Mỗi tỉnh một lợi thế
Theo Sở Du lịch TP.HCM, nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở vùng sản xuất nông nghiệp tại thành phố tăng đều mỗi năm từ 20 - 30%. Trong xu thế du khách ngày càng ưa chuộng du lịch làng quê, du lịch trải nghiệm, các tour du lịch nông nghiệp với các chương trình để du khách trực tiếp tham gia trồng lúa, trồng và thu hoạch rau mầm, nấm, trồng và chăm sóc lan, làm bánh tráng tại các huyện ngoại thành Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh… trở thành những điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách.
Du khách thích thu với sản phẩm măng cụt tại các vườn cây của Bình Dương. Ảnh: T.L
Những năm qua, Bình Dương đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và đã đạt những thành công nhất định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành Khu NNCNC An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo), khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo)… và các mô hình nông nghiệp đô thị, trang trại ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo thạc sĩ Trần Thị Tuyết Vân - Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, việc kết hợp hoạt động du lịch với NNCNC sẽ giúp cho Bình Dương xây dựng được loại hình du lịch mới, khai thác được các nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương này.
Còn với Bà Rịa - Vũng Tàu, theo bà Trần Việt Hương - Giám đốc Truyền thông Tiếp thị của Vietravel, tỉnh này cần chọn lọc một số nghề, mô hình tiêu biểu, từ đó có đầu tư bài bản và quảng bá sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch làng nghề. “Theo tôi biết, bánh tráng của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng khá đa dạng, có cả bánh tráng chuối nướng, bánh tráng ớt, tôm, bánh tráng mè… Những thứ này khách có thể mua về được, tỉnh nên đầu tư những điểm chế biến các loại sản phẩm trên sẽ dễ “móc” hầu bao của khách hơn” - bà Hương nói.
Tại Đồng Nai, nhiều năm qua tỉnh này đã hình thành các vùng sản xuất tập trung với những sản phẩm hàng hóa có giá trị như: Chôm chôm, bưởi, sầu riêng, xoài, ca cao..., là địa phương có cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển khá trong khu vực Đông Nam Bộ.
Với lợi thế về sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, một số doanh nghiệp, hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp như: Trạm dừng chân ca cao Trọng Đức (Định Quán), gắn với tuyến du lịch khu du lịch Suối Mơ - Vườn quốc gia Cát Tiên. Khách du lịch sẽ được trải nghiệm cách trồng và chăm sóc cây ca cao, quy trình sản xuất sôcôla, rượu ca cao, mua sắm các sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu ca cao hoặc mô hình du lịch gắn với vườn trái cây...
Theo Sở Du lịch Đồng Nai, các hoạt động du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp gần đây đã mang lại hiệu quả, hàng năm đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người nông dân. |
Thạc sĩ Nguyễn Văn Oai - Phó trưởng phòng Quản lý du lịch của Sở VHTTDL tỉnh Bình Phước, sau điểm nhấn lễ hội Quả điều Vàng năm 2010, nhiều tour Bình Phước đã được các doanh nghiệp lữ hành chào bán như: “Một ngày làm công nhân hạt điều”, “Trải nghiệm nông dân tại vườn điều”, “Điều Bình Phước - những trải nghiệm cuối thu”...
Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn đầu của việc hình thành các sản phẩm du lịch canh nông, lượng khách tham gia các tour du lịch chuyên biệt này đã khiến tổng lượt khách du lịch đến Bình Phước tăng nhanh từ 40.861 lượt năm 2006 lên 123.518 lượt vào năm 2010.
Doanh thu du lịch và ngày khách du lịch bình quân cũng tăng theo từ 8,42 tỷ đồng lên 104,58 tỷ đồng và 0,8 ngày khách lên 1,12 ngày khách. Bên cạnh đó các dịch vụ bổ trợ cũng dần được định hướng phát triển.
Tôn trọng yếu tố tự nhiên
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, loại hình du lịch nông nghiệp cần có những bước đi sát với thực tiễn sinh động. Theo đó, nông nghiệp chú trọng phát triển sản phẩm xanh bằng phương thức không sử dụng hóa chất, đầu tư cho trang trại xanh, khôi phục sản phẩm địa phương để xuất khẩu tại chỗ; chú trọng văn hóa ẩm thực nên sử dụng sản phẩm địa phương và có những hàng lưu niệm đặc thù.
Học tập kinh nghiệm thế giới, các địa phương cần xây dựng những siêu thị nhỏ, chợ nông thôn gắn kết với văn hóa, lịch sử của bản địa. Muốn vậy phải đầu tư cho các loại hình: Trang trại thiên nhiên; Trang trại hữu cơ; Trang tại hợp chất; Trang trại nông nghiệp kết hợp với rừng để vừa bảo vệ rừng vừa có sản phẩm xanh (trồng thêm rừng, không được phá rừng). Thông qua hệ thống trang trại và vùng nông thôn này, nông dân sẽ có cuộc sống tốt và làm giàu qua việc đón du khách theo loại hình homestay…
Quảng bá và xúc tiến du lịch, sản phẩm bản địa bằng cách lập trung tâm du lịch xanh, làm bảng chỉ dẫn thông tin cho du khách, kết hợp với tổ chức lễ hội địa phương; hình thành những trang điện tử cho du lịch nông thôn để đăng ký khách, thông báo giá cả… “Cuối cùng, cần kết hợp với Bộ NNPTNT, Hội Nông dân các cấp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tham gia học tập chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch từ khối ASEAN, tập trung vào kinh nghiệm và mô hình của Thái Lan rất thành công hiện nay” - ông Thọ chia sẻ thêm.
Đông Nam Bộ nằm liền kề ĐBSCL - cửa ngõ phía Tây nối với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia thông qua tuyến đường bộ xuyên Á, cửa ngõ phía đông có hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu; có hệ thống sân bay, các cửa khẩu quốc tế, đường bộ, đường sắt đồng bộ... là yếu tố quan trọng thu hút khách quốc tế...”. TS Trần Du Lịch |