Vành đai là huyến mạch của TP.HCM
Mới đây, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với UBND TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có những phân tích chuyên sâu về tình hình giao thông của TP.HCM, cũng như của khu vực xung quanh TP.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP.HCM. Ảnh: Hồ Văn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, TP.HCM muốn phát triển giao thông thì phải đẩy nhanh phát triển mạng lưới các tuyến đường vành đai 2, 3 và 4, cũng như các tuyến cao tốc đã và đang thành hình.
Hiện theo Sở GTVT TP.HCM, đường Vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài hơn 64km, kinh phí giai đoạn 1 là khoảng 20.000 tỷ đồng. Vành đai này có chức năng gánh số lượng lớn phương tiện giao thông đi qua khu vực TP.HCM mà không phải di chuyển xuyên tâm TP.
Khởi công từ năm 2015, trải qua gần 4 năm, đường Vành đai 2 – tuyến đường đô thị cấp 1 khép kín TP.HCM theo vòng tròn, với mục đích giảm tải áp lực giao thông lên các tuyến nội đô thi công hết sức ì ạch. Ngành chức năng TP.HCM đang tổ chức các phương án để tăng tốc thi công tuyến đường, kỳ vọng đóng mạch toàn tuyến vào giai đoạn 2022 – 2023.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng, thi công đường Vành đai 2, các đơn vị thi công gặp một số khó khăn nhất định. Song ngành GTVT TP quyết đưa đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa hoàn thành vào năm 2020. Các đoạn 1, 2 và 4 còn lại, dù gian nan nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, cùng quyết tâm cao của các đơn vị trong ngành, khả năng hoàn thiện, khép kín đường Vành đai 2 có thể đạt được vào giai đoạn 2022 – 2023.
Tại cuộc họp triển khai công tác kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gần đây, lãnh đạo ngành giao thông TP.HCM và các tỉnh đều cho rằng cần phải thông suốt tuyến đường vành đai 3, tạo sự kết nối cho vùng kinh tế trọng điểm. Tuyến vành đai 3 sẽ chính thức khởi công giai đoạn 1 đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn - TP.HCM trong quý 2.2018, với tổng số vốn đầu tư 23.600 tỷ đồng.
Được biết, tuyến đường Vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và đã được điều chỉnh từ năm 2013.
Theo quy hoạch, dự án đường vành đai 3 đi qua địa phận các tỉnh, thành như Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Bình Dương với chiều dài hơn 90km. Dự án đầu tư được chia làm 4 đoạn.
“Nếu các đương vành đai không làm sớm, giao thông TP.HCM sẽ hỗn loạn. Nó không chỉ phục vụ cho TP mà còn kết nối các tỉnh Đông Nam bộ. Trong đó, vành đai 3 trước sau cũng phải làm, để chậm như hiện nay, kinh phí sẽ tăng lên. Do đó, Bộ GTVT ủng hộ đẩy nhanh tiến độ, trong đó, TP cần có giải pháp ngân sách cho gần 3.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng cho hay.
Đối với dự án đường Vành đai 4, theo trình bày của đơn vị tư vấn, thực hiện dự án này sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch giao thông của TP.HCM và tỉnh Long An.
Được biết, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, đường Vành đai 4 - TP.HCM dài gần 198km, đi qua 5 tỉnh thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 98.537 tỷ đồng (không bao gồm phí xây cầu vượt) bằng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ODA, từ khai thác quỹ đất dọc tuyến đường đi qua và vốn tư nhân.
Đồng thời, tuyến đường này có vai trò tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng giao thông từ miền Tây Nam Bộ, tạo điều kiện giảm tải và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô của TPHCM; tạo điều kiện kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với khu vực miền Đông Nam Bộ.
Công trường đường Vành đai 2, đoạn nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao thông Gò Dưa vẫn đang thi công ì ạch. Ảnh: Hồ Văn
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, các tuyến đường vành đai được kì vọng sẽ giúp TP.HCM giảm gánh nặng lớn về giao thông, từ đó, tạo nên một mạng lưới giao thông huyết mạch của TP.HCM kết nối với các tỉnh liền kề và 7 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đẩy nhanh các tuyến cao tốc
Riêng về các tuyến cao tốc, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện có 6 đường cao tốc. Trong đó, 2 tuyến TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Dầu Giây trong thời gian qua đều quá tải. “Vì vậy, các tuyến còn lại cần đẩy nhanh để giảm tải giao thông cho khu vực”, Bộ trưởng Thể đề nghị.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, hệ thống đường cao tốc trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 5 tuyến và 2 tuyến vành đai. Cụ thể là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành (đang triển khai), Phan Thiết - Dầu Giây, Dầu Giây - Liên Khương và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Như vậy, sau khi hoàn thành các dự án đường cao tốc, cộng thêm các tuyến đường đang được bổ sung vào quy hoạch, khu vực huyện Long Thành sẽ hình thành các trục đường liên thông tạo thuận lợi cho việc đi lại sau khi sân bay đi vào hoạt động. Đây còn là các trục đường chính giao thông nối cho khu vực Đông Nam bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND TP.HCM. Ảnh: Hồ Văn
Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM, trước kiến nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương tác với nhau. TP.HCM là trung tâm khu vực, xoay quanh đó là các tỉnh Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được kết nối qua tỉnh Long An.
“Vì vậy, những kiến nghị này là hợp lý và Bộ GTVT cùng TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long cần có một hội nghị riêng để bàn về các vấn đề này”, Thủ tướng chỉ đạo.