nước với đào tạo ngắn hàn của chính DN thì mới đáp ứng được nhu cầu”.

img

Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao của Novaland

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao của Novaland thì chia sẻ, du lịch có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp trực tiếp 8% vào GDP, gián tiếp 14% GDP. Trong khi đó, lực lượng lao động làm việc trong ngành du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 4%, dẫn đến mất cân đối khá lớn khi khách du lịch đổ về quá lớn trong 1 thời gian ngắn. Trong khi đó, về chất lượng của hướng dẫn viên du lịch, trong khi khách du lịch khoảng hơn 15 triệu năm 2018 nhưng tỉ lệ hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh chỉ 40%, thạo tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Hàn Quốc chỉ khoảng 2%.

“Con số này cho thấy nguồn nhân lực có khả năng bị thua ngay trên sân nhà khi hướng dẫn viên du lịch nước ngoài tràn vào. Cả ngành dịch vụ du lịch của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, nói gì đến chất lượng", ông Phiên nhận định.

Trong khi đó, ông Adam Bury, Phó Chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitatily Group, thì đặt vấn đề: Nếu so sánh với Việt Nam với Thái Lan, có thể thấy chúng ta có nhiều điểm đến hơn rất nhiều. Việt Nam có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, cùng với đó là 3 điểm đến du lịch là Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, chưa kể còn nhiều điểm đến tuyệt vời khác. Vậy tại sao, du lịch Việt Nam lại đứng sau Thái Lan? Tại sao Việt Nam chỉ thu hút được 15 triệu lượt khách trong năm 2018, trong khi con số này của Thái Lan là 38 triệu lượt? Tại sao lượng du khách tới Việt Nam theo dự kiến thì phải 8 năm nữa mới đạt bằng con số của Thái Lan hiện tại?

Giải thích những nguyên nhân này, ông Adam Fury, cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn về thủ tục, logistics. Trong đó, đặc biệt là vấn đề visa khiến du khách “khó chịu”. Tại Thái Lan, du khách làm visa rất đơn giản, trong khi Việt Nam khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là với người nước ngoài. Thậm chí, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khi quay lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục.

 “Việt Nam đã đầu tư nhiều sân bay, nhưng logistic sân bay vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu cứ mỗi lần vào Việt Nam lại mất cả tiếng đồng hồ thì không ai muốn quay lại”, ông Adam Fury, chia sẻ.