Dân Việt

Thu phí người nhà bệnh nhân: Phải hợp lý về giá cả, phương thức

Thanh Hằng 16/04/2019 12:05 GMT+7
Mấy ngày qua, việc thu phí người đi chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện (BV) đa khoa quận Thủ Đức (TP.HCM) đã làm dấy lên cuộc tranh cãi ồn ào.

Trong khi người dân phản đối ầm ầm, thì những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế và quản lý ở BV cho rằng việc thu là cần thiết và hợp pháp.“Sư bảo sư phải, vãi nói vãi hay”.

Theo đa số người dân thì việc người nhà bệnh nhân phải đóng phí 30.000 đồng/người/ngày là không hợp lý. Vì ngoài chi phí chăm nuôi người bệnh, họ vẫn còn phải mất tiền thuê màn, tiền gửi xe… Đúng là khi đi viện, người dân phải chi phí đủ mọi thứ, từ chỗ ngồi chỗ nằm, giờ lại còn thêm phí này thì đúng là gánh nặng cho họ, nhất là người nghèo. Những người dân ở nơi xa “xảy nhà ra thất nghiệp” nên nếu phải nằm viện lâu dài, con số 900.000đ/tháng không phải là nhỏ với người nông dân. Hơn nữa, việc thu “trọn gói” thay vì thu theo dịch vụ mà người nhà bệnh nhân sử dụng, chưa kể chất lượng dịch vụ ở một số nơi còn kém, khiến họ cảm thấy ấm ức.

img

Nhiều người  phản đối việc người nhà bệnh nhân phải đóng phí 30.000 đồng/người/ngày.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, cũng cần hiểu rằng, nhiều BV đang phải thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nên gặp rất nhiều khó khăn. Để tự chủ, các BV phải gồng mình thay đổi từ cung cách, tư duy phục vụ, đến nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư trang thiết bị y tế, phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, rồi tối giản nhân sự và tiết kiệm chi phí.

Trong khi đó, ở các BV, nhất là các BV lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện K… mỗi ngày có vài nghìn, thậm chí cả chục nghìn người đến khám và điều trị. Thông thường, đi kèm theo mỗi người bệnh có một đến vài người nhà đi theo. Mà, theo chủ trương của Bộ Y tế, các BV phải đảm bảo có đủ quạt mát, giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay phục vụ người bệnh, rồi điều hòa, nước nóng ở khu vực điều trị. Đương nhiên, các nội dung này là để phục vụ người bệnh, nhưng thực tế, luôn có gấp đôi, gấp ba số người nhà của bệnh nhân đi theo cùng sử dụng.

Vì thế, mỗi ngày, mỗi BV phải tiêu thụ một lượng điện, nước rất lớn phục vụ người nhà bệnh nhân. Số tiền này dĩ nhiên các BV phải “è cổ” ra chịu. Một số người nhầm lẫn khi cho rằng người dân vào BV là đều đã phải trả viện phí, nên BV không có quyền thu thêm, mà không biết rằng, đó mới là trả cho phần của người bệnh, còn người đi theo chăm sóc thì đều do BV phải trả.

Thử hình dung một BV có 1 vạn bệnh nhân cùng với 1 vạn người nhà đi cùng thì mỗi ngày đã tiêu tốn bao nhiêu mét khối nước và điện năng? Rồi vì số người đến BV rất đông, các BV phải thuê các công ty vệ sĩ để bảo vệ an toàn cho bệnh nhân và thầy thuốc, rồi thuê các công ty vệ sinh để luôn giữ gìn vệ sinh môi trường.

Khi làm chuyên đề về nhà vệ sinh BV, tôi chứng kiến tại BV Bạch Mai, nhân viên phục vụ phải liên tục dọn nhà vệ sinh nhiều lần mỗi ngày, vì số người nhà bệnh nhân sử dụng rất nhiều. Ở Khoa truyền nhiễm của BV Bạch Mai còn thấy bệnh nhân đi bậy trong nhà vệ sinh mà không xả nước, rồi mẹ của bệnh nhi ở BV Nhi Trung ương cho con đứng tè trên chậu rửa tay mà nhân viên vừa dọn xong. Ở các BV, quá dễ dàng thấy những người đi chăm bệnh nhân hồn nhiên xả rác ở bất cứ chỗ nào.

Vì thế, các BV buộc phải tăng người bảo vệ cùng số nhân viên vệ sinh. Mà đã thuê thì BV phải trả tiền lương và khi ngân sách không còn, BV lấy đâu ra nếu không thu một phần từ những người sử dụng dịch vụ để bù đắp?

Đại diện một BV đã thẳng thắn cho biết: Bây giờ điện, nước, xăng dầu… đều tăng giá, do đó nếu người nhà bệnh nhân sử dụng các trang thiết bị thì phải có trách nhiệm đóng phí để BV giải quyết khó khăn này. Vì BV không lấy đâu kinh phí để trả cho người nhà bệnh nhân. Đó là lý do hiện đã nhiều BV thực hiện thu phí người thăm nuôi bệnh nhân từ lâu.

Thực tế là ai cũng biết, đã sử dụng dịch vụ gì trong xã hội thì phải trả tiền dịch vụ đó. Nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó, bởi lâu nay mọi người vốn quen với việc các BV được bao cấp, nên cho rằng BV không có quyền thu phí các dịch vụ mà họ sử dụng.

Vì vậy, vấn đề mấu chốt là vẫn cần truyền thông, giải thích cho người dân hiểu trước khi quyết định việc thu tiền. Giống như những lần tăng viện phí gần đây, do làm tốt công tác truyền thông, mà người dân hiểu được sự cần thiết nên không phản ứng như trước.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, người nhà người bệnh đến BV, sử dụng điện, nước, nhà vệ sinh, môi trường thì phải trả tiền. Nhưng vấn đề là giá thu làm sao cho phù hợp, cũng như chỉ nên thu theo từng dịch vụ, chứ không nên thu trọn gói. Mức giá thu gồm những gì phải minh bạch với người dân, cũng như chất lượng dịch vụ phải tương xứng, không thể bắt người dân trả tiền những dịch vụ mà họ không sử dụng vì không cần, hoặc vì họ muốn tiết kiệm.