Dân Việt

Phim truyền hình “bỏ quên” khán giả nông thôn

Hà Thúy Phương 14/04/2019 16:22 GMT+7
Việt Nam có tỷ lệ dân số sống và làm việc ở nông thôn khá cao, là thị trường vô cùng lớn cho truyền hình hướng tới và khai thác. Nhưng, dường như các nhà làm phim đang bỏ quên những “khách hàng” này.

Phim Việt na ná phim Hàn…

Đa số phim Việt đang phát sóng trong các khung "giờ vàng" trên Đài truyền hình Trung ương và địa phương hiện nay đều na ná nhau ở nội dung, đề tài, bối cảnh câu chuyện. Có rất ít phim đề tài nông thôn, tôn vinh làng nghề truyền thống, nét văn hóa làng xã, những phim mang hơi thở cuộc sống, phản ánh những vấn đề bức thiết của xã hội, của người nông dân...

img

Cảnh trong phim "Quỳnh búp bê" phim sốt nửa cuối năm 2018.

Không khó tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự thiếu vắng này. Thứ nhất, làm các phim thể loại này dĩ nhiên khó. Khó từ lúc tìm chất liệu viết kịch bản cho tới lúc bấm máy cũng rất vất vả, tốn kém, vì sẽ phải đi tỉnh dài ngày. Trong khi nếu tìm một kịch bản có bối cảnh, câu chuyện ở thành phố, nói về cuộc sống, tình yêu của giới trẻ thành thị, nơi các nhân vật mặc những bộ đầm sang trọng, sống trong các biệt thự đắt tiền đèn hoa lung linh… thì đơn giản, dễ và nhàn hơn rất nhiều.

Thứ hai, trong bối cảnh hoạt động truyền hình đã được xã hội hóa, một bộ phim cũng như bất kỳ sản phẩm truyền thông nào đều cần rating (tỷ suất người xem) cao, vì thế nhà sản xuất sẽ hướng đến sự an toàn. Cụ thể của sự an toàn đó là: Kịch bản không có những chi tiết đụng chạm, khâu sản xuất và phát hành phải thật gọn lẹ, nhanh, kinh tế, tiết kiệm và phải chiều theo thị hiếu công chúng.

img

Cảnh trong phim “Về nhà đi con” – phim truyền hình vừa lên sóng VTV.

"Với một lượng khán giả lớn thường xuyên xem phim Việt là các bà, các mẹ, những người làm nội trợ và trẻ em... thì một cốt truyện hấp dẫn, gần gũi với đời thường, dàn dựng công phu, diễn viên hợp vai, diễn xuất ấn tượng... sẽ là giải pháp vừa tốt vừa an toàn”.

Nhà biên kịch Chu Thu Hằng

Bởi vậy, dễ nhận thấy đặc điểm chung là phim truyền hình Việt hiện nay là… na ná phim Thái Lan, Hàn Quốc. Một số phim có “vấn đề”, có “câu chuyện”, đồng thời có lượng người xem cao như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ lại là những phim mua bản quyền chuyển thể từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Dĩ nhiên, vẫn có những đơn vị, hãng phim như Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) và Hãng phim Truyền hình TP.Hồ Chí Minh (TFS) tự cân bằng đề tài, thể loại, thường xuyên sản xuất, phát sóng những phim “made in Vietnam” chính hiệu. Mặc dù vậy, con số này chỉ như muối bỏ bể. Cụ thể, năm qua, TFS đã phát sóng các phim: Về quê ăn tết, Mùa cúc susi, Rừng thiêng, Ráng chiều ấm áp… Nhưng theo ý kiến của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng - Phó Giám đốc TFS thì “việc này chỉ mang tính chất xốc lại đội ngũ làm phim, duy trì tình yêu nghề và phần nào là thăm dò thị trường”.

Làm gì để thoát vòng luẩn quẩn?

