Như Dân Việt đã thông tin, những nơi bị Công ty Cổ phần xây dựng Thăng Long “biến” thành bãi đổ thải ở các thôn Bó Pja và Khuổi Đăm tại xã Quảng Bạch hiện nay đa phần đều có chân là mép suối, khe hoặc sát ruộng người dân đang canh tác. Sau khi đã lấp đất trên những diện tích được thỏa thuận, phần lớn tại nền đất mới đổ đã được người dân dựng nhà để ở.
Những hộ dân đã đồng ý cho đơn vị thi công đường đổ đất lấp ruộng hiện đã không thể cấy lúa vì đất mới không có màu, trồng ngô cũng không cho năng suất.
Trả lời báo chí ngày 7.4, ông Mã Văn Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn khẳng định, chủ đầu tư cương quyết yêu cầu đơn vị thi công khắc phục bằng cách hoàn trả lại mặt bằng ở những vị trí có nguy cơ sạt trượt đất đổ ra suối; cấm việc tiếp tục đổ thải ở những vị trí không theo thiết kế làm ảnh hưởng đến môi trường. Chủ đầu tư sẽ giám sát và yêu cầu các nhà thầu thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ buộc dừng thi công.
Tuy nhiên, theo thông tin bà Hoàng Thị Vân Anh, Trưởng thôn Bó Pja cung cấp, ngay ngày 7.4 đơn vị thi công lại tiếp tục đổ đất tại nơi mà thôn đã yêu cầu dừng trước đó.
Việc đổ đất không đúng bãi (bãi đổ thải là khu Khuổi Chừn, đơn vị thi công đang hoàn thiện hồ sơ) vẫn diễn ra trên địa bàn. Thậm chí các xe chở đầy vẫn tiếp tục đổ “nhầm” sang diện tích đất của người dân chưa có thỏa thuận.
Việc đổ thải không đúng nơi quy hoạch vẫn tiếp tục diễn ra tại thôn Bó Pja cho thấy hạn chế trong công tác quản lý, giám sát của chủ đầu tư.
Ông Nông Văn Thẩm - Chủ tịch UBND xã Quảng Bạch cho biết: "Chúng tôi đã lập biên bản và đình chỉ nhiều lần song họ vẫn lén lút đổ, nền ruộng bị đổ đất chỗ cao nhất cũng phải hơn 10m.
Việc đổ đất này hoàn toàn không được phép vì đó là đất nông nghiệp. Toàn xã hiện chỉ có khoảng 5.000m2 đất ruộng bị “biến” thành bãi đổ thải”.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Việt - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Đồn cho hay, tất cả những vị trí đất ruộng đã bị đổ thải vào đều không trong quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
"Nhiều vị trí đổ thải sát bờ suối gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, kiến nghị, có văn bản đề nghị nhà thầu thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt nhưng công ty vẫn không chấp hành đầy đủ" - ông Việt cho biết.
Những ngôi nhà được dựng chênh vênh trên nền đất mới tiềm ẩn nguy cơ sạt lở khi mùa mưa đang đến gần.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Sỹ Huân, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, tuyến đường 254 nối Chợ Đồn - Ba Bể là niềm mong mỏi của người dân địa phương. Có tuyến đường này sẽ giúp cho người dân thuận lợi trong thông thương hàng hóa và phục vụ tốt nhu cầu du lịch Hồ Ba Bể của người dân trong huyện cũng như các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Tuyên Quang.
“Tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi đánh đổi bằng mọi giá để có được con đường này. Các đơn vị thi công phải đảm bảo thực hiện đúng các các quy định và Pháp luật của Nhà nước”, - ông Huân khẳng định.
Việc tiếp tục đổ thải ở những vị trí không như thiết kế của Công ty Cổ phần xây dựng Thăng Long ngay sau khi đoàn kiểm tra vừa rút về cho thấy đơn vị này đang “phớt lờ” yêu cầu từ phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời cho thấy lỗ hổng trong việc quản lý, giám sát của chủ đầu tư trong vấn đề này.