Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi du nhập vào Việt Nam, mạng xã hội Facebook đã trở thành quen thuộc với đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ học sinh, sinh viên, công nhân. Bên cạnh những tính năng giải trí lành mạnh mà Facebook mang lại, nó còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án đau lòng.
Từ lừa đảo tiền bạc cho tới hiếp dâm hay thậm chí giết người mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ chính những mâu thuẫn, vấn đề tưởng như chỉ là trên mạng ảo kia. Ngoài ra, hiện nay một số đối tượng còn lợi dụng mạng Facebook để thực hiện tội ác cũng ngày một gia tăng.
Chân dung kẻ cướp của, hiếp dâm - Phương
Cô nữ sinh lớp 10 bị hiếp dâm tập thể
Câu chuyện bắt đầu từ việc cô bé Nguyễn Thị Như, học sinh lớp 10 ở phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TP.HCM) lên mạng Facebook trò chuyện và quen với một người bạn có nickname là “mytomxaocua”, một việc làm khá bình thường của các bạn trẻ bây giờ. Trong một thời gian ngắn trò chuyện cùng người bạn trên mạng ấy, Như thấy hai người khá hợp nhau, nói chuyện rất có duyên.
Thế là, chỉ sau một thời gian ngắn, nhận được lời mời đi uống cà phê của “mytomxaocua” để hai người có cơ hội tìm hiểu về nhau hơn, cô nữ sinh ngây thơ đã vô tư nhận lời. Sau khi hết giờ học thêm, cô nữ sinh đã được người bạn trên mạng mà tên thật ngoài đời là Huy đưa đến một quán cà phê ven bờ sông Sài Gòn ở phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) ngồi trò chuyện. Tại đây, ngoài Huy, Như còn gặp 3 người bạn nữa gồm 2 nam và 1 nữ lần lượt tên là Đức, Hiếu và Giàu.
Theo thạc sĩ xã hội học Đinh Thị An Thảo, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, không phải chỉ qua Facebook, mà nhiều vụ án đã xảy ra thông qua những mạng ảo, các diễn đàn… Bởi tất cả đều có thể dẫn đến những tác động tâm lý khác nhau và con người đôi khi chỉ vì những bực bội không đáng có mà mất kiểm soát đối với hành vi, lời nói của mình. “Thường với một bình luận gây bực bội trên Facebook, có thể có 2 khả năng: Một là trêu tức thực sự, hai là cũng có thể chỉ là lời nói đùa. Nhưng việc đùa trên một thế giới ảo có rất nhiều tác hại. Ở ngoài đời, chúng ta có thể biết được ý nghĩa của lời nói qua cử chỉ, nét mặt. Nhưng trên Facebook, nó lại có thể dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc và tích tụ dần theo thời gian do không được giải tỏa”, thạc sĩ Đinh Thị An Thảo phân tích.
|
Trong thời gian ngồi uống nước, tên Hiếu đã mượn điện thoại của Như với lý do ra ngoài gọi điện cho người thân rồi bỏ đi luôn. Sau đó, Đức và Giàu cũng lần lượt bỏ đi, chỉ còn cô nữ sinh và người bạn trên mạng của mình. Khi ra về, Huy đã ép cô bé phải trả tiền nước cho tất cả mọi người mới chịu chở về nhà. Nhưng, sau khi đến cầu Bình Lợi, Huy lại vòng xe xuống đoạn chân cầu (giáp bờ sông Sài Gòn) vắng vẻ.