Một hãng phim đã có thương hiệu nhất định mà trong bối cảnh xã hội hóa, phải tự chủ về tài chính, cũng trầy trật tìm lại hướng đi, thì dĩ nhiên khó có thể trông chờ vào các công ty sản xuất phim tư nhân - nguồn cung phim truyền hình chủ yếu hiện nay, vốn là những nhà đầu tư đặt lợi nhuận lên hàng đầu, xem đó như yếu tố quyết định sự sống còn của công ty. Họ chắc chắn không đời nào nhắm mắt làm theo cảm tính. Một vòng luẩn quẩn xuất hiện, biên kịch phải viết các kịch bản theo đúng “tiêu chí”. Nhà sản xuất sẽ chỉ hướng tới những bộ phim an toàn, đảm bảo sẽ có rating cao, phát sóng nhiều người xem, thu hút nhiều quảng cáo, từ đó có tiền để tái đầu tư.

Vậy giải pháp là gì? Phải chăng các cấp quản lý về văn hoá cần phải có chiến lược cụ thể hơn?

Đã có một thời, khán giả rất thích thú với Sóng ở đáy sông (kịch bản chuyển thể tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu) tới Ma làng rồi ở phía Nam, một loạt tác phẩm đậm chất văn hóa miền Tây Nam Bộ được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh lần lượt lên sóng, tạo thành hiệu ứng mạnh mẽ khi đề cập tới các vấn đề nổi cộm như đô thị hóa nông thôn, môi trường bị xâm hại, làng nghề bị mai một, những người nông dân mất việc trên trên mảnh đất của mình, xuất khẩu lao động tay nghề rẻ, văn hóa dân tộc bị thử thách trước cơn lốc thương mại, sự băng hoại tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm khi đồng tiền lên ngôi… Những vấn đề lúc nào cũng nóng bỏng, cấp thiết nhưng lại không được phản ánh đầy đủ một cách thường xuyên, liên tục.

Mặt khác, không phải những phim kiểu ngôn tình, yêu đương, phim về cuộc sống đô thị nào cũng ăn khách. Với kinh nghiệm của một người làm báo lâu năm, là tác giả kịch bản của một số phim truyền hình hấp dẫn, nhà biên kịch Chu Thu Hằng khẳng định: “Với một lượng khán giả lớn thường xuyên xem phim Việt là các bà, các mẹ, những người làm nội trợ và trẻ em... thì một cốt truyện hấp dẫn, gần gũi với đời thường, dàn dựng công phu, diễn viên hợp vai, diễn xuất ấn tượng... sẽ là giải pháp vừa tốt vừa an toàn”. Có lẽ, đây là điều mà các nhà làm phim nên chú trọng để phim truyền hình Việt không còn trong tình trạng thừa những thứ đã nhiều, và thiếu những điều đáng nói.

Nên dành ngân sách riêng cho phim về nông thôn

img

Truyền hình nên dành một tỷ lệ ngân sách riêng cho đề tài nông thôn. Rõ ràng, những câu chuyện về nông thôn vốn rất hay, hấp dẫn, nhiều cái để nói, song vì chưa có định hướng rõ ràng nên mới dần biến mất. Trong khi đó, khán giả giờ có quá nhiều lựa chọn, tôi tin là phần lớn họ sẽ chọn những phim có trai xinh gái đẹp, tình yêu ngổn ngang, tơ tình lằng nhằng để xem, hơn là ba cái chuyện đồng lúa cấy cày, bối cảnh quê mùa. Vì vậy, việc dành ra một ngân sách nhất định để phim đề tài này được lên sóng, cho các nhà sản xuất và anh chị em nghệ sĩ có cơ hội chứng tỏ họ còn có thể làm được những phim hay.

Nhà biên kịch Hà Anh Thu

Không có chỗ cho các tay chơi nghiệp dư

img

Theo tôi, trong tương lai phim truyền hình Việt vẫn sống và còn sống khỏe nữa với một trật tự mới được xác lập gắn liền với từ khóa “chuyên nghiệp”. Chuyên nghiệp trong ý tưởng kinh doanh. Chuyên nghiệp trong thực hiện phim. Và cuối cùng là chuyên nghiệp trong cách thức phát hành. Dứt khoát, nó không có chỗ cho những tay chơi nghiệp dư theo kiểu “mì ăn liền”, chụp giựt mà rất chọn lọc và kén người chơi.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng – Phó Giám đốc Hãng phim truyền hình TP.HCM