Dân Việt

"Khủng hoảng" thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp ngành sắn điêu đứng

  Nguyễn Vy 10/04/2019 15:35 GMT+7
Dịch khảm lá sắn năm vừa qua làm sụt giảm đáng kể năng suất củ trên toàn bộ diện tích sắn tỉnh Tây Ninh. Cộng với những quy định khắt khe của Trung Quốc với sản phẩm tinh bột nhập khẩu sẽ khiến ngành chế biến sắn đối diện với nhiều khó khăn.

“Khủng hoảng thiếu” nguyên liệu

Tây Ninh hiện có gần 60.000ha sắn với 62 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo các DN, nguồn nguyên liệu trong tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 50% công suất chế biến nên phải phụ thuộc vào nguồn sắn nhập khẩu từ Campuchia.

Sau khi dịch khảm lá bùng phát gây hại, năng suất củ sắn giảm, khiến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng hơn. Theo bà Nguyễn Thị Khuê - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ðịnh Khuê, các nhà máy chế biến sắn chỉ hoạt động với một nửa công suất thiết kế, và thời gian hoạt động khoảng 8 tháng trong năm.

img

Năng suất củ sụt giảm trên toàn bộ diện tích sắn tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cũng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu nên đã xảy ra tình trạng cạnh tranh nâng giá trong thu mua củ sắn tươi, làm cho giá nguyên liệu tăng cao. Giữa năm 2018, giá sắn tăng phi mã, lên đến 3.400 - 3.500 đồng/kg; đỉnh điểm có lúc lên đến 3.700 đồng/kg (cả nguồn nhập từ Campuchia và nội địa)

Hiện, đã vào thời điểm cuối vụ 2018 - 2019, các nhà máy hầu hết đã dừng sản xuất. Giá sắn ở Tây Ninh hiện còn 2.600 - 2.700 đồng/kg. Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá cao so với giai đoạn từ năm 2010 cho đến trước khi xảy ra dịch bệnh khảm lá, giá thu mua sắn tươi lúc này chỉ quanh mức 2.400 đồng/kg.

Theo bà Khuê, tình trạng cạnh tranh giá thu mua củ sắn tươi giữa các DN không chỉ xảy ra trong nội địa mà còn cả bên Campuchia. Trong khi giá bột sắn thành phẩm bán cho đối tác đã được thỏa thuận theo hợp đồng trước đó. Không ít DN chế biến phải điêu đứng vì bị “làm giá”.

Ông Trần Phước Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam thừa nhận, việc các nhà máy cạnh tranh thu mua nguyên liệu ngay trên thị trường Campuchia đã đẩy chi phí sản xuất lên khá cao. Tuy nhiên, nhiều DN chế biến phải chấp nhận để cố gắng duy trì hoạt động của nhà máy. “Cộng với chi phí sản xuất ngày càng tăng nên thời gian gần đây, DN chế biến sắn thường lãi rất ít hoặc chỉ hòa vốn” - ông Vinh chia sẻ.

Đối phó với thị trường Trung Quốc

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Bộ NNPTNT, năm 2019, xuất khẩu sắn có thể tiếp tục gặp khó vì Trung Quốc tăng cường kiểm tra và áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm đối với tinh bột sắn nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nhà máy đều không tự đầu tư vùng nguyên liệu cho mình mà chủ yếu thu mua từ nông dân.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, tình hình xuất khẩu của các DN thời gian qua không mấy thuận lợi. Nhu cầu mua hàng của các nhà máy phía Trung Quốc chậm lại. Một số nhãn hàng tinh bột sắn của Việt Nam bị sức ép xoay vòng vốn phải bán với mức giá thấp. Điều này lại tạo đà tâm lý cho thương nhân Trung Quốc đề xuất giảm giá các nhãn hiệu tinh bột sắn dùng cho ngành thực phẩm.

Thêm vào đó, mức thuế VAT sản phẩm sắn tại Trung Quốc giảm, tạo điều kiện thuận lợi hơn về giá cho các đơn vị nhập khẩu chính ngạch qua các cảng biển Trung Quốc. Điều này gây áp lực không nhỏ lên giá xuất khẩu tinh bột sắn trong nước qua đường biên mậu.

Tỉnh Tây Ninh có sản lượng tinh bột sắn chiếm 50% so với cả nước nhưng cũng xuất sang thị trường Trung Quốc hết 90%. Sở NNPTNT tỉnh đánh giá việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là một trong những hạn chế lớn nhất của ngành sắn Tây Ninh.

Ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở NNPTNT nhìn nhận, đúng là Tây Ninh chưa có sự liên kết trong hoạt động sản xuất và chế biến sắn. Bản thân Tây Ninh cũng chưa hình thành được cơ chế chính sách liên kết vùng để thu hút đầu tư, sản xuất nông nghiệp đáp ứng việc cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến sắn.

Theo ông Trong, ngoài nỗ lực của các ban ngành, các doanh nghiệp chế biến phải chủ động xây dựng vùng nguyên liệu và quan tâm hơn đến những quy định về hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm tinh bột sắn xuất khẩu.

Các doanh nghiệp chế biến sắn cần tăng cường hơn nữa liên kết với các tổ hợp tác, HTX trồng sắn để chủ động nguồn nguyên liệu; tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm sau tinh bột; cũng như đa dạng hóa thị trường. Đặc biệt là quan tâm đến các quy định về hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm tinh bột sắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ áp dụng từ tháng 10.2019”.

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh