Xuất hiện chủng virus cúm mới H10N8Trao đổi với NTNN sáng 24.12, TS Văn Đăng Kỳ- Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện trên địa bàn cả nước chưa xuất hiện ổ dịch CGC, song vừa qua bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có công điện gửi các địa phương yêu cầu triển khai ngay các biện pháp để phòng chống các loại dịch cúm gia cầm có thể xảy ra.
Cụ thể, theo TS Kỳ, hiện Bộ đã yêu cầu tất cả các địa phương rà soát lại hệ thống thú y, tăng cường kiểm tra, nhất là các tuyến cơ sở, bởi hiện nay ở Trung Quốc (TQ) đang xuất hiện 2 biến thể dịch cúm rất nguy hiểm là H7N9 và H10N8 có nguy cơ phát tán qua con đường buôn bán, vận chuyển gia cầm... vào nước ta rất cao.
Về nguồn vaccine dự phòng để tiêm cho gia cầm, ông Kỳ khẳng định, hiện lượng vaccine dự trữ còn khoảng 38 triệu liều, đủ để tiêm cho đàn gia cầm trước và kể cả khi có dịch xảy ra.
Phun thuốc phòng dịch bệnh tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội).
Tại Hà Nam, một trong những tỉnh có đàn gia cầm lớn ở miền Bắc, ông Nguyễn Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, công tác thú y trên địa bàn vẫn được tiến hành và kiểm tra đôn đốc thường xuyên. Tại một số huyện hay xảy ra dịch CGC như Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, đến nay đàn gia cầm vẫn an toàn.
“Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngoài việc kiểm soát chặt việc tiêm vaccine, buôn bán, vận chuyển gia cầm, khi phát hiện chúng tôi sẽ lập tức lập chốt ngăn chặn, khoanh vùng. Tuy nhiên, thể dịch cúm H7N9 và H10N8 đang xảy ra ở TQ rất nguy hiểm” - ông Tân lo lắng.
Kiểm soát chặt từ khu vực biên giớiMột trong những nguy cơ dẫn đến dịch cúm gia cầm có thể lây lan hiện nay là ở phía bên kia biên giới. Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm A/H7N9 trên người đã xảy ra ở 12 tỉnh tại TQ làm 140 người mắc và đã gây tử vong 47 người. Mặc dù dịch cúm A/H7N9 và H10N8 chưa xuất hiện tại Việt Nam, song Cục Thú y nhận định, nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng,...
Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm đã xảy ra rải rác ở một số tỉnh, thành phố với 123.363 con gia cầm mắc bệnh (trong đó gà chiếm 17,3%; vịt và ngan 82,7%). Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu huỷ là 141.687 con. Ngoài ra, dịch CGC còn xảy ra trên chim trĩ, chim cút ở Tiền Giang và chim yến ở Ninh Thuận.
|
Ông Đoàn Duy Ái - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT, hiện Quảng Ninh đã thành lập một đoàn kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch CGC, đặc biệt là những địa bàn có ổ dịch cũ như Móng Cái, Ba Chẽ...
Đặc biệt, khu vực biên giới sẽ được kiểm soát chặt chẽ, bởi không ngoại trừ vào dịp cuối năm gia cầm lậu sẽ được tăng cường vận chuyển vào nước ta”.
Cũng theo ông Ái, hiện cơ quan chuyên môn đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 2 chủng virus là H7N9 và H5N2. Mới đây các lực lượng chức năng của Quảng Ninh đã bắt được 1 xuồng cao tốc đang vận chuyển 40.000 con gà từ bên kia biên giới vào Việt Nam để tiêu thụ, nên công tác kiểm soát khu vực cửa khẩu sẽ được siết chặt hơn vào dịp cuối năm.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Sở NNPTNT Lạng Sơn cũng cho biết, theo thông lệ cứ dịp giáp tết, việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, gia súc trên địa bạn diễn ra rất phức tạp. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban, tăng cường phối hợp với các lực lượng công an, hải quan, biên phòng, công thương... để ngăn chặn, kiểm soát việc buôn lậu ngay tại cửa khẩu và các đường tiểu ngạch.
Tuy nhiên, do địa bàn có nhiều đường tiểu ngạch mà buôn lậu gia cầm thì đem lại siêu lợi nhuận nên các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi khiến cho việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Ông Ma Quang Trung - Giám đốc Sở NNPTNT Lào Cai cũng cho biết: “Chúng tôi đang chỉ đạo hệ thống thú y đến tận thôn bản hướng dẫn các biện pháp phòng chống, đề phòng dịch bệnh - nhất là dịch cúm H7N9 và H10N8 đang xảy ra ở TQ tràn sang Việt Nam”.