Dân Việt

Hiểm họa lệch chuẩn thần tượng

Thùy Anh 09/04/2019 06:52 GMT+7
Những ngày gần đây, truyền thông nhắc nhiều đến câu chuyện về “giang hồ mạng” bỗng nhiên trở thành thần tượng chỉ qua vài video “sống ảo”. Điều này đã khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng con em họ sẽ bị ảnh hưởng bởi thứ văn hóa lệch chuẩn. Vậy phải làm gì để định hướng góp các em tiếp cận với những luồng văn hóa đúng chuẩn?

Bị thu hút bởi tính thực tế

EM N.T.M - học sinh lớp  10 (Trường THPT Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, thời gian gần đây em thích xem các chương trình truyền hình thực tế trên YouTube. Đó thường là những clip ngắn quay các cảnh vui chơi, nghịch dại của mấy “thánh mạng”. Đôi khi M cùng anh trai mình cũng xem những video của Huấn Hoa Hồng hay Dương Minh Tuyền, tuy nhiên Minh cho biết, em chỉ xem vì tò mò thôi, chứ không thực hành theo các trò nghịch dại trên mạng hoặc bắt chước mấy anh nổi tiếng trên mạng.

“Khi xem các chương trình này, em thấy rất hấp dẫn vì nó gần gũi, thực tế hơn nhiều so với mấy chương trình truyền hình chính thống. Xem clip đó cho vui thôi, chứ em cũng biết có nhiều hành động nguy hiểm và không thể làm theo ở ngoài đời được” - M chia sẻ.

Cũng như M, nhiều thanh niên mới lớn ở các vùng quê thích xem các chương trình giải trí thuần túy không tuyên truyền, không khuôn khổ.

img

Theo chị Nguyễn Thị N, thôn Hoằng Thái (xã Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), hiện nay rất khó để  kiểm soát việc các con xem gì, làm gì. “Thường công việc của mình khá bận, mình vẫn thường nhắc nhở các con chú ý học hành, đôi khi thấy các con xem những video của mấy tay giang hồ đầu xăm, tay trổ là mình cấm tiệt” - chị N nói.

Chị N cho biết, bản thân chị chưa từng nghe tới cái tên Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng... Mặc dù vậy, sau khi thấy truyền thông rầm rộ kể tên thì chị cũng đã hỏi các con chị và biết hầu hết các cháu đều biết rõ những người này. Tuy nhiên, nói con thần tượng những người này thì không có. “Các con tôi cũng chỉ nói là chúng thấy tò mò, bạn bè xem thì xem thôi chứ mấy người đó chẳng làm gì hay để phải học theo cả” – chị N kể lại.

Cô Nguyễn Thị P - giáo viên một trường cấp 3 tại TP.Vinh (Nghệ An) thì cho biết, cô khá lo lắng khi nhiều học sinh của cô hiện nay hỏi đến những người đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, giải vàng Olympic đều ngơ ngác nhưng khi bàn về nhóm nhạc này, ca sĩ nọ vừa ra MV hay những hiện tượng mạng xã hội thì rôm rả và hiểu tường tận.

“Đó cũng là lý do mà nhiều năm nay, trong các đề thi thử, kiểm tra trắc nghiệm, các giáo viên cũng phải “vắt óc” tìm hiểu để lồng ghép hình ảnh thần tượng của giới trẻ vào giúp các em không thấy nhàm chán. Ví dụ như Sơn Tùng MTV, Lệ Rơi...” - cô P nói.

Cô P cũng thừa nhận, bản thân cô và không ít phụ huynh khi biết con mình thích xem các chương trình không lành mạnh hoặc hâm mộ những “hiện tượng mạng” lệch chuẩn, việc đầu tiên là cấm đoán chứ chưa thực sự  bỏ thời gian tìm hiểu và phân tích và định hướng cho trẻ.

Trẻ cần được định hướng

Bà Nguyễn Thơm - Phó Bí thư thường trực tỉnh Đoàn Nghệ An cho rằng, thực tế không phải tất cả giới trẻ thích xem những video của những “anh chị” giang hồ trên mạng. Nhiều khi các em xem chỉ vì những video ấy đánh trúng tâm lý giới trẻ là thích tò mò, thích những người kiểu nói là làm... mà thôi, chứ không hẳn là các em thần tượng gì những người đó.

“Nếu nói các em thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng sống thì cũng không hẳn, đơn giản chỉ là các em đi theo xu hướng 

Vấn đề ở đây nằm ở chỗ, bố mẹ cần quan tâm hơn tới con. Thay vì việc cấm đoán trẻ xem, ta vẫn có thể để trẻ xem nhưng sau đó phải có sự trao đổi, trò chuyện lại với con về việc đúng, sai trong những thông tin mà con vừa xem từ đó có sự định hướng phù hợp cho các con”. 

Ông Đặng Hoa Nam

hay trào lưu của số đông. Nhiều khi ý thích ấy còn đến từ những xu hướng ngược đời, khác người. Kiểu như hiện tượng Lệ Rơi trước đây cũng vậy... qua thời gian, khi nhưng hiện tượng này mất đi, thì xu hướng này cũng theo đó mà mất đi” - bà Thơm nhận định.

Tuy nhiên, cái nguy hiểm nhất, chính là khi các em xem các video được nhóm giang hồ phát tán trên mạng với những lời lẽ thô tục, kiểu kích động và xúi giục làm việc xấu. Nếu xem nhiều những video kiểu đó trẻ em rất dễ “nhiễm” những tật xấu và rất dễ bị lợi dụng làm những hành động vi phạm pháp luật.

Chia sẻ về quan điểm giới trẻ nông thôn thiếu sân chơi, nên mới tìm đến những video của đám giang hồ trên YouTube để xem, bà Thơm cho rằng: “Thực tế, tại các vùng quê ngoài việc tới trường học tập, trẻ em còn phụ giúp bố mẹ làm công việc nhà. Ngoài ra, với nhiều những sân chơi tự tạo tại các nhà văn hóa, các em cũng có thể vui chơi, tổ chức đá bóng, nhảy dây, đánh bóng chuyền... vì thế, không thể nói vì thiếu sân chơi mà các em tìm đến những kênh văn hóa lệch chuẩn”.

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), nguyên nhân chính vẫn đến từ sự hấp dẫn riêng của các trang mạng xã hội và những “giang hồ mạng” này tạo nên. Họ biết cách làm truyền thông, khơi gợi tính tò mò, nên trẻ con rất thích. Đấy là yếu tố khiến trẻ mê muội, xem nhiều, like (thích) và phán tán nhiều những video dù nội dung phản cảm.

Trên mạng xã hội có khá nhiều những thông tin sai sự thật, không đúng chuẩn mực. Ông Nam cho rằng, không chỉ có Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng hay Dương Minh Tuyền... còn rất nhiều những người khác dù không phải là giang hồ nhưng vẫn “mọc” lên như những hiện tượng với những hành vi lệch chuẩn, tác động xấu tới tâm lý, sự phát triển của trẻ em.

Ông Nam cũng cho biết, hiện nay Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH đang phối hợp với khá nhiều đơn vị có liên quan nhằm thực hiện các chương trình tập huấn cho cha mẹ và cả trẻ em về cách thức khi tham gia mạng xã hội như Facebook, YouTube... Từ đó, nhằm trang bị cho trẻ em và cha mẹ các em cách thức để phát hiện các thông tin chưa đúng, tránh xa những thông tin độc hại trên mạng xã hội.