Ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Dược - Vật tư y tế (BHXH Việt Nam).
Ông nhận định thế nào về việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc do BHYT chi trả?
- ARV là loại thuốc làm giảm lượng virus HIV, giúp người bệnh khỏe mạnh và quan trọng là làm giảm 95% nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Hiện, cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có khoảng 140.000 người dùng thuốc ARV.
Khi bỏ điều trị không chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo theo việc điều trị tốn kém và làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Bên cạnh đó, số người nhiễm HIV phần lớn là nhóm dân số yếu thế, nhóm người nghèo.
Trước đây, chúng ta được các tổ chức quốc tế trợ cấp ARV, đến nay nguồn trợ cấp đó không còn. Do vậy, việc đưa ARV vào danh mục thuốc do BHYT chi trả nhằm đảm bảo việc cung cấp thuốc điều trị thường xuyên cho những người không may nhiễm HIV. Điều này góp phần hướng đến mục tiêu của Chính phủ đề ra là đến năm 2030, Việt Nam sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS.
Hiện, BHXH Việt Nam đã chuẩn bị thế nào để đảm bảo nguồn thuốc ARV?
- BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế xác định nhu cầu, đấu thầu mua thuốc, cung ứng thuốc ARV đến cơ sở điều trị, sử dụng thuốc, thanh quyết toán với mục tiêu điều trị tốt nhất cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người bệnh. Phác đồ ARV được lựa chọn để mua bằng Quỹ BHYT là phác đồ bậc 1 với những thuốc thông dụng và có sẵn ở Việt Nam.
Để chuẩn bị cho nguồn thuốc ARV năm 2019, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh. Các đơn vị trúng thầu cung cấp, giao hàng cho các cơ sở điều trị trong tháng 2.2019 theo đúng tiến độ dự kiến.
Trong thời gian vừa qua, Quỹ BHYT chi trả cho điều trị nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm khác cho người bệnh nhiễm HIV có thẻ BHYT. Từ tháng 3.2019, các bệnh nhân nhiễm HIV sẽ được Quỹ BHYT cho trả thuốc ARV. Ước tính, trong năm 2019 có khoảng 48.000 bệnh nhân HIT được chi trả thuốc ARV và đến năm 2020 toàn bộ bệnh nhân điều trị ARV đều được Quỹ BHYT chi trả.
Theo tính toán, mỗi năm, chi phí khám chữa bệnh cho 1 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ hết khoảng 6 triệu đồng (gồm thuốc và xét nghiệm). Với hơn 100.000 bệnh nhân thì chúng ta cần hơn 600 tỷ đồng để điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Ngành y tế có giải pháp gì để thúc đẩy nhóm đối tượng có HIV tham gia BHYT?
- Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ từng vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT như: Người nhiễm HIV/AIDS không phải tham gia BHYT theo hộ gia đình, trường hợp không có giấy tờ tùy thân... Qua đó, người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng theo từng năm, nhiều tỉnh, thành đã đạt độ bao phủ BHYT 100% cho người nhiễm HIV/AIDS.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố, độ bao phủ BHYT cho đối tượng này còn thấp do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS lo bị kỳ thị, phân biệt đối xử, nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT. Đặc biệt, một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh...
Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Y tế tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông cho những người nhiễm HIV, người đang điều trị bằng ARV về tầm quan trọng của BHYT; tham mưu xây dựng cơ chế, nguồn tài chính để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT...
Xin cảm ơn ông!