1 năm sau sẽ không còn giọt glyphosate nào trên lãnh thổ Việt Nam
Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Cục BVTV cho biết, việc loại bỏ thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất glyphosate ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam thực chất là loại bỏ, chứ chưa phải cấm. Ngay sau Quyết định có hiệu lực (60 ngày, kể từ ký (khoảng 10/6/2019), trước tiên sẽ tiến hành việc cấm nhập khẩu ngay lập tức. Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết, hiện đã có 5 triệu lít thành phẩm được nhập khẩu vào và số này sẽ được duy trì sử dụng sau 1 năm (tức đến khoảng 10/6/2020).
104 sản phẩm thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất glyphosate chính thức bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam từ ngày 10/6/2019 theo Quyết định 1186 ngày 10/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về băn khoăn cho rằng, liệu chúng ta có thực hiện được việc cấm hoàn toàn và kiểm soát 5 triệu lít thuốc glyphosate thành phẩm như thế nào?. Ông Hoàng Trung cho biết: Sẽ có 4 cơ quan kiểm soát vấn đề này và chỉ sau 1 năm nữa, sẽ không còn một giọt glyphosate nào trên lãnh thổ Việt Nam nữa.
Về vấn đề cấm glyphosate có khả năng làm tăng chi phí của người nông dân Việt Nam, ông Trung nêu quan điểm: Nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường, không mạo hiểm với tính mạng của người dân, đồng thời hướng tới nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, Bộ NNPTNT đã đi đến quyết định loại bỏ thuốc trừ cỏ chứa glyphosate. "Hiện nay đã có 54 hoạt chất thuốc trừ cỏ hiệu quả và an toàn để thay thế. Chúng tôi đã triển khai tổng thể các giải pháp để không ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân và vẫn đảm bảo tăng năng suất cây trồng"- ông Trung cho biết thêm.
54 hoạt chất thay thế, có hoạt chất của Trung Quốc
Trả lời câu hỏi của Dân Việt về danh sách 54 hoạt chất thay thế thuốc glyphosate là gì?, ông Hoàng Trung cho biết, hiện nhiều hoạt chất đã có sẵn trong danh mục và chúng tôi đã có lộ trinh thay thế từ năm 2016 bằng cách tiến hành cho đăng ký hoạt chất mới. Thực chất, Trung Quốc cũng đang chuyển sang sản xuất loại này.
Cũng trả lời câu hỏi của Dân Việt về việc, hiện cùng một hoạt chất, một thành phần, nhưng hiện lại có quá nhiều tên thương mại thuốc BVTV khác nhau do nhà sản xuất chỉ thay đổi thêm một chút để quảng cáo dẫn đến nông dân "hoa mắt" không biết đâu mà lần; ông Trung cho biết: Trước đây, chúng ta có tới gần 4.000 tên thương phẩm và hiện , đúng là quá nhiều và từ ngày 1/8/2020 tới đây, một loạt chất sẽ được quy về một tên gọi để thống nhất quản lý.
Người dân phun thuốc trừ cỏ cho cây trồng cạn.
CropLife châu Á phản hồi về quyết định loại bỏ thuốc glyphosate
Ngay sau Quyết định của Bộ NNPTNT về việc loại bỏ thuốc glyphosate, cùng ngày 10/4, Hiệp hội CropLife châu Á có trụ sở tại Singapore đã có một số phản hồi về quyết định này.
Theo đó, CropLife cho rằng, lộ trình đưa ra quyết định này chưa thoả đáng bởi trước đó chưa có các hoạt động tham vấn với nông dân và các bên liên quan trong ngành nông nghiệp trong nước, trong khu vực cũng như chưa có những bằng chứng khoa học mới làm cơ sở cho việc ra quyết định này.
Đồng thời, CropLife cũng cam kết sẽ tiếp tục các chương trình hợp tác giữa CropLife với Chính phủ và các đối tác trong chuỗi sản xuất nông nghiệp và thực phẩm tại Việt Nam để đảm bảo tất cả các công nghệ bảo vệ cây trồng được đăng ký sử dụng bởi nông dân Việt Nam luôn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn được đưa ra.
Thông báo của CropLife cũng nêu: Một nghiên cứu khoa học độc lập được tiến hành bởi Tiến sỹ Graham Brookes, Viện PG Economics đã chỉ ra rằng nông dân tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam nếu bị hạn chế hoặc không được sử dụng glyphosate trong canh tác nông nghiệp sẽ chịu tổn thất rất lớn khi chi phí cỏ dại tăng cao và hiệu quả trừ cỏ giảm sút. Nghiên cứu kết luận, chi phí trừ cỏ của nông dân Châu Á sẽ tăng lên từ 1,4 tới 1,9 tỷ USD nếu hạn chế sử dụng glyphosate. Được biết, glyphosate là thuốc trừ cỏ được nghiên cứu từ năm 1950 và đưa vào thương mại hóa trên thế giới cách đây 40 năm. Năm 1994, Glyphosate đã được đăng ký vào Danh mục Thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và đến nay, đã có tới 104 tên thương mại chứa Glyphosate được đăng ký (Ban hành theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 9/2/2018 và Thông tư số 13/2018/TT-BNNPTNT ngày 8/10/2018). |