Cô nữ sinh chưa kịp hiểu chuyện gì thì có một thanh niên khác (sau mới biết tên Long) đã đợi sẵn ở đấy cùng với Huy lao vào khống chế em, lục túi lấy hết số tiền 200 ngàn đồng và bông tai vàng trên người. Chưa dừng lại ở đó, cả hai gã đốn mạt đã tụt chiếc quần jeans mà Như đang mặc trên người rồi vứt xuống sông để cho cô bé không dám bỏ chạy. Sau đó, khi đã dùng dây điện trói tay cô bé, hai tên này thay nhau hãm hiếp cô nữ sinh suốt đêm khiến cô bé gần như chỉ khóc ngất đi vì đau đớn và nhục nhã. Gần về sáng, tên Long bỏ ra ngoài chỉ còn Huy ở lại canh gác nhưng do buồn ngủ quá, hắn thiếp đi trong giây lát. Lợi dụng thời gian đó, Như cắn dây đứt điện, chạy ra ngoài tìm người dân cấp cứu.
Trong nỗi hoảng sợ vẫn còn hiển hiện trên gương mặt cô nữ sinh ngây thơ, Như vừa khóc vừa kể lại đặc điểm nhận dạng của những kẻ đã gây án với mình cho các điều tra viên ở phường Hiệp Bình Chánh nghe. Theo đó, trong đêm ngày 7.10.2013 định mệnh ấy, cô có nhận thấy đối tượng trực tiếp dụ dỗ và gây án với mình là Huy có một đặc điểm là bị dị tật ở chân, đi khập khiễng. Tuy nhiên, với những thông tin ít ỏi về đời thực của hai kẻ gây án như vậy cùng những thông tin mơ hồ trên mạng xã hội ảo, việc tìm được danh tính thật của hung thủ là khá khó khăn.
Khu vực gầm cầu Bình Lợi, nơi xảy ra vụ án.
Tuy nhiên, sau một thời gian rà soát trên mạng cũng như cử các trinh sát đi do thám tình hình ở những tiệm internet công cộng trên địa bàn quận Thủ Đức và các khu vực lân cận, các trinh sát đã phát hiện một nam thanh niên bị tật ở chân, có dấu nhận dạng giống với những gì nạn nhân miêu tả. Lập tức, kẻ tình nghi bị đưa về Công an Hiệp Bình Chánh để làm rõ. Tại đây, đối tượng khai tên là Trình Duy Phương, thường gọi là Huy, sinh năm 1984, thường trú tại Châu Đốc (An Giang) nhưng sống vất vưởng ở khu vực quận Bình Thạnh (TP.HCM). Cũng theo cơ quan điều tra, Phương là đối tượng không nghề nghiệp, thường lêu lổng lên mạng Internet với mục đích tìm kiếm những đối tượng là nữ sinh nhẹ dạ cả tin để mời đi uống cà phê rồi mượn điện thoại, bỏ đi mất.
Sau khi thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội cướp tài sản, hiếp dâm đối với cô nữ sinh, Phương cũng khai rằng, đây không phải là lần đầu tiên hắn thực hiện hành vi lừa đảo những bạn gái trên mạng Facebook. Tuy nhiên, có thể những cô nữ sinh kia vì ngại ngùng hay lý do tế nhị nào đấy mà không dám đứng ra tố cáo Phương trước cơ quan pháp luật. Ngoài Phương, cơ quan điều tra cũng bắt thêm Trần Minh Đức (SN 1992 tại Cái Bè, Tiền Giang) và Trịnh Trung Hiếu (SN 1998, ngụ tại Bình Thạnh) để điều tra làm rõ. Riêng đối tượng nữ tên Giàu thì vô can bởi cô cũng là một nữ sinh, lần đầu hẹn với nhóm của Phương và đối tượng tham gia hiếp dâm Như dưới chân cầu Bình Lợi đang bỏ trốn.
Mất mạng thật vì mạng ảo
Chân dung gã sư đồi bại So Phia.
|
Nhưng, không chỉ lừa đảo tiền bạc và hiếp dâm, nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin còn có thể mất mạng vì những điều trên mạng xã hội Facebook, những thứ tưởng như chỉ là mạng ảo so với đời sống thường nhật mà thôi.
