Dân Việt

Triều đại hùng mạnh nhất lịch sử sụp đổ, Đại Việt bị chia cắt

PV 13/04/2019 16:31 GMT+7
Đầu thế kỉ XVI, triều Lê sơ suy sụp. Sau khi vua Lê Hiến Tông chết, các vua Uy Mục, Tương Dực không còn quan tâm đến việc triều chính, chỉ lo ăn chơi, sa đoạ. Quan lại, địa chủ nhân đó hoành hành, hạch sách nhân dân, chiếm đoạt ruộng đất.

Sự sụp đổ của triều Lê sơ. Nhà Mạc được thành lập

Đầu thế kỉ XVI, triều Lê sơ suy sụp. Sau khi vua Lê Hiến Tông chết, các vua Uy Mục, Tương Dực không còn quan tâm đến việc triều chính, chỉ lo ăn chơi, sa đoạ. Quan lại, địa chủ nhân đó hoành hành, hạch sách nhân dân, chiếm đoạt ruộng đất.

Nhân dân khổ cực đã nổi dậy đấu tranh ở nhiều nơi. Một số thế lực phong kiến cũng họp quân, đánh nhau, tranh chấp quyền hành.

Nổi trội hơn cà là thế lực của Quốc công Thái phó Mạc Đăng Dung. Sau khi dẹp yên các thế lực phong kiến khác, nhận thấy được sự bất lực và suy sụp của dòng họ Lê, năm 1527 Mạc Đăng Dung bắt vua Lê nhường ngôi và thành lập triều đại mới - triều Mạc.

img

Lược đồ khởi nghĩa nông dân cuối thời Lê sơ

Trong những năm đầu thống trị, nhà Mạc xây dựng lại chính quyền theo mô hình cũ của nhà Lê, tổ chức thi cử đều đặn để tuyển lựa quan lại. Đồng thời, nhà Mạc cố gắng giải quyết vấn đề ruộng đất, tạo điểu kiện ổn định lại đất nước.

Nhà Mạc tập trung xây dựng một đạo quân thường trực mạnh để đối phó với mọi tình hình có thể xảy ra. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, triều đình nhà Mạc suy thoái dần.

Giữa lúc đó, nhà Mạc lại phải chịu sức ép từ hai phía. Ở phía nam, một bộ cựu thần nhà Lê tập hợp lực lượng nổi dậy chống nhà Mạc.

Ở phía bắc, biết được Đại Việt đang trong tình trạng không ổn định, vua Minh cho quân tiến xuống, phao tin xâm chiếm nước ta. Nhà Mạc lúng túng, đã buộc phải dâng sổ sách cho quân Minh, chịu thần phục để yên mặt Bắc. Vương triều Mạc không còn được sự tin tưởng của nhân dân.

Đất nước bị chia cắt

Không chấp nhận chính quyền của họ Mạc, một số quan lại cũ của nhà Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim, đã họp quân, nêu danh nghĩa "phù Lê diệt Mạc", nổi dậy ở vùng Thanh Hoá. Một nhà nước mới được thành lập ở đây, sử cũ gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều của nhà Mạc.

Chiến tranh Nam - Bắc triều bùng nổ, kéo dài cho đến cuối thế kỉ XVI. Triều Mạc bị lật đổ. Đất nước bước đầu được thống nhất lại. Nhưng không lâu sau, hình thành một thế lực căn cứ ở mạn Nam — thế lực phong kiến họ Nguyễn.

img

Đất nước bị chia cắt trong thời gian dài bởi sự tranh chấp của thế lực phong kiến

Năm 1545, Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm được cử lên thay, nắm toàn bộ binh quyền. Người con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng xin được vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Đất Thuận Hoá trở thành nơi dấy nghiệp của họ Nguyễn.

Năm 1627, cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn bùng nổ, kéo dài đến cuối năm 1672.

Không phân được thắng bại, hai bên giảng hoà, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm giới tuyến, chia đất nước làm hai : Đàng Ngoài và Đàng Trong, với hai chính quyền riêng biệt.

Tình trạng chia cắt kéo dài cho đến cuối thế kỉ XVIII, gây nên hậu quả hết sức nặng nề cho đất nước.

