Dân Việt

Ly hôn vợ Việt mất 400 tỷ: Làm sao đảm bảo lợi ích cho người nước ngoài?

Phương Thảo 13/04/2019 09:34 GMT+7
Đã có nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp tài sản là người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam.

Vụ án tranh chấp tài sản chung sau ly hôn giữa ông Chang Koon Yuen (sinh năm 1954, quốc tịch Singapore) và bà Châu Hồng Loan (đều ngụ tại TP.HCM) gây xôn xao dư luận thời gian qua. Bản án sơ thẩm của TAND quận 2 (TP.HCM) tuyên ông Chang “mất trắng” toàn bộ tài sản trị giá 400 tỷ đồng sau ly hôn đặt ra vấn đề: Làm thế nào để người nước ngoài được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân?

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng ông Chang phải khởi kiện ra tòa án yêu cầu phân chia tài sản chung vợ chồng sau ly hôn, mà có nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp tài sản là người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam.

Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội - về vấn đề làm thế nào để đảm bảo quyền tài sản của người nước ngoài trong hôn nhân với người Việt Nam.

Luật sư Thúy Kiều cho biết: Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không quy định rõ các vấn đề về quyền sở hữu tài sản là bất động sản của người nước ngoài khi kết hôn với người Việt Nam, mà nó được quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013.

Mặt khác, theo quy định của Luật Nhà ở thì người nước ngoài được sở hữu nhà ở nếu có đủ giấy tờ chứng minh đối tượng và đáp ứng điều kiện được sở hữu nhà quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

img

Ông Chang cũng như nhiều trường hợp người nước ngoài khác gặp rắc rối khi phân chia tài sản chung vợ chồng sau ly hôn.

Theo các quy định trên thì người nước ngoài chỉ có quyền sở hữu nhà ở dưới 2 hình thức: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện hành thì người nước ngoài chỉ được phép đứng tên và mua nhà chung cư hay nhà ở riêng lẻ tại các dự án đầu tư.

Ngoài các trường hợp trên, người nước ngoài không được quyền sử dụng đất và sở hữu nhà trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, đa phần các trường hợp hôn nhân mà một bên là người nước ngoài, để thuận tiện cho việc đứng tên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất thì người nước ngoài thường được vợ (chồng) là người Việt Nam hướng dẫn ký văn bản cam kết đó là tài sản riêng của người vợ (chồng) là người Việt Nam để thuận tiện giao dịch và đứng tên chủ sở hữu, chủ sử dụng.

Vì vậy, khi mâu thuẫn dẫn đến ly hôn, mặc nhiên người nước ngoài không được chia tài sản và hai bên xảy ra tranh chấp. Nếu người nước ngoài không chứng minh được tài sản đó được mua trong thời kỳ hôn nhân, từ tiền của mình, có công sức đóng góp hình thành nên tài sản đang tranh chấp thì tòa án không có căn cứ pháp lý để phân chia cho họ.

img

Khi mua các tài sản này, ông Chang đã không lập các thỏa thuận về quyền, tỷ lệ % và công sức, tiền bạc khi mua tài sản vì quá tin tưởng.

Trường hợp không có văn bản cam kết hay thỏa thuận tài sản riêng thì dù phía vợ (chồng) là người Việt Nam đứng tên trên giấy chứng nhận thì tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhận được coi là tài sản chung vợ chồng và được pháp luật công nhận. Nếu ly hôn, về nguyên tắc được phân chia theo công sức đóng góp của các bên. Người nước ngoài sẽ nhận phần tài sản là nhà đất nếu họ đủ các điều kiện như Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện hành quy định. Nếu không đủ các điều kiện này thì người nước ngoài sẽ được nhận tài sản phân chia khi ly hôn là tiền mặt.

Cần thiết phải lập các thỏa thuận khi mua bất động sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Từ những quy định nêu trên, để tránh kiện tụng, tranh chấp về sau, luật sư Thúy Kiều khuyên cá nhân người nước ngoài nếu kết hôn với người Việt Nam phải làm hợp đồng hôn nhân và không được ký văn bản xác nhận tài sản riêng của bên Việt Nam, nếu tài sản nhà đất đó là tài sản chung của vợ chồng cùng đóng góp, tạo dựng.

Trong trường hợp vợ chồng có 1 bên là người nước ngoài mua bất động sản là nhà, đất tại Việt Nam, trong trường hợp pháp luật về đất đai và nhà ở không cho phép thì trước khi mua họ nên làm cam kết, thỏa thuận với vợ/chồng cụ thể về quyền sở hữu, tỷ lệ % tài sản của họ trong khối tài sản chung đó và lập giấy đặt cọc, giấy biên nhận… có tên của người vợ/chồng là người nước ngoài đó để ghi nhận sự đóng góp công sức, tiền bạc vào các tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân đó.

Vì vậy, để đảm bảo quyền về tài sản, đồng thời có căn cứ giải quyết khi tranh chấp xảy ra, tốt nhất người nước ngoài nên đứng tên ở những loại giấy tờ này. Hoặc đảm bảo hơn nữa, trước khi mua bán, người nước ngoài nên tham vấn luật sư để quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo đảm.

Như Dân Việt đã thông tin, theo nội dung khởi kiện cũng như trong kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND quận 2, có thể tóm tắt nội dung như sau: Năm 1986, ông Chang đến Việt Nam làm việc. Đến năm 1996, ông Chang quen bà Châu Hồng Loan. Hai ông bà kết hôn năm 2003 và có 3 người con chung. Sau thời gian chung sống, giữa hai ông bà phát sinh mâu thuẫn trầm trọng và đã ly hôn vào ngày 13.4.2016.

Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân giữa ông Chang và bà Loan có 8 bất động sản trị giá hơn 400 tỷ đồng gồm: Nhà đất tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Hải Phòng.

Theo ông Chang thì toàn bộ số tài sản trên được mua từ nguồn tiền chủ yếu do ông tích lũy trong thời gian làm việc tại Việt Nam và mẹ cùng chị gái ông gửi từ Singapore sang rất nhiều lần, trị giá khoảng 3 triệu USD. Tất cả những lần ông Chang nhận tiền do mẹ ông gửi đều có sao kê của ngân hàng.

Tuy nhiên, trong bản án ngày 19.12.2018, TAND quận 2 quyết định ông Chang chỉ được hưởng số tài sản là 2 thửa đất tại Hải Phòng và Hà Nội. Sau khi định giá ông Chang được chia 6.350.259.493 đồng. TAND quận 2 còn tuyên buộc ông phải trả số tiền 1.389.890.507 đồng (sau khi đối trừ tiền ông được hưởng là 6.350.259.493 đồng) mà vợ ông đã vay trước đó mà ông không hề hay biết.

Cho rằng bản án là “vô lý” khi tuyên ông mất trắng toàn bộ tài sản trị giá hơn 400 tỷ đồng, ông Chang Koon Yuen đã kháng cáo bản án và kêu cứu tới nhiều nơi. Đồng thời, ông Chang tố cáo bà Loan có dấu hiệu tẩu tán tài sản, làm giả giấy tờ. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 9.4, ông Chang giữ nguyên nội dung kháng cáo. Sau khi tranh luận, HĐXX phúc thẩm đã phải tạm dừng phiên tòa để xác minh, thu thập thêm chứng cứ...