Một trong những vụ việc đau lòng nhất mà những điều trên mạng Facebook ảnh hưởng trực tiếp đến… mạng người phải kể đến là chuyện về cô gái Nguyễn Thị Tú Linh, 18 tuổi, đang học lớp 12 ở Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội). Theo đó, chỉ vì một sự bức xúc trên mạng xã hội Facebook mà cụ thể là Linh đã bị một số bạn trai học cùng lớp lấy hình ảnh của mình rồi ghép vào thân hình của những cô gái khỏa thân trên mạng và phát tán cho bạn bè cùng lớp xem.
Thấy xấu hổ quá vì các bạn trong lớp cứ xì xầm với nhau rằng mình bị lộ ảnh… nóng nên Linh rất buồn, nghĩ quẩn. Giữa đêm khuya ngày 26.6.2013, khi đang ngồi học bài, Linh buồn bã… uống cả chai thuốc diệt cỏ của gia đình để dưới nhà. Hậu quả, dù đã được cha mẹ đưa đến bệnh viện để rửa ruột nhưng vì liều lượng thuốc quá lớn, sau 3 ngày nằm viện, cô nữ sinh nông nổi ấy đã vĩnh viễn ra đi. Sự thật chỉ được làm rõ sau khi gia đình phát hiện một bức thư kể về nỗi bức xúc của nạn nhân với cha mẹ.
Điều đáng nói, chỉ vì những hành động tưởng như bình thường trên mạng ảo nhưng nó lại có tác động cực lớn đến đời sống của những người khác nơi đời thật. Và, trên hết là sự nông nổi của những con người còn quá trẻ đã bị chi phối quá lớn bởi những sự việc trên mạng xã hội mà phát sinh ra những vụ việc đau lòng kể trên. Có thể nói, đó chính là bi kịch đau lòng nhất mà những bậc làm cha, làm mẹ phải hết sức lưu tâm khi con cái mình thamg gia vào mạng xã hội Facebook.
Ngoài ra, cũng vì những mâu thuẫn phát sinh trên mạng Facebook, nhiều người đã sẵn sàng giải quyết bằng dao, kiếm, súng ở ngoài đời thật khiến những cái chết đau đớn liên tiếp cứ nối tiếp nhau. Đó là vụ việc Phạm Văn Minh (SN 1984 ngụ tại Quang Hanh, Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã lên mạng Facebook thách đấu với một đối tượng khác tên Vượng vì cả hai cùng có cảm tình với một bạn nữ khác trên Facebook. Lời qua tiếng lại, hai bên hẹn nhau tại một quán nước thuộc khu vực ngã ba Gốc Phương (phường Hà Phong, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) để giải quyết. Tại đây, Minh rủ thêm 2 người bạn ngồi đợi Vượng; một lúc sau thì Vượng đi taxi cùng 4 người đến. Sau một hồi cãi cọ, tất cả xông vào nhau với những hung khí ban đầu là dao, kiếm và tuýp sắt. Cuối cùng, một trong số đồng bọn của Vượng đã rút súng, nhằm thẳng nhóm của Minh bắn liên tiếp khiến nhiều người bị thương và Minh đã bỏ mạng ngay tại hiện trường.
Đặng Văn Cường, kẻ giết bạn quen trên Facebook.
Ngoài ra, vụ án chấn động cộng đồng Facebook nhất phải kể đến vụ việc tên Đặng Văn Cường (SN 1982 tại Thiệu Xuân, Thanh Hóa), người đã quen biết với anh Nguyễn Vũ Vỹ (SN 1964, trú tại phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) thông qua mạng xã hội Facebook. Tối ngày 20/6/2013 vừa qua, Cường đến nhà anh Vỹ chơi, nấu cơm ăn rồi đi ngủ. Gần sáng, Cường tỉnh giấc và thấy anh Vỹ vẫn còn nằm ngủ mà trong nhà lại có nhiều tài sản đáng giá như xe máy, máy tính xách tay, điện thoại… khiến hắn nảy sinh ý đồ xấu.
