Dân Việt

Người tâm thần liên tiếp gây trọng án: Lỗ hổng trong quản lý, chăm sóc

Diệu Linh - Nguyệt Tạ 17/04/2019 06:15 GMT+7
Thời gian qua, người có tiền sử tâm thân liên tiếp gây ra các vụ án mạng kinh hoàng khiến nhiều người nghi ngại về việc quản lý nhóm đối tượng này trong cộng đồng.

Chỉ 20% người tâm thần được quản lý

Theo thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, ước tính hiện nay tại Việt Nam có khoảng 15% dân số bị rối nhiễu tâm trí, tương đương gần 15 triệu người. Trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (gần 400.000 người). Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy…

img

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1.  D.L

Ông Tô Đức – Phó Giám đốc Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, theo thống kê của Bộ LĐTBXH mới chỉ có 15 - 20% người tâm thần (NTT) được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình. Nguyên nhân khiến bệnh nhân chưa được chăm sóc, quản lý là do nhiều tỉnh, thành phố vẫn thiếu cán bộ chuyên ngành tâm thần, chưa có trung tâm chăm sóc người bệnh. Đa phần việc giám sát hành vi của NTT ngoài xã hội hiện chỉ trông vào gia đình người bệnh. Tuy nhiên, việc giao cho gia đình quản lý cũng hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo ông Đức, hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn hay nghị định quy dịnh cụ thể về trách nhiệm quản lý, chăm sóc NTT tại cộng đồng. Duy nhất chỉ có Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là chỉ khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy, trách nhiệm đưa NTT khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình và phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh kinh tế.

Ông La Đức Cương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 chia sẻ, hiện nay việc quản lý NTT đang có nhiều những lỗ hổng. Bởi vậy, khó có thể tránh được những vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra.

Theo bác sĩ Cương, hiện có 2 nhóm người bị bệnh tâm thần được quản lý là tâm thần phân liệt và động kinh. Họ được cấp phát thuốc miễn phí hàng tháng và theo dõi sức khỏe. Nếu bệnh tái phát thì cán bộ y tế sẽ báo lên huyện rồi lên tỉnh để cán bộ y tế có chuyên môn tâm thần về kiểm tra, tư vấn cho người nhà có nên đưa họ đi chữa trị tập trung tại các cơ sở y tế hay không. Tuy nhiên, để đưa được NTT phát bệnh đi điều trị bắt buộc cũng không dễ.

“Hiện tại có văn bản yêu cầu cưỡng chế NTT nặng đi điều trị bắt buộc tuy nhiên lại chưa đề cập đến việc ai là người có trách nhiệm đưa đi. Do đó, nếu nhân viên y tế vận động người nhà đưa NTT đi điều trị nhưng người nhà không đồng ý thì y tế cũng không làm gì được” – ông Cương cho biết.

Địa phương bó tay

Bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hoà Bình cho biết hiện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thuộc Sở LĐTBXH hiện chăm sóc, điều trị cho 300 người yếu thế, trong đó có 120 bệnh nhân tâm thần. Có những bệnh nhân được điều trị ổn định khi về địa phương với các mối quan hệ trong cuộc sống bệnh lại tái phát.

Theo ngành y tế, số lượng người tâm thần ngoài cộng đồng còn nhiều nhưng vấn đề hồ sơ pháp lý để đưa người bệnh vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn khó khăn, vì lập bệnh án phải có một quá trình theo dõi ở cơ sở. Cơ sở vật chất của Trung tâm cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.

Do ngại bị kỳ thị, người nhà hoặc NTT thường giấu diếm bệnh tật của mình, khỏi các triệu chứng thì không đi điều trị, không tiếp tục theo dõi, uống thuốc. Họ cũng chủ quan với các “dự báo” về sức khỏe nên đến khi bệnh nặng “bùng phát” thành các hành vi mất kiểm soát, kiểu ngộ sát hoặc giết người”.

Bác sĩ La Đức Cương

Để góp phần quản lý, phòng ngừa NTT phạm tội cần làm rõ những quy định về sức khỏe tâm thần để xác định đối tượng. Theo phân cấp trách nhiệm, nhất là ở cấp xã cần rà soát, theo dõi, quản lý người bệnh; gia đình quan tâm, làng xóm hỗ trợ. Mặt khác, tăng cường cơ sở vật chất cho Trung tâm như mở rộng quy mô, đủ trang thiết bị chăm sóc, điều trị.

“Trong khi việc quản lý tại trung tâm chăc sóc, bảo trợ không được lâu dài, NTT giao về gia đình thì gia đình lại không có cách quản lý hiệu quả. Phần lớn các gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, khả năng chăm sóc, chữa trị là rất hạn chế nên bệnh ngày càng trầm trọng. Khi đối tượng này lên cơn thì gia đình không có biện pháp ngăn chặn, đề phòng. Và gia đình thường phải xích, gông cùm lại. Trong khi đó, cơ sở chăm sóc y tế tại địa phương lại không theo dõi thường xuyên để phát hiện, cấp phát thuốc cho các đối tượng này” – bà Thuỷ nói.

