Bất đồng quan điểm nội bộ
Kustocem trở thành cổ đông của Coteccons từ năm 2012 và là một trong những cổ đông nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Coteccons. Hiện tại, cổ đông nước ngoài đang nắm giữ khoảng 47% cổ phần Coteccons, trong đó Kustocem nắm giữ khoảng 17%, các quỹ của VinaCapital và Korea Investment nắm giữ khoảng 15%, số còn lại là các nhà đầu tư khác.
Một công ty khác được cho là liên quan đến Kustocem là Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công nắm giữ 14,6%. Ngoài ra, cá nhân ông Talgat Turumbayev nắm giữ 2,1%. Đây là đại diện của Kustocem tham gia vào HĐQT của Coteccons.
Năm 2017, hoạt động của Coteccons bắt đầu có phần chững lại, trong khi đó những tin đồn về mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa các cổ đông tại Coteccons đã bắt đầu xuất hiện.
Trong thời gian gần đây, với sự tham gia của nhóm cổ đông Kustocem, Coteccons đã dùng tiếng nói của mình làm thay đổi một số chính sách của ban lãnh đạo Coteccons. Thậm chí, Kustocem còn yêu cầu thay đổi chính sách ESOP cho công nhân viên Coteccons. Đây cũng chính là chính sách khích lệ dành cho những nỗ lực của CBCNV được chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương chú trọng.
Đại hội cổ đông 2019 của Coteccons
Ông Nguyễn Bá Dương cũng từng băn khoăn: “Để một công ty phát triển lâu dài bền vững phải quan tâm đến cán bộ nhân viên, mang lại lợi ích cho chủ đầu tư. Thử hỏi cổ đông lớn đóng góp được gì cho hệ thống”.
Về phía chủ tịch HĐQT Coteccons, những nghi vấn về những công ty sân trước – sân sau của gia đình chủ tịch cũng bắt đầu bộc lộ rõ nét hơn. Nhiều người đặt câu hỏi, ông Nguyễn Bá Dương có hoàn toàn tâm huyết với Coteccons không khi mà chính vị chủ tịch này từng chia sẻ sẽ nhường lại vị trí cho đội ngũ kế cận.
Chưa kể, Coteccons có đến 4 công ty thành viên không nắm quyền chi phối bị nghi ngờ là “sân sau” của gia đình chủ tịch, thiếu minh bạch…
Sáp nhập – chìa khóa gia tăng quyền lực của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương
Trong khi mâu thuẫn nội bộ năm cũ chưa kịp nguội, bất động mới lại nảy sinh khi Chủ tịch HĐQT Coteccons ông Nguyễn Bá Dương mong muốn sáp nhập công ty thành viên là Ricons vào Coteccons.
Nói về lợi ích của việc sáp nhập, vị chủ tịch này cho rằng, phương án sáp nhập Ricons để tăng khả năng phòng thủ. Nếu sáp nhập Ricons, Coteccons sẽ có 3 trong 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam. Tính riêng Coteccons và Unicons đã chiếm 10% thị trường xây dựng.
Được biết, tiền thân của Ricons là Phú Hưng Gia. Công ty được thành lập vào năm 2004 và là thành viên của Coteccons Group. Thời gian đầu, lĩnh vực hoạt động chính của Ricons là đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Cũng giống nhiều doanh nghiệp khác trong ngành BĐS, Phú Hưng Gia gặp khó khăn trong con bão suy thoái BĐS trong giai đoạn 2007 -2008. Để vượt lên, công ty đã tiến hành tái cấu trúc và chuyển hướng sang lĩnh vực xây dựng.
Đến nay, cùng với Coteccons, Ricons đã thực hiện thành công nhiều dự án xây dựng quy mô lớn trên khắp cả nước. Từ năm 2010 đến 2014, Ricons đánh dấu bước phát triển nhảy vọt khi đảm nhận hàng loạt các dự án đòi hòi kỹ thuật thi công phức tạp từ nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước. Ðiển hình như Hyatt Regency Resort & Spa (Đà Nẵng), khu biệt thự Đại Phước Lotus (Đồng Nai), chuỗi trung tâm thương mại Big C (Bình Dương, Hạ Long, Ninh Bình, Bắc Giang), nhà máy Nestlé (Đồng Nai), CocaCola (Hà Nội), Foster (Đà Nẵng), Dorco Vina (Hưng Yên)...
Cùng trong giai đoạn này, Ricons tiến hành tái cấu trúc cơ cấu lãnh đạo. Hàng loạt nhân lực chủ chốt nhiều kinh nghiệm từ Coteccons được tăng cường vào đội ngũ quản lý của Ricons. Năm 2015 cũng là năm đầu tiên sau tái cấu trúc, Ricons đạt doanh thu 2.825 tỷ đồng, tăng 78%. Lợi nhuận sau thuế đạt 81 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2014.
Ricons những năm sau đó bước vào thời kỳ hoàng kim với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 50%, con số tại chỉ tiêu lợi nhuận lên đến 76% cho giai đoạn 2014-2018. So sánh với Coteccons, nếu như lợi nhuận sau thuế của Coteccons tăng chưa đến 5 lần trong 5 năm qua thì lãi ròng của Ricons thậm chí tăng hơn 10 lần cho cùng giai đoạn.
Tại Ricons, ông Nguyễn Bá Dương được biết đến là người sáng lập, Thành viên HĐQT Ricons. Coteccons do ông Nguyễn Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT nắm giữ 14,87% vốn tại Ricons. Ông Trần Quang Quân, Chủ tịch HĐQT Ricons, Phó Tổng giám đốc Coteccons nắm 6,05% vốn. Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons không trực tiếp sở hữu cổ phần Ricons. Nhưng vợ ông Dương, bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc, nắm 7,38%.
Ngoài ra, bà Hà Tiểu Anh, Thành viên HĐQT Coteccons cũng sở hữu 13,74% vốn tại Ricons.
Trong bối cảnh nội bộ tại Coteccons đang mâu thuẫn, tiếng nói của mình tại đây không còn đủ trọng lượng thì rõ ràng mong muốn gia tăng quyền lực là điều mà ai cũng nghĩ đến.
Tuy nhiên, gia tăng quyền lực bằng cách nào?
Có lẽ, với chủ tịch Coteccons việc sáp nhập với Ricons có lẽ là cách nhanh nhất giúp ông Dương gia tăng sở hữu, gia tăng quyền lực tại Coteccons.
Sau sáp nhập, tỷ lệ sở hữu của Nguyễn Bá Dương và người thân tại Coteccons sẽ tăng lên
Mặc dù ông Nguyễn Bá Dương khẳng định “chúng tôi không có quan điểm sáp nhập vì lợi ích cho lãnh đạo” nhưng theo giới phân tích chứng khoán, dù với tỷ lệ hoán đổi nào, thì số cổ phần sở hữu của ông Dương và người thân tại Coteccons sau sáp nhập (nếu có) cũng tăng lên trong khi tỷ lệ sở hữu của Kustocem nói riêng, và các cổ đông hiện tại giảm xuống.
Tuy nhiên phương án sáp nhập sớm bị cổ đông Kustocem dập tắt. Khẳng định sẽ không nhắc đến chuyện sáp nhập Ricons thêm lần nào khác, ông Nguyễn Bá Dương cũng tuyên bố trước Đại hội rằng "từ nay không muốn nghe luận điệu lấy tiền của Coteccons bỏ sang công ty khác". Với ông, điều đó không chấp nhận được.