Một ngày làm, nửa ngày vá
Những ngày cuối năm, gió xuân từ biển ào ạt thổi vào bờ. Tuy nhiên, tại bãi biển nhỏ sát kè chắn sóng nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc xã Bình Thuận huyện Bình Sơn, hai cha con anh Hùng vẫn đang hì hục vá lưới.
“Một ngày đi biển thì mất cả ngày vá em ơi” - Anh Hùng đấm lưng thùm thụp, vươn vai uể oải, nói. Và đó là cảnh tương tự của những ngư dân ở khắp các vùng bãi ngang - nơi mà cuộc sống của họ còn phải đắp đổi.
Niềm vui được mùa ngày xuân |
Hàng ngày ra khơi bằng chiếc thúng, để có thể vừa sức chèo, vừa túi tiền, ngư dân các vùng này thường lựa chọn nghề lưới dầm. Đây là một loại lưới sợi mảnh, mắt lưới nhỏ. Khi chèo thúng ra biển, ngư dân thả tõm cho lưới chìm sâu xuống đáy biển để hình thành bức tường lưới. Cá tôm chạy ngang thì dính vào.
Ra khơi 7 – 8 hải lý. Không định vị, không la bàn. Đánh bắt theo phương thức này, ngư dân chỉ còn mỗi cách là quy chiếu ngọn cây, dáng núi trong bờ để làm dấu, hôm sau ra thả móc kéo lên. Nhờ vào trí nhớ sinh tồn, ít khi ngư dân bị lạc lưới. Nếu gặp hôm trời mù, không xác định được vật chuẩn đã định vị trong đầu, ngư dân chèo thúng về tay không, gởi cho Hải Vương giữ hộ giàn lưới, hôm sau ra đòi lại.
Tăm tăm, mù mù thế nên, xui xẻo nhất đối với ngư dân là thả lưới trúng đáy biển có san hô. Ngày hôm sau ra biển, rị lưới cứng ngắc, cá thì không phải, đó là san hô giữ lưới chơi, ngư dân cứ thế gồng lưng kéo, nghe toạc đến đâu, xót ruột đến đó, nhưng thà vậy còn hơn giao luôn cho thủy cung.
Nỗi khổ nữa là hôm trước đánh lưới, hôm sau nước biển chảy mạnh. Đá cuội dưới đáy biển lồng lên bám vào lưới thành hàng ngàn chùm. Kéo lưới lên thúng, ngư dân phải khoét lưới, móc đá quẳng xuống nước.
“Bữa nay vá hay là sương?”, vừa vào bờ, vợ con các ngư dân đi lưới dầm thường hỏi câu này trước rồi mới hỏi cá sau. Nếu nghe trả lời là vá thì các bà thở phào. Còn các bà sẽ tiu nghỉu khi nghe nói: “Sương lưới đi bà”. Bởi, sương lưới là lưới rách đến nỗi phải lấy dây buộc túm thành từng cục dúm dó. Một giàn lưới 2 - 3 chỉ vàng, vậy mà năm nào cũng bị sương mất nửa - anh Bảy, một ngư dân thôn An Cường tâm sự.
Ngày kéo lưới, đêm giăng câu
“Cá cụt một đuôi của thằng Nhâm, cá cụt vi dưới, của thằng Hải, cá đeo võng mũi của thằng Vũ…”. Đó là cảnh tượng một chiếc thuyền mới đi lưới chuồn từ Hoàng Sa về cửa biển Sa Kỳ và bốc cá lên bán. Một ngư dân cho biết: Đi biển đánh lưới thì chủ thuyền tính phần, còn cá câu thì ai làm ngoài giờ thì người đó hưởng riêng. Để cá khỏi lộn, anh em trên thuyền làm dấu bằng cách cắt đuôi, chặt vi làm dấu nên mới có chuyện như vậy.
Cầu một năm mới được mùa |
Ra biển ngày làm đêm ngủ. Còn đối với ngư dân đi lưới chuồn, ít có ai được trọn vẹn như vậy. Đánh cá từ 7 giờ sáng đến 9 giờ đêm. Sau khi cơm nước xong, ai muốn làm thêm giờ thì bắt đầu thả câu. Ngư dân đánh lưới chuồn phải làm quần quật cả ngày nhưng mỗi đêm họ chỉ chợp mắt khoảng 2 tiếng đồng hồ. Phiên biển ròng rã kéo dài gần một tháng là bấy nhiêu thời gian họ thức trắng.
Anh Nhâm cho biết: Đêm trên biển Trung Sa, gió lạnh cắt da cắt thịt, chân tay rã rời. Thế nhưng, anh em vẫn cố gắng trụ lại trên be thuyền, đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác để sưởi ấm nên ai cũng nghiện thuốc nặng. Mà anh có biết ai an ủi và động viên mình không? Anh Nhâm hỏi giật lại - thấy tôi lắc đầu, anh cười bảo: Cá động viên mình chớ ai. Câu mệt nhưng cũng thú vị. Mỗi khi buồn ngủ mà nghe cá giật mạnh, người câu tỉnh như bị dội xô nước lạnh.
Anh kể tiếp: Hàng đêm cả thuyền im lìm, nghe ngóng cá đớp nước thì lại nghe ngư dân hét toáng: Cá bự! Nhào ra thì chiếc dây cước bị kéo miết trên be thuyền. Cả 3 anh em xúm vào đánh vật thì kéo lên được con cá nặng trên 40 kg. Còn tỉnh thoảng anh em trên thuyền câu trúng con cá nặng cỡ 70 – 80 kg, cả thuyền xúm vào hò dô để kéo co với cá. Người thì lấy móc ngoàm móc mang, người tung thòng lọng xuống, luồn tận đuôi thít chặt rồi mới kéo được con cá lên thuyền. Vậy là ngư dân nào đang thiu thiu lập tức bị đánh thức.
Một tháng đi lưới chuồn, ngư dân nào cũng xơ xác, gầy còm. “Vô bờ anh em bán cá câu có tiền, mình không có gì cũng buồn với vợ con. Chính vì nghèo nên anh em cứ phải ráng” - trong những ngày đầu xuân, nhiều ngư dân đã chia sẻ như vậy.
Lê Văn Chương