Dân Việt

94,7% người đồng tính mong muốn được kết hôn hợp pháp

14/05/2013 15:30 GMT+7
Dân Việt - Đây là con số được công bố tại Hội thảo “Quan hệ đồng giới” tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường iSEE tổ chức sáng 14.5.

Không ít đôi đã vượt qua những rào cản tầng tầng lớp lớp của gia đình và xã hội để chung sống với nhau. Tuy nhiên, họ vẫn đau đáu những nỗi niềm…

Gắng gượng đi lấy chồng

Chia sẻ tại hội thảo, Nguyễn Hải Yến (31 tuổi, nhóm Chia sẻ và kết nối ICS) cho biết, quê Yến ở Hải Dương, trước đây cô từng học và làm việc tại Hà Nội, tuy nhiên, áp lực của gia đình và sự kỳ thị của xã hội đã khiến cô phải chuyển vào Tp Hồ Chí Minh sinh sống và công tác. “Em xa gia đình để bố mẹ đỡ nhìn thấy, sẽ không phải “ngứa mắt”, đồng thời cũng không giục giã em lấy chồng, không phải phân bua với hàng xóm, họ hàng về em”.

img
Tình yêu của chúng tôi có quyền được công nhận - Ảnh ICS cung cấp

Hiện Yến đã công khai bản dạng giới của mình với cả gia đình và bạn bè. Cô tự thấy mình vẫn hoàn toàn là một phụ nữ nhưng chỉ yêu giới nữ. Yến đang chung sống với Hương (30 tuổi) được gần 2 năm. Quê Hương ở Hà Nội, nhưng cô cũng không chịu nổi áp lực nên phải chuyển vào Nam sống. Trước đó, Hương đã cố gắng gạt đi nhu cầu của bản thân để kết hôn với một người đàn ông - cho giống như các cô gái khác.

Tuy nhiên, sau khi sinh con, cô không thể nào tiếp tục lừa dối chồng, lừa dối cảm giác của bản thân nên nhất quyết ly hôn, chuyển vào Nam sinh sống. Hương tìm được tình yêu và sự tin cậy từ Yến. Tuy nhiên, ban đầu, gia đình Hương phản đối kịch liệt. “Vì Hương từng kết hôn dị tính nên bố mẹ vẫn nghĩ Hương “bình thường”. Bây giờ lại “đổ đốn” yêu nữ giới là do a dua, do em lôi kéo, rủ rê” - Yến cho biết.

img Quyền kết hôn không chỉ đem lại cho người đồng tính một cuộc sống hạnh phúc mà còn liên quan đến nhiều quyền khác của họ như quyền thừa kế, quyền khai sinh cho con, phân chia tài sản, đòi quyền nuôi con (nếu chia tay), quyền nhận con nuôi… Có không ít cặp đồng tính chung sống với nhau nhưng khi một người mất thì họ hàng đến đuổi người kia ra khỏi nhà tay trắng. Hoặc khi có con (thụ tinh nhân tạo) thì không thể ghi hai mẹ hoặc hai bố trong giấy khai sinh của con. img

TS Nguyễn Thu Nam

Tuy nhiên, bằng tình yêu thương chân thành, dần dần, Yến và Hương đã thuyết phục được bố mẹ hai bên chấp nhận mối quan hệ đồng giới của cả hai. Hương cho biết, bố mẹ chấp nhận vì bố mẹ thương em, chứ không hẳn là bố mẹ đã hiểu và thông cảm thực sự. Thậm chí, gia đình chồng cũ của Hương cũng đã hiểu và vui vẻ cho Hương nuôi con gái. “Điều em cảm động nhất là bà nội con gái em đã tâm sự: “Mẹ cũng là phụ nữ, nên mẹ rất hiểu. Dù không là con dâu nữa nhưng từ nay mẹ sẽ thương con như con gái” - Hương chia sẻ.

Hiện giờ, Hương và Yến đang sống hạnh phúc, cô con gái riêng của Hương đã được gần 5 tuổi được nuôi lớn trong tình yêu thương của hai mẹ. Tuy nhiên, điều mà Yến lo lắng là những định kiến, kỳ thị của xã hội có thể ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ của cô con gái rượu. “Em là người lớn, đã có thể làm chủ cảm xúc, suy nghĩ, thế mà nhiều lúc còn thấy buồn bực, bức bối vì sự xì xào, dị nghị. Con trẻ ngây thơ như tờ giấy trắng, em lo con sẽ không hiểu” - Yến trăn trở.

Yến cho biết, hiện cô đang rất hạnh phúc với tình yêu của mình. Tuy nhiên, còn rất nhiều các bạn khác vẫn đang còn ở trong bóng tối, mong chờ sự thay đổi, sự bảo vệ, vì thế “mong pháp luật hãy đi trước để bảo đảm quyền lợi, để khẳng định quyền yêu và được yêu của người đồng tính chúng tôi” - Yến rơm rớm nước mắt.

Nghiên cứu đã tiến hành điều tra trực tuyến trong gần 2500 người đồng tính, song tính và chuyển giới (gọi chung là đồng tính) và phỏng vấn sâu 20 người đồng tính đang chung sống với bạn cùng giới. Tuổi trung bình của những người được phỏng vấn là 20.5 (từ 16-62 tuổi), 66,5% là nam và 33,5% nữ.

