Dân Việt

Cách dùng nước chấm cho từng loại thức ăn

14/05/2013 14:37 GMT+7
Thịt vịt ăn kèm mắm gừng, cá nấu canh chua ăn với mắm sống hay nước mắm chua ngọt ăn kèm các món cuốn.

Trong ẩm thực Việt Nam, nước chấm là một thành phần không thể thiếu, đem lại sự tròn vị cho món ăn. Tuy nhiên, nước chấm cũng có năm bảy loại, tùy từng món ăn mà có các loại phù hợp đi kèm.Dưới đây là một vài bí quyết sử dụng nước chấm đúng với từng loại thức ăn dành cho bạn.

Nước mắm sống

canh-chua-ca-1-jpg_1368504672[1332088530
Ăn canh chua cá thì không thể thiếu chén mắm sống bên cạnh. Ảnh: Khánh Hòa.

Thông thường thì nước mắm sống được dọn chung với rau luộc, thịt luộc… Miền Nam dùng cá trong món canh chua cá lóc với chén nước mắm sống dằm ớt tươi. Miền Trung ăn nước mắm ớt với rau luộc, làm gia vịt nêm cho món bún bò, đặc biệt còn dọn nước mắm tiêu với thịt đầu heo luộc, phèo non luộc,… Miền Bắc cũng dùng nước mắm sống với các loại thịt luộc hoặc rau luộc, có khi thêm ớt và vắt thêm chanh hay quất.

Nước mắm pha chua ngọt

Nước chấm loại này rất phổ biến nhất, có thể dùng trong bữa cơm gia đình với các loại rau sống, rau luộc, các món cuốn hay dùng với chả giò, bún, bánh cuốn, bánh xèo, cơm tấm… Nước mắm pha chua ngọt thường được pha chế bằng nước mắm, chanh hoặc giấm và đường, tỏi, ớt. Tùy từng món ăn thì các vị mặn, chua hay ngọt trong loại nước chấm này cũng được gia giảm khác nhau.

Nước mắm pha chua ngọt có khi còn được thêm vào ít củ kiệu chua xắt nhuyễn, có khi là hành tây và cà rốt xắt nhuyễn. Thường thấy trong nước chấm món bánh xèo, bánh khọt hoặc cơm tấm là đồ chua gồm củ cải trắng và cà rốt ngâm giấm đường. Nước mắm pha chua ngọt dọn ăn với các món chiên thì thường có vị hơi chua nhằm giảm độ ngấy của dầu, mỡ, dọn với món cơm tấm thì pha hơi ngọt, ít chua…

Nước mắm gừng

Phù hợp với các món cá trê nướng hoặc chiên giòn, thịt vịt luộc. Nước mắm gừng trong các món này là nước mắm nguyên chất, pha với đường, gừng giã nhuyễn và chút chanh, ớt. Nếu ăn với cá trê, thịt vịt cần pha thật đậm đà, không thêm nước, còn dùng chung với gỏi vịt hoặc để chấm với ốc, nghêu thì cần phải pha loãng với nước đun sôi để nguội, vị ngọt chua dịu.

nuoc-mam-gung-jpg[1332088530].jpg
Mắm gừng hơi ngọt, cay nồng vị gừng thích hợp với các món ốc luộc, thịt vịt... Trong ảnh là món ốc bươu nhồi thịt chấm mắm gừng.Ảnh: Khánh Hòa.

Nước mắm me

Đây là món nước chấm đặc trưng của miền Nam. Chuẩn bị me vừa chín, cho me vào nước sôi, khuấy đều, bỏ hạt và xơ. Sau đó cho tỏi, ớt, gừng băm nhuyễn vào nước me. Thêm đường và nước mắm vào và trộn đều. Nước mắm me được dùng với các món lươn như lươn chiên giòn, lươn om lá lốt hoặc các món cá kèo chiên giòn, món khô cá khoai nướng…

Muối tiêu chanh

Thức chấm thông dụng của miền Bắc, tuy vậy cũng khá phổ biến ở nhiều địa phương khác. Muối, tiêu chanh thường dùng với thịt gà luộc, món nướng hoặc các món hải sản.

Muối ớt

Là món nước chấm miền Nam, thường được dùng chung với món cà ri hoặc các món gà nướng, cá nướng. Muối ớt miền Nam có khi được vắt thêm chanh. Muối để làm món chấm này là loại muối hạt to, miền Nam gọi là muối cục.

Nước tương

Đây cũng là loại nước chấm thông dụng của người Việt do ảnh hưởng ẩm thực Trung Hoa. Nước tương thường được dùng chung với các món thịt heo quay, vịt quay hay trong các món súp…. với ớt tươi, giấm đỏ. Bên cạnh đó nước tương còn được sử dụng nhiều trong các món chay, dùng chấm với rau, đậu. Nước tương được pha chế loãng, có vị chua ngọt, gần giống cách pha nước mắm chua ngọt để dùng với các món mì xào chay, bún xào chay, hoặc món chả giò chay….

Chao

Ngoài việc sử dụng chao làm món ăn trong bữa chay, có thể sử dụng chao để chế biến thành nước chấm ăn kèm với các loại rau, đậu hoặc trong một số món mặn như món gỏi cá, món dê nướng, lẩu dê…. Đơn giản là dùng chao tán nhuyễn, trộn chung tỏi, ớt, đường băm nhuyễn, cũng có thể thêm sa tế hoặc sả băm, gừng tùy món ăn.

Mắm nêm pha thơm

nuoc-mam-nem-jpg[1332088530].jpg
Nước mắm nêm với hương vị thơm ngon đậm đà thích hợp với các món bò, cá nướng, cá hấp cuốn bánh tráng... Ảnh: Khánh Hòa.

Đây là món chấm đặc trưng miền Trung, thường dùng trong bò bảy món hoặc các món cá nướng, cá hấp cuốn bánh tráng. Thơm chín, sả, tỏi, ớt băm nhuyễn, trộn chung với đường và mắm nêm. Thêm một ít nước đun sôi để nguội. Khuấy tất cả cho đều, có thể thêm sả, tỏi phi vàng cho ngon.

Mắm tôm

Mắm tôm được vắt thêm chanh hoặc quất, đánh đều cho sủi bọt, thêm chút đường. Có người còn thích pha mắm tôm với chút rượu trắng để làm tăng hương vị món nước chấm độc đáo này. Mắm tôm có thể được dùng làm nước chấm trong các món ăn gia đình lẫn trong các món chơi như cà pháo, đậu rán, lòng luộc, thịt chó hoặc dùng trong món bún đậu. Mắm tôm còn được ăn với món bún riêu, bún ốc hoặc bún thang, khi đó món ăn không cần pha chế thêm.

Tương xay

Cùng là loại nước chấm làm từ đậu nành, tuy nhiên cách chế biến tương cũng như cách pha chế ở các địa phương có khác nhau. Miền Bắc thường sử dụng loại tương Bần, dùng chung với các món bê thui hoặc rau luộc. Miền Trung pha chế tương xay với gan heo bằm nhuyễn, thêm nếp xay nhằm tạo độ sánh dùng làm "nước lèo" cho món bánh khoái. Miền Nam cũng sử dụng tương xay pha với đường, nếp, đậu, nước cốt dừa…cho các món nem nướng, chạo tôm, hoặc chỉ pha loãng với đường, thêm đậu phộng rang, tỏi phi, ớt, đồ chua cho món bò bía…

Theo Vnexpress