Dân Việt

“Giang hồ mạng” - giá trị ảo, hậu quả thật

Nguyệt Tạ 09/04/2019 06:50 GMT+7
Một loạt những cá nhân có xuất thân từ giang hồ, lối sống không lành mạnh... nhưng đang gây hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội, thu hút không ít sự quan tâm của nhiều người, nhất là thanh thiếu niên. Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, nhiều chuyên gia xã hội lo ngại những “giá trị ảo” của các nhân vật đó sẽ gây hệ lụy và hậu quả xấu cho đời sống xã hội.

Kẻ giang hồ thành “thần tượng”

Vài năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội có hiện tượng tung hô một số cá nhân là những người có nhiều hành vi đáng lo ngại, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thậm chí những người này được tung hô, chào đón như những thần tượng của nhiều thanh thiếu niên. Nổi tiếng nhất có thể phải kể đến là Ngô Bá Khá (biệt danh Khá “bảnh”) - một thanh niên gắn liền với những hình ảnh giang hồ xăm trổ, chuyên livestream (phát hình ảnh trực tiếp trên mạng xã hội) với việc nói tục, chửi thề, khoe những chiến tích hay việc làm thiếu lành mạnh. Trang Facebook cá nhân của Khá “bảnh” có đến 60.000 lượt theo dõi; riêng kênh YouTube của người này có gần 2 triệu người theo dõi và anh ta cũng từng bật mí mỗi tháng anh ta kiếm được hàng trăm triệu đồng từ tiền quảng cáo, tiền YouTube trả cho trang có truy cập lớn.

Để tăng lượng tương tác với các tài khoản mạng của mình, Khá “bảnh” thường xuyên đăng tải các clip thể hiện việc ăn chơi nhậu nhẹt cùng bạn bè, văng tục, chửi thề, thách thức, cầm súng, mã tấu đi “giải quyết công việc”, đánh bài... Điều đáng chú ý, thay vì phản đối các hành vi đó của Khá “bảnh” và nhóm chiến hữu, một số bạn trẻ lại “tung hê”, thậm chí xin “kết nghĩa anh em”.

img

 Ngô Bá Khá tại cơ quan công an ngày 2.4.  ảnh: C.A

Trên thực tế, Khá “bảnh” đã nhiều lần vào tù ra tội. Từ năm 2011-2012, khi mới 17 tuổi, Khá “bảnh” đã bị đưa vào trại giáo dưỡng vì hành vi đánh người và cố ý gây thương tích. Sau đó, Khá “bảnh” lại vào tù thêm nhiều lần nữa trong thời gian ngắn vì tội hành hung, đánh người. Mặc dù có quá khứ và những hành động bất hảo nhưng Khá “bảnh” lại được một bộ phận giới trẻ, nhất là giới trẻ ở những vùng quê chào đón nhiệt tình, đi tới đâu cũng được chụp hình tung “phây”.

Gần đây nhất, Khá “bảnh” cùng bạn bè dàn hàng ngang trên đường cao tốc để chụp ảnh và đã bị cơ quan chức năng xử lý. Đến tối 1.4, Khá “bảnh” đã bị công an bắt giữ để điều tra hành vi tổ chức đánh bạc.

Cùng với Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền còn có một loạt “hiện tượng” khác như: Quang Rambo, Phú Lê, Huấn Hoa Hồng… cũng được tung hô là các “đại ca”, “giang hồ mạng” với hàng loạt clip đe dọa người này, đánh đấm người kia... Thậm chí Huấn Hoa Hồng còn tung cả clip “chia sẻ kinh nghiệm” kiếm tiền bằng cách cho vay nặng lãi và cách “làm thân” với công an để hành nghề!  

Một “ông anh xã hội” cũng đang thu hút được sự chú ý của giới trẻ là “thánh chửi” Dương Minh Tuyền (quê Bắc Ninh), khi anh này đi thăm học sinh lớp 9 bị đánh hội đồng ở Hưng Yên. Dương Minh Tuyền đã đăng tải video  lên YouTube nói là sẽ ra tay làm việc nghĩa, cho tiền nữ sinh bị đánh và tuyên bố là sẽ “xử lý” 5 nữ sinh đánh bạn. Chưa biết thực hư ra sao, nhưng hình ảnh đông đảo người dân mọi lứa tuổi vây quanh, tung hê Tuyền - người từng tự nhận là “giang hồ làm lại cuộc đời” - khiến nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và bức xúc.