Theo nghiên cứu, 62% người được hỏi đang có người yêu là người cùng giới, tuy nhiên chỉ 17,2% số người hiện đang sống chung với bạn cùng giới. Chỉ 1/10 trong số các bạn đồng tính được hỏi đã bộc lộ với gia đình, 90% còn lại vẫn ở trong bóng tối hoặc chỉ bộc lộ với từng nhóm nhỏ.

Có đến 93,7% các bạn sống ở đô thị và các vùng ven đô, chỉ có 6,3% ở nông thôn. “Con số này không có nghĩa ở nông thôn ít người đồng tính hơn, lý do là vì ở nông thôn họ ít được tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện đại, cũng như ít dám bộc lộ bản thân so với những người ở thành phố” - TS Nguyễn Thu Nam - nghiên cứu viên cho biết.

Do trong độ tuổi còn trẻ nên chỉ có 54 người đồng tính đã từng kết hôn. Lý do mà họ kết hôn là do cha mẹ éo buộc, do mong muốn bản thân có gia đình như những người khác, muốn sinh con và muốn báo hiếu với cha mẹ. Tuy nhiên, 52% trong số này sau một thời gian chung sống đã không thể lừa dối bản thân, cảm thấy hôn nhân như địa ngục nên phải ly hôn.

Hải Yến chia sẻ, một người đồng tính nữ mà cô biết cũng phải chia tay người yêu để đi lấy chồng vì mẹ đã dọa uống thuốc ngủ tự tử nếu không kết hôn. Tuy nhiên, sau một vài tháng vô cùng kinh sợ vì phải ngủ với người chồng không có tình yêu, không có cảm xúc, người bạn đó cũng ly hôn, tìm về với bạn gái. Hiện hai người đã chung sống hạnh phúc 12 năm.

“Việc gắng gượng lấy chồng để vừa lòng cha mẹ (nữ), lấy vợ để có con nối dõi tông đường (nam) trong giới đồng tính không phải là câu chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, sự ép uổng, gắng gượng này không sớm thì muộn cũng sẽ biến thành bi kịch. Sống lừa dối bản thân, người đồng tính trải qua những cảm xúc đau đớn, cảm thấy như bị hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần. Còn người dị tính cũng sẽ trải qua nỗi bất hạnh khi có cuộc hôn nhân không tình yêu” - TS Lê Quang Bình - Viện trưởng iSEE chia sẻ.

Ngổn ngang rủi ro

Em V.P.Linh - một người chuyển giới từ nữ sang nam, sinh viên đang học Đại học tại Hà Nội cho biết, hiện em đang chung sống với một bạn nữ khác. Hai em cùng thuê nhà, cùng đi làm để trang trải việc học hành. Gia đình người yêu em ở xa, từ lâu cũng đã “từ con” vì ghê sợ việc con mình yêu nữ giới. Hiện người yêu T. đang ốm nặng, sắp phải trải qua một cuộc phẫu thuật nguy hiểm.

Tuy nhiên, bệnh viện yêu cầu người nhà phải đến ký kết giấy cam đoan trước cuộc phẫu thuật, nếu không có người ký giấy thì không phẫu thuật. “Bạn gái em vẫn đang chờ mổ. Gia đình không đến, trong khi em yêu thương, chăm sóc như chồng của cô ấy thì lại không có quyền” - T. bức xúc.

Nguyễn Trung Thành (42 tuổi, Hà Nội) cho biết, anh đang chung sống với một bạn nam khác. Hai người đang muốn xin con nuôi để “vui cửa vui nhà, có trách nhiệm hơn với nhau, muốn có “của để dành” trong tương lai sau này”.

Tuy nhiên, hai bạn không có cách nào để “xin” được con vì pháp luật chỉ cho phép hai người là vợ chồng có quyền nhận con nuôi, Thành và bạn trai không có quyền kết hôn, không được công nhận là vợ chồng nên không được phép nhận con nuôi. “Tại sao lại không thể có gia đình hai mẹ hoặc hai bố. Phải xét ở điều kiện chúng tôi có nuôi dạy con tốt không chứ không chỉ xét ở giới tính của chúng tôi”- anh Thành cho biết.

Còn Nguyễn Thị Hoa (Đã Nẵng) đang trải qua nỗi đau đớn khi mất cả người yêu và tài sản gom góp suốt 10 năm. Chị sống chung với bạn gái đã hơn 8 năm, hai người hùn vốn làm ăn và góp cả tiền mua nhà. Do tin tưởng người yêu, cũng không có quyền ký tên cùng sở hữu khi mua nhà nên bạn gái Hoa đứng tên toàn bộ. Tuy nhiên, bạn gái của Hoa bất ngờ mất vì tai nạn giao thông.

Gia đình bạn gái Hoa đã căn cứ “giấy trắng mực đen” lấy lại toàn bộ tài sản, Hoa không giữ bất cứ bằng chứng gì về việc đồng sở hữu ngôi nhà và công việc kinh doanh. Hoa đau khổ: “Tôi mất cả tình yêu, mất cả tài sản. Nếu như chúng tôi được pháp luật công nhận quyền kết hôn, quyền chung sống thực tế thì quyền lợi của tôi đã được đảm bảo”.

Theo nghiên cứu iSEE, có 29% các cặp đôi đồng tính sở hữu chung các tài sản có giá trị lớn như ô tô, sổ tiết kiệm, 18,4% có vốn đầu tư kinh doanh chung, 16% có nhà đất chung (chỉ đứng tên 1 trong hai người)… Nếu chia tay hoặc một bên mất đột ngột thì sẽ gây thiệt thòi cho người không có tên sở hữu những tài sản đó.