Nhà nước phong kiến ở Đàng Ngoài

Từ cuối thế kỉ XVI, nhà nước phong kiến Nam triều chuyển về Thăng Long, được xây dựng lại hoàn chỉnh với danh nghĩa thống trị toàn bộ đất nước, do vua Lê đứng đầu. Tuy nhiên, quyền hành của vua Lê không còn như trước, thậm chí bị thu hẹp đến mức chỉ còn là danh nghĩa. Mọi quyền hành đều nầm trong tay người tổng chỉ huy quân đội họ Trịnh, về sau được phong vương (nhân dân quen gọi là chúa).

Ở Trung ương hình thành hai bộ phận : triều đình và phủ chúa. Triều đình đứng đầu là vua Lê được tổ chức như cũ nhưng quyền hành bị thu hẹp. Phủ chúa gồm một số quan văn, quan võ cao cấp chuyên cùng chúa bàn bạc, quyết định các chủ trương, chính sách lớn của nhà nước và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện. Về sau, chúa Trịnh đặt thêm 6 phiên, chỉ đạo hoạt động của các bộ.

img

Tranh phủ chúa Trịnh do Samuel Baron vẽ năm 1685.

Đàng Ngoài được chia thành 12 trấn, có Trấn thủ đứng đầu, làm việc với sự giúp đỡ của hai ti. Dưới trấn là phủ, huyện, châu, xã như cũ.

Nhà nước Lê - Trịnh tiếp tục chính sách tuyển chọn quan lại như thời Lê sơ. Bộ Quốc triều hình luật thời Hồng Đức vẫn tiếp tục được sử dụng với ít nhiều bổ sung.

Quân đội được tổ chức chật chẽ, bao gồm một đội quân thường trực, được tuyển chủ yếu từ 3 phủ của Thanh Hoá và một số huyện của Nghệ An, gọi là quân Tam phủ. Đạo quân này được cấp nhiều ruộng đất và có khá nhiều ưu đãi nên còn gọi là ưu binh. Ngoài ra, còn có ngoại binh được tuyển từ 4 trấn xung quanh kinh thành.

Quan lại thời Lê - Trịnh không được cấp ruộng đất như trước. Về sau, do khó khăn về tài chính, nhà nước còn đặt ra lệ cho dân nộp tiền để được làm quan.

Trong quan hệ với nhà Thanh ở Trung Quốc, chính quyền Lê - Trịnh ban đầu đã để cho họ xâm lấn nhiều vùng đất ở biên giới, về sau, khi tình hình ổn định, ý thức dân tộc được nâng lên, chúa Trịnh đã có lúc cử sứ thần lên biên giới thương lượng buộc nhà Thanh phái trả lại một số vùng.

Chính quyền ở Đàng Trong

Từ thế kỉ XVII và nhất là từ sau khi chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh — Nguyễn, lãnh thổ Đàng Trong từng bước được mở rộng vào phía nam, bao gồm cả vùng đất từ Nam Quảng Bình đến Nam Bộ ngày nay.

Các chúa Nguyễn nối tiếp nhau xây dựng chính quyền riêng của mình. Đất Đàng Trong chia thành 12 dinh, nơi đóng phủ chúa được gọi là Chính dinh.

Mỗi dinh đều có 2 hay 3 ti trông coi mọi việc, nhưng chủ yếu lo việc thuế khoá và hộ khẩu. Từ nửa sau thế kỉ XVII, Phú Xuân (Huế) trở thành trung tâm của Đàng Trong. Chúa Nguyễn cũng thành lập các cơ quan trực thuộc chuyên về việc thu thuế.

img

Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã khai phá và mở rộng lãnh đổ về phía Nam

Dưới dinh là phủ, huyện, tổng, xã (hay phường, thuộc).

Quân đội Đàng Trong là quân thường trực, tuyển theo nghĩa vụ, được trang bị vũ khí đầy đủ, trong đó có súng đại bác chế tạo theo kiểu phương Tây.

Vào giữa thế kỉ XVII, chúa Nguyễn bắt đầu tổ chức các kì thi; quan lại được tuyển chọn bằng nhiều cách : dòng dõi, đề cử, khoa cử.

Năm 1744, sau một thời kì phát triển ổn định của xã hội Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát quyết định xưng vương, thành lập triều đình trung ương, đổi 3 ti thành 6 bộ và đặt thêm quan chức. Các dinh vẫn giữ như cũ. Tuy nhiên, cho đến cuối thế kỉ XVIII, triều đình Đàng Trong vẫn chưa hoàn chỉnh.

Từ giữa thế kỉ XVIII, chính quyền ở Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài đều lâm vào tình trạng khủng hoảng ngày càng trầm trọng.