Thần chết luôn xuất hiện trong mọi nền văn hóa. Nếu phương Tây có Grim Reaper – những sinh vật chuyên đảm nhận việc đưa linh hồn con người sang thế giới bên kia, thì ở Nhật Bản người ta lại thờ cúng Shinigami và thậm chí còn khai thác những khía cạnh thần bí liên quan đến nhân vật này để tạo các các tác phẩm manga, anime lẫn phim ảnh nổi tiếng, ví dụ như Death Note. Vậy nguyên mẫu gốc của Shinigami trong thần thoại Nhật Bản ra sao? Hãy đến với bài viết dưới đây và khám phá cùng chúng tôi nhé!
Shinigami là ai?
Tên gọi Shinigami được ghép từ hai từ tiếng Nhật khác nhau là "shi" (cái chết) và "kami" (thần). Do đó, có thể hiểu đơn giản Shinigami là vị thần của cái chết.
Trong thần thoại Nhật Bản, người ta cho rằng vạn vật trên đời đều có linh hồn hay "kami" trú ngụ. "Kami" vì vậy cũng mang nhiều hình dạng và chủng loài khác nhau như kami của bầu trời, kami của các con sống, kami của sự may mắn, tất nhiên, kami của cái chết nữa. Các Shinigami được miêu tả là những vị thần làm công việc mời gọi người phàm đến với sự chết chóc.
Có nhiều giải thích cho sự xuất hiện của Shinigami, nhiều người tin vào giả thuyết cho rằng Shinigami bắt nguồn từ Izanami – vị thần đầu tiên đem cái chết đến với con người, nhưng cũng có nhiều người khác lại đồng nhất Yama – vị thần cai quản âm phủ với Shinigami. Dẫu vậy, dù có xuất phát từ Izanami hay Yama thì Shinigami cũng vẫn có quan hệ mật thiết với Izanami và Izanagi như phần lớn các kami khác.
Hình dạng của Shinigami
Shinigami thường vô hình với những người bình thường, chỉ có người sắp chết hoặc chết mới có thể nhìn được hình dáng của vị thần này. Thậm chí, ngay cả khi nhìn thấy được rõ mặt mũi Shinigami thì giữa các Shinigami cũng không hề giống nhau.
Giải mã thần chết Shinigami
Mặc dù Shinigami là một trong số rất nhiều kami của Thần Đạo (Shinto), nhưng nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng vị thần này chỉ mới xuất hiện trong thần thoại Nhật Bản vào thời kỳ giao lưu, tiếp xúc với văn hóa Phương Tây. Cũng chính vì ảnh hưởng này mà có rất nhiều câu chuyện cổ tích phương Tây về Grim Reaper đã trở thành nguồn cảm hứng cho người Nhật tạo ra linh hồn tử thần Shinigami của riêng mình này.
Theo ước đoán, có lẽ ý tưởng về Shinigami xuất hiện vào khoảng thế kỷ 18 hoặc 19, đại diện cho một tư tưởng rất phổ biến trước đó trong truyền thống Nhật Bản đó là không xem cái chết như một điều xấu. Trái ngược với người Hoa luôn kiêng dè nhắc đến cái chết, thì người Nhật lại xem cái chết như một phần rất bình thường của chu kỳ tồn tại. Vì vậy, họ không hề e sợ các vị thần hay sinh vật làm công việc thu gom hoặc đem tới sự chết chóc. Bên cạnh đó, họ cũng miêu tả quá trình sau khi chết đi rất nhẹ nhàng, các linh hồn Shinigami sẽ làm việc theo cặp và đi đến gặp người sắp chết, lúc đó họ sẽ mời anh ta/ cô ta đi qua ngưỡng cửa của sự sống – cái chết.
Shinigami trong văn hóa hiện đại
Trong thời hiện đại, người Nhật theo Thần Đạo vẫn rất tin vào sự tồn tại của Shinigami cũng như các kami khác. Tuy nhiên, vì Nhật Bản là một quốc gia tương đối cởi mở nên bên cạnh đức tin, họ cũng tôn vinh Shinigami như nét văn hóa truyền thống, một nét văn hóa độc đáo không bị nhầm lẫn với Grim Reaper của phương Tây.
Đặc biệt, hình tượng Shinigami còn đặc biệt trở nên nổi tiếng hơn nhờ vào hai bộ truyện tranh là Death Note và Bleach.