Quá khứ của Dương Minh Tuyền được nhiều cư dân mạng biết đến với việc tự quay clip chửi bới tục tĩu nhiều người hoặc thách thức chém nhau, dọa đốt nhà... trên mạng xã hội. Các video này thường thu hút hàng triệu lượt xem. Năm 2017,  Tuyền bị TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử và tuyên phạt 32 tháng tù về các tội gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản. Cuối năm 2018, Tuyền ra tù và... được chào đón, livestream trên mạng như người hùng.

Dễ tác động làm thay đổi hành vi người trẻ

Nhận định về hiện tượng “giang hồ mạng” trở thành thần tượng của nhiều người trẻ, ông Trần Mạnh Hà - chuyên gia tâm lý thuộc Học viên Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng điều này sẽ tác động không tốt đến việc hình thành nhân cách, lối sống, thậm chí có thể thay đổi hành vi khiến nhiều người trẻ sống lệch chuẩn, vi phạm pháp luật.

Theo ông Hà, thời gian gần đây sở dĩ “giang hồ mạng” được giới trẻ tung hô trở thành thần tượng bởi hiện tượng 

"Điều nguy hiểm nhất với những người trẻ là khi họ xem những clip của “giang hồ mạng”, những hành vi, lối sống lệch chuẩn sẽ bị ngấm dần vào người, lâu dần ngấm vào nhận thức, làm thay đổi hành vi và chi phối lối sống của người trẻ. Đây là điều rất nguy hiểm”.

Ông Trần Mạnh Hà

này xuất hiện rất nhiều, và mạng xã hội như một mảnh đất rất màu mở để những hiện tượng này khuếch trương thanh thế. Thực tế, họ thường xuyên đăng tải thông tin để làm truyền thông nhằm xây dựng hình ảnh từ đó kiếm tiền.

Mặt khác, bản chất những câu chuyện của giới giang hồ luôn hấp dẫn những bạn trẻ - những người đang trong quá trình định vị bản thân. Những clip này thì đánh trúng tâm lý tò mò của con người nên những câu chuyện, lời nói, cách ứng xử… của những “giang hồ mạng” có tiếng tăm có sự hấp dẫn nhất định. Vì hấp dẫn, tò mò nên có nhiều người xem, càng xem nhiều thì những “giang hồ mạng” càng thu được nhiều tiền.

Cũng theo ông Trần Mạnh Hà, thanh thiếu niên là đối tượng đang trong độ tuổi phát triển, có sự biến đổi tâm sinh lý. Họ rất thích khẳng định mình, muốn đi tìm cái mới, mong được xã hội ghi nhận. Chính bởi vậy, khi thấy những hiện tượng mới lạ, độc đáo như kiểu giang hồ… là rất thích, muốn học hỏi, làm theo.

Ông Hà cho rằng nếu không kiểm soát chặt mạng xã hội thì những hiện tượng này có thể trở thành hệ lụy lớn với xã hội, khiến cho một bộ phận giới trẻ phát triển lệch lạc. “Hiện nay xã hội có nhiều rối nhiễu, người ta rất khó để định vị đâu là giá trị tốt, giá trị tích cực. Trong khi đó, những giá trị xấu, lệch chuẩn thì lại được nhiều người tung hô. Thêm vào đó, truyền thông phi chính thức đang làm mưa làm gió, vì thế “giang hồ mạng” có cơ hội làm náo loạn xã hội. Nhiều bạn trẻ thấy hay, thấy lạ là làm theo chứ không biết đâu là đúng sai.

Đồng tình với quan điểm của ông Hà, ông Đào Trung Hiếu - chuyên gia về tội phạm học cho rằng, ý thức quyết định hành động. Theo ông  Hiếu, nếu như một bộ phận người trẻ sống lệch chuẩn, tin tưởng vào những thứ không chuẩn mực như: Làm giàu từ cho vay nặng lãi, “xử đẹp” 5 học sinh đánh bạn... của “giang hồ mạng” thì đương nhiên giới trẻ có thể  có những hành vi tương tự ở những vụ việc tương tự. “Đấy là căn nguyên để kích thích, gieo rắc bạo lực. Thậm chí những video của các cá nhân giang hồ còn khuyến khích nhân rộng những yếu tố tội phạm trong mỗi con người” – ông Hiếu nhận định.