Nhiều bệnh tâm thần nguy hại

Còn theo bác sĩ La Đức Cương thì số NTT phân liệt chưa phải là “mối nguy” lớn cho cộng đồng vì ít ra họ vẫn được quản lý, quan tâm. Số NTT đang được quản lý chỉ chiếm số nhỏ NTT đang có ở cộng đồng. Vẫn còn hàng trăm nghìn NTT chưa được chăm sóc thỏa đáng. Ngoài ra còn nhiều bệnh tâm thần tiềm ẩn nguy hại lớn, khó lường như bệnh trầm cảm, ngáo đá, nghiện rượu…

“Bệnh nhân trầm cảm nặng thường có xu hướng tự tử nhưng trước đó họ lại dễ gây ra những hành vi giết người hàng loạt rồi mới tự tử. Còn người ngáo đá có những cơn hoang tưởng, ảo giác đối với những “kẻ thù”, “quái vật” nên dễ tấn công những người xung quanh, gây ra các vụ thảm sát. Còn người nghiện rượu đến một mức độ nào đó cũng sẽ có hoang tưởng, hung hăng, gây thương tích cho người khác không gớm tay… Tuy nhiên những đối tượng này hầu như chưa được cộng đồng chú ý để có các biện pháp ngăn chặn. Chỉ khi các vụ thảm sát xảy ra, để lại nhiều hậu quả kinh hoàng, đau thương mới “ồ”, “à”, cảnh báo, báo động thì đã muộn rồi” – bác sĩ Cương phân tích.

Theo bác sĩ Cương, cộng đồng thường có cách hiểu không đúng về bệnh tâm thần. Nhiều người cho rằng người nào mắc bệnh “điên” sau khi điều trị khỏi các triệu chứng thì coi như đã khỏi. Nhưng trên thực tế họ luôn tiềm ẩn nguy cơ tái phát bệnh nếu gặp các biến cố lớn (thất nghiệp, thất tình, người thân mất, ốm nặng…) hoặc tiếp tục duy trì các thói quen xấu (nghiện rượu, dùng thuốc kích thích).

img

Chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu

“Nghị định 64/2011/NĐ-CP quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người được xác định mắc bệnh tâm thần. Nhưng các biện pháp này chỉ áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan tố tụng, sau khi các đối tượng đã gây án. Người mắc bệnh tâm thần gây án, sau khi bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định sẽ được trở về gia đình (vì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự), họ sẽ tạo nên sự bất an đối với cộng đồng, vì không có gì bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục phạm tội khi bệnh tình tái phát. Hiện nay chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu đối với người tâm thần trong cộng đồng, chưa có những giải pháp ngăn ngừa khả năng phạm tội của họ trong cộng đồng”.

Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH)

img

Còn nhiều băn khoăn

“Để xác định được người thực hiện hành vi vi phạm có bị tâm thần hay không thì phải có kết luận của bác sĩ chuyên môn, lúc đó mới xác định được là người đó có bị tâm thần không. Khi người ta thực hiện những hành vi phạm tội, cơ quan chức năng bắt buộc phải có trưng cầu giám định xem có được miễn giảm trách nhiệm hình sự. Kết luận của cơ quan pháp y rằng thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái người bị tâm thần, không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì người đó sẽ được miễn. Việc trưng cầu, yêu cầu cho đi giám định để xác định có tâm thần thật hay không cũng là một việc để tránh các hung thủ lợi dụng “chạy bệnh án tâm thần”.

Đương nhiên sau khi thực hiện hành vi phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng bắt buộc phải đi chữa bệnh, áp dụng biện pháp bắt buộc, đưa vào cơ sở chữa bệnh. Với người giám hộ của những cá nhân này, họ không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng phải chịu trách nhiệm dân sự cho những vấn đề liên quan. Có những trường hợp mới chỉ mắc bệnh, chưa có biểu hiện nguy hiểm, người nhà cũng rất ngại chuyện thông tin, thông báo để mà đưa đến các cơ sở khám chữa bệnh. Thủ tục để khám chữa cũng khiến người dân lúng túng, nhiều gia đình nghĩ đi khám tốn kém, đưa vào đó không yên tâm, sợ không được chăm sóc nên ngại.

Ngoài ra, sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương cũng có thể là một lý do khiến sự việc chỉ được xử lý khi quá muộn”.

Thượng tá- TS Hà Thị Hồng Lan - PGĐ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện CSND

Tạ Nguyệt - Nguyễn Hòa (ghi)