Nhìn quanh, thấy có hai quả tạ bằng sắt nên hắn lặng lẽ cầm lên, đập liên tiếp vào đầu, mặt anh Vỹ. Sau đó hắn vội vàng lục lọi đồ đạc để chuẩn bị tẩu thoát thì anh Vỹ hồi tỉnh, rên la. Thấy vậy hắn nhẫn tâm cầm lại quả tạ đập vào đầu cho tới khi nạn nhân nằm bất động mới thôi. Tài sản cướp được của nạn nhân hắn đem bán được hơn 20 triệu đồng, rồi tẩu thoát về quê của bạn gái ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Tuy nhiên, 3 ngày sau hắn bị cơ quan điều tra phát hiện và bắt giữ. Ngày 19/11/2013, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo mức án tử hình về tội giết người, cướp của vì những hành vi đặc biệt dã man của mình.
Nhưng không chỉ có những vụ việc như các nạn nhân ở trên mà còn rất nhiều trường hợp, chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội như chửi bới, nói đểu, bất đồng suy nghĩ… mà người ta đã hẹn nhau ra ngoài đời để thanh toán, chém giết. Đặc biệt, tình trạng học sinh, sinh viên vì bất đồng trên mạng ảo mà hẹn nhau ra ngoài đời để giải quyết ngày một tăng, manh động và táo bạo hơn xưa. Có thể nói, đây chính là những ảnh hưởng tiêu cực, những tác hại mà mạng xã hội Facebook mang tới nếu chúng ta không có những suy nghĩ thật sự tỉnh táo khi tham gia.
Những cảnh báo từ FacebookTuần qua, dư luận cả nước đang vô cùng bức xúc và phẫn nộ trước vụ án một gã sư trẻ ở Trà Vinh đã đang tâm bóp cổ chết người con gái mà hắn yêu thương chỉ vì cô gái bảo với người tình là mình đã có mang, nếu nhà sư không đồng ý cưới sẽ đem chuyện này nói lên…Facebook. Vì quá sợ những bạn bè trên mạng và người đời biết được sự thật nên hắn đã gây nên tội ác kinh hoàng. Theo hồ sơ vụ án, khoảng giữa tháng 9 vừa qua, người dân ở thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đã xôn xao về vụ mất tích của cô Nguyễn Thị Ngân, 24 tuổi.
Sau một thời gian tìm kiếm nhưng bất thành, gia đình đã phải nhờ đến phía cảnh sát và trong thời gian điều tra, đến giữa tháng 10, công an đã đưa đối tượng Kim So Phia (SN 1989 tại Nguyệt Hóa, Châu Thành, Trà Vinh) vào tầm ngắm. Khi được mời lên cơ quan công an, So Phia thừa nhận có mối quan hệ tình cảm sâu sắc với Ngân nhưng đồng thời cũng tỏ ra buồn rầu vì bạn gái đi đâu mà không nói gì với mình.
Tuy nhiên, thái độ của So Phia không qua mắt được các chiến sĩ điều tra dày dạn kinh nghiệm. Sau một hồi vòng vo chối tội, So Phia đã nhận tội giết bạn gái bằng cách đẩy xuống sông trong khi hai người đang đi qua… phà Cổ Chiên. Cơ quan điều tra nhận định lời khai này thiếu cơ sở do đi phà thường đông người, nếu có ai bị ngã xuống sông cũng dễ dàng có người phát hiện. Hơn nữa, trong thời gian vừa qua, ở khu vực sông Cổ Chiên, người dân không phát hiện ra xác chết nào theo nhân dạng của nạn nhân. Cuối cùng, So Phia đã phải thú nhận tội ác kinh hoàng của mình.
Theo đó, mặc dù đã đi tu được 8 năm nhưng So Phia và Ngân cũng yêu nhau được 3 năm. Trong quãng thời gian này, Ngân hạnh phúc thì ít mà đau khổ thì nhiều bởi dù đã có thai với So Phia 3 lần nhưng hắn đều dụ dỗ, hăm dọa cô phải phá bỏ vì hắn còn đang bận…tu hành. Để So Phia yên tâm tụng kinh niệm Phật, Ngân đã cắn răng phá thai theo yêu cầu của người yêu với những niềm tin mong manh, mù quáng.
Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự việc diễn ra vào khoảng giữa tháng 9.2013, khi Ngân nhất quyết không chịu phá thai thêm lần nữa và yêu cầu So Phia hoàn tục để làm đám cưới. Nếu So Phia không đồng ý, Ngân sẽ đem toàn bộ chuyện này đưa lên Facebook cho nhiều người khác biết. Sợ bị ảnh hưởng đến việc tu hành của mình, So Phia đã lao vào bóp cổ bạn gái cùng đứa con đang mang hình hài của chính mình đến chết. Sau đó, kẻ thủ ác mặc áo Phật môn còn bình tĩnh đào một cái hố dài 1,5 mét để chôn xác người tình. Cùng lúc, để cho “chắc ăn”, hắn còn dùng một lá bùa buộc vào cổ nạn nhân trước khi chôn với suy nghĩ gia đình có “gọi hồn” thì nạn nhân cũng không biết đường mà về.
Theo kết luận điều tra, nạn nhân chết do tắc nghẽn đường hô hấp. Trên người có nhiều vết bầm tím. Xương cổ tay bị nứt, xương gò má bị lõm, hốc mắt lồi ra… chứng tỏ trước khi chết, nạn nhân đã bị hành hạ khá dã man. Ngoài ra, một số người bạn thân thiết của Ngân cho biết không lâu trước khi chết, cô gái này đã biết So Phia có bạn gái khác nên dọa sẽ tung tất cả sự thật lên Facebook. Vì thế, So Phia đã nhiều lần hăm dọa sẽ giết chết Ngân khiến cô gái không dám gặp hắn ta nữa. Tuy nhiên, vào buổi tối định mệnh trên, khi đi học thêm thì So Phia đã dùng lời lẽ ngọt ngào xin gặp và để giải thích những hiểu lầm dù trong thâm tâm gã nhà sư trẻ - ăn chay gần chục năm - này đã vạch sẵn kế hoạch thủ tiêu nạn nhân.
Có thể nói, việc phải nhận những cái chết oan uổng, những kết cục đau lòng từ Facebook khiến nhiều người vô cùng lo ngại vì những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Đấy chính là bài học, là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai đã và có ý định tham gia mạng xã hội Facebook.
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi
Theo chuyên gia tội phạm học Nguyễn Hữu Anh, giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân, nguyên nhân dẫn đến gây án, ban đầu tưởng chừng đơn giản và có thể nhiều người ngạc nhiên bởi lý do “ngớ ngẩn” này. Nhưng thực tế, rất nhiều vụ trọng án đã xảy ra mà nguyên nhân ban đầu xuất phát từ mâu thuẫn trên Facebook. Chẳng hạn, khi một lời nói được đưa lên mạng xã hội, chủ nhân của nó thường nhận được những lời bình luận.
Thường đó là những lời nhận xét thực, nhưng có khi nó chỉ là ảo. Nhiều người sử dụng nó để thể hiện quan điểm của mình, nhưng có khi lại để chọc tức nhau hoặc với một mục đích gì đó. Mà với một cô gái trẻ, việc bị châm chọc về nhan sắc của mình lại có thể ảnh hưởng tới lòng tự trọng. Và, để tránh những mâu thuẫn ngày càng lớn phát sinh từ mạng xã hội, điều quan trọng nhất là người tham gia phải làm chủ được mình, không bị kích động quá mạnh. Nếu được thì cách tốt nhất là nên im lặng, hoặc nhắn tin trực tiếp với đối tượng để giải quyết mâu thuẫn nên hạn chế tranh luận. Ngoài ra, ông Anh cũng cho rằng, mâu thuẫn trên mạng ảo thì nên giải quyết ở mạng ảo, nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
|