Theo bà Phạm Thị Hoàng Oanh - Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, để có Đền Hùng hôm nay, không thể không nhắc đến những người dân bản xứ ở xã Hy Cương (TP.Việt Trì) và một phần của thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) đã cùng nhau xây dựng, sửa chữa, trông nom Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Trung và Đền Hạ.
Cuộc thi đặc biệt
Một cụ Từ ở Đền Hùng. Ảnh: Hùng Ngô
"Từ năm 1997 đến nay, dòng họ Triệu đã có 17 cụ trúng tuyển thi cụ Từ, trông nom tại Đền Thượng và Đền Giếng. Đây là dòng họ có nhiều người trúng tuyển cụ Từ trên Đền Hùng nhiều nhất. Đây không chỉ là niềm vinh dự cho bản thân các cụ Từ, gia đình mà là của cả dòng họ, xóm làng”. Ông Triệu Văn Tiến |
“Vài chục năm trước, khi được Nhà nước quan tâm đầu tư tôn tạo, Đền Hùng - nơi gắn liền với các vị Vua Hùng có công dựng nước - được người dân trong và ngoài nước biết đến và tới đây chiêm bái. Để việc trông nom di tích cẩn thận, cũng như làm cầu nối với nhân dân khi đến với Đền Hùng, năm 1997, cuộc thi cụ Từ hết sức đặc biệt đã ra diễn ra. Cho đến nay, sau hơn 20 năm, hàng năm cuộc thi vẫn diễn ra nhằm lựa chọn ra cụ Từ phục vụ trong các đền” - bà Oanh cho biết.
Cuộc thi tuyển cụ Từ được xem là “có một không hai” nhằm chọn ra người có đủ tài đức, sức khỏe tốt, lý lịch “sạch”, hiểu về lịch sử, nắm rõ các văn bản pháp quy liên quan đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, kiến trúc các đền chùa, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương… để chăm lo hương khói, phụng thờ thái miếu tổ tiên.
“Việc thi tuyển cụ Từ được coi là một trong những việc quan trọng nhất trong năm. Các cụ Từ được tuyển chọn không chỉ chăm lo hương khói trong các đền chùa mà còn phải có tư chất đạo đức tốt, ngoại hình ưa nhìn, khỏe mạnh, đặc biệt là phải hiểu rõ về lịch sử Đền Hùng, thuộc lòng các bài văn khấn để quảng bá cho du khách trong và ngoài nước hiểu về lịch sử, văn hóa mà các Vua Hùng để lại. Chính vì vậy, việc thi tuyển được thực hiện hết sức nghiêm túc, nghiêm ngặt, với sự hỗ trợ của cả lực lượng công an tỉnh” - ông Nguyễn Duy Anh - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chia sẻ.
Việc tuyển chọn cụ Từ theo thông lệ phải trải qua 4 bước nghiêm ngặt từ tuyển chọn, bình xét của khu, trưởng khu, bí thư chi bộ, các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Sau khi các khu bình xét xong sẽ chuyển hồ sơ lên xã Hy Cương (TP.Việt Trì) hoặc thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) sàng lọc lại. Tiếp đến, UBND xã Hy Cương và thị trấn Hùng Sơn sẽ chuyển hồ sơ lên Công an tỉnh Phú Thọ để xác minh lý lịch của các “thí sinh”.
“Theo quy chế thi tuyển, cụ Từ phải đạt được các tiêu chuẩn cơ bản như gia đình văn hóa, con cháu đủ đầy, gia đình chấp hành tốt quy định của địa phương, đặc biệt trong nhiều năm không có ai trong gia đình vi phạm pháp luật” - ông Nguyễn Duy Anh cho biết thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Anh, sau khi Công an tỉnh Phú Thọ điều tra xác minh lý lịch xong sẽ gửi xác nhận về Khu di tích lịch sử Đền Hùng để tổ chức cuộc thi tuyển chọn cụ Từ.
Niềm tự hào của gia đình, dòng họ...
Theo cụ Từ Triệu Chí Thanh (63 tuổi), trú tại khu 7, xã Hy Cương: “Trước yêu cầu nghiêm ngặt của cuộc thi, các cụ Từ thường phải thức khuya, dậy sớm, ôn tập trong nhiều tháng trời. Nội dung ôn thi xoay quanh các văn bản pháp quy của Nhà nước và tỉnh Phú Thọ về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các quy tắc bảo tồn khu di tích, lịch sử kiến trúc các đền chùa trong khu di tích, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Rồi phải nắm được hết các bức hoành phi, câu đối, bài vị, những bài cúng tại các đền, chùa trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Dù vất vả, nhưng ai cũng cố gắng ôn luyện để được trở thành cụ Từ trông nom, chăm sóc hương khói cho các đền, chùa trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng vì đây là niềm vinh dự không chỉ cho bản thân, gia đình, dòng họ của cụ Từ mà cả xóm, làng”.
Theo tìm hiểu được biết, đối với cuộc thi ông Từ, tại Đền Thượng, Đền Giếng sẽ lựa chọn người tại xã Hy Cương, mà tại xã Hy Cương hiện nay chỉ có 3 dòng họ “cổ” là họ Triệu, họ Hoàng và Đào được tham gia. Còn lại, trong thị trấn Hùng Sơn thì chỉ có người làng Trẹo và làng Cống Vị mới tham gia làm trụ trì tại chùa Trung và chùa Hạ...
“Theo thống kê sơ bộ, từ năm 1997 đến nay, dòng họ Triệu đã có 17 cụ trúng tuyển thi cụ Từ, trông nom tại Đền Thượng và Đền Giếng. Đây là dòng họ có nhiều người trúng tuyển cụ Từ trên Đền Hùng nhiều nhất. Đây không chỉ là niềm vinh dự cho bản thân các cụ Từ, gia đình mà là của cả dòng họ, xóm làng” - ông Triệu Văn Tiến - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hy Cương chia sẻ.
Cũng theo ông Tiến, các cụ Từ được trúng tuyển không chỉ cảm thấy vinh dự, thoải mái, sung sướng khi được trông nom các đền của Đền Hùng, mà còn thể hiện đó là gia đình có văn hóa, đầy đủ cả 2 vợ chồng, con cháu ngoan ngoãn không vi phạm pháp luật và nhà không có “bụi”.
“Bố tôi là một trong những người đầu tiên trúng tuyển cuộc thi Từ, đối với tôi và gia đình, đó là niềm vinh dự lớn lao và bố là người để chúng tôi noi theo về chuẩn mực sống. Ngoài ra, khi bố trúng tuyển cụ Từ, anh chị em trong gia đình càng phải tự giác hơn trong việc giữ gìn hình ảnh, sống hòa đồng với dân làng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật” - ông Triệu Hồng Nguyên - con trai của cụ Từ Triệu Khí Hùng chia sẻ.