Truyền nước tại phòng khám cũng nguy hiểm
Cụ thể, tối 7.4, một nữ công nhân 35 tuổi cảm thấy cơ thể mệt mỏi nên đã tìm đến phòng khám Kết Châu (Thanh Xuân, Hà Nội) để truyền nước. Sau khi được truyền một chai nước muối Natri Clorit và truyền tiếp một chai đạm Alvesin, 10 phút sau, người phụ nữ có biểu hiện ngứa, tức ngực, khó thở, nôn, sốc. Bác sĩ đã rút dây truyền, thực hiện cấp cứu theo phác đồ và gọi xe cấp cứu 115. Tuy nhiên, người phụ nữ đã tử vong vào lúc 20h30.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội đã xác nhận vụ việc và cho biết, phòng khám này được cấp giấy phép hoạt động từ năm 2015 trong lĩnh vực chuyên khoa nội, siêu âm.
Vị này cho hay, hiện phòng khám đã bị công an niêm phong nên Sở Y tế chưa nhận định được việc truyền đạm này có đúng quy định hay không, bởi còn tùy vào việc bệnh nhân đến khám hay được cấp cứu.
Theo các chuyên gia y tế, thói quen "mệt đi truyền nước" vô cùng nguy hiểm, có thể phải trả giá bằng tính mạng. (Ảnh minh họa)
Trước đó, ngày 16.10.2018, một cháu bé 22 tháng tuổi bị tiêu chảy, sốt nên được đưa đến Phòng khám chuyên khoa Nội (do bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc phụ trách, ở địa chỉ 392 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội) để khám và truyền dịch.
Chỉ 5 phút sau, cháu bé đã tím tái, có biểu hiện sốc nên gia đình đưa cháu đi cấp cứu ở Bệnh viện Đức Giang. Tuy nhiên, cháu đã tử vong ngoại viện.
Ông Nguyễn Quang Trung (Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội) khẳng định, việc bác sĩ Cúc truyền dịch cho bệnh nhân là hoàn toàn sai phép, vì phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám chuyên khoa nội của bác sĩ Cúc được phê duyệt gồm sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên khoa.
“Việc tiêm, truyền diễn ra cần có sự giám sát của bác sĩ và tại các cơ sở y tế được cấp phép để có các phương tiện, trang thiết bị y tế cần thiết nhằm cấp cứu nếu chẳng may bệnh nhân bị sốc phản vệ hoặc có các tai biến khác”, PGS Nguyễn Tiến Dũng. |
Theo thông tư số 01/VBHN-BYT ngày 26.2.2016 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám chuyên khoa nội không được thực hiện các thủ thuật “động dao kéo”, trong đó có tiêm truyền.
Cụ thể, theo quy định, các phòng khám chuyên khoa thuộc hệ nội (tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nhi và chuyên khoa khác thuộc hệ nội) chỉ được: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh chuyên khoa thuộc hệ nội; Thực hiện các kỹ thuật chuyên môn khác do Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt trên cơ sở năng lực thực tế của người hành nghề và điều kiện thiết bị y tế, cơ sở vật chất của phòng khám.
Truyền sai cách, sai chất rất nguy hiểm
Không chỉ tiêm truyền ở phòng khám không được cấp phép, không ít người dân còn thích gọi y tá, thậm chí người không có chuyên môn về nhà để truyền đạm, truyền “nước biển”. Hậu quả là đã có nhiều người tử vong do sốc phản vệ sau khi được tiêm truyền tại nhà riêng, trong đó có cả trẻ em lẫn người lớn.
Một quảng cáo tiêm truyền tại nhà trên mạng xã hội.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, việc tiêm truyền tại nhà vô cùng nguy hiểm, không ít người đã phải trả giá bằng mạng sống. Tuy nhiên, người dân vẫn chủ quan. Nhiều người “rất thích” truyền dịch khi sốt, mệt cho dù đó là bệnh gì và nghĩ đơn giản là “tiêm đường hay đạm là chất bổ, có gì nguy hiểm”. Chính vì vậy, không ít các em nhỏ đã trở thành nạn nhân do suy nghĩ đơn giản như vậy của cha mẹ.
“Thói quen này vô cùng nguy hiểm vì việc sốt, mệt của mỗi người khác nhau là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, chỉ bác sĩ mới biết việc sốt, mệt ấy có cần tiêm truyền dịch hay không. Việc tiêm, truyền dù bất cứ chất gì vào cơ thể đều phải có sự chỉ định của bác sĩ. Truyền liều lượng bao nhiêu, thời gian truyền nhanh hay chậm... đều phải có chỉ định của bác sĩ, không phải cứ truyền thế nào thì truyền”, PGS Dũng phân tích.
Không chỉ như vậy PGS Dũng nói thêm, việc bổ sung không đúng các chất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ, bệnh nhân mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn. Thiếu natri mà truyền đường sẽ làm máu loãng gây phù não. Thừa natri mà truyền muối quá nhiều làm teo não…
Chẳng hạn, trẻ sốt do viêm phổi hay mệt do bị bệnh tim... là 2 trường hợp phải hạn chế truyền dịch. Nếu lạm dụng truyền sẽ khiến tim quá tải, không chịu được dịch truyền, gây ra các tai biến. Những người già, thận yếu, việc truyền dịch còn có thể khiến phù não, tai biến trên não, theo PGS Dũng.