Liên quan đến vụ việc ông Kiều Văn Sang (trú tại thôn Yên Lạc, Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) xây dựng căn “biệt thự” trên đất công, được cho là đất thuộc khu sân khấu của xã Cần Kiệm với diện tích gần 2000m2. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: "Việc tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp là trái quy định pháp luật".
Căn biệt thự của ông Kiều Văn Sang "mọc" ngang nhiên trên diện tích rộng gần 2000m2.
Theo luật sự Cường, điều 15 Luật đất đai năm 2003 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó Nhà nước nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai; không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; huỷ hoại đất; không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi sử dụng các quyền của người sử dụng đất. Như vậy, thời điểm UBND cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn thì người sử dụng đất phải đảm bảo đúng về mục đích sử dụng đất công ích".
Luật sư Cường khẳng định: " UBND xã cho thuê đất thì loại đất này được xác định là đất nông nghiệp".
Theo quy định của Luật đất đai 2003, Nhà nước có quyền cho thuê, quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất thông qua hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất. Về thẩm quyền cho thuê đất được quy định cụ thể tại Điều 37 Luật đất đai 2003, theo đó tại khoản 3 quy định rõ UBND xã có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
Căn biệt thự của ông Kiều Văn Sang mọc ngang nhiên trên khu vực đất công rộng gần 2000m2.
Vị luật sư này cho biết, nếu tình trạng diễn ra đúng như phản ánh thì vấn đề này cần phải có cách xử lý và can thiếp từ phía chính quyền địa phương.
Ông Cường nhấn mạnh: Biệt thự xây trái phép trên đất công của ông Kiều Văn Sang phải đập bỏ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền đến 50.000.000 đồng và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
"Do đó, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với người vi phạm, buộc người vi phạm tháo dỡ công trình. Trong trường hợp người vi phạm cố tình không thực hiện có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép", luật sư Cường nhấn mạnh.
Trong trường hợp căn biệt thự xây trái phép trên 2.000 m2 đất công của ông Kiều Văn Sang được cấp sổ đỏ, theo luật sư Cường là được cấp trái pháp luật.
"Bởi theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013 sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn sẽ không thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nếu có việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này thì là trái quy định pháp luật. Khi đó, căn cứ khoản 2 Điều 106 Luật đất đai năm 2013 thì Nhà nước sẽ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cấp sai đối tượng", ông Cường cho biết.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.