Dân Việt

Việt Nam khởi xướng kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu

Trần Đáng 17/04/2019 14:53 GMT+7
Tại Diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP (mỗi xã một sản phẩm) toàn cầu và Hội chợ quốc tế OCOP năm 2019 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ngày 17.4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam là nước khởi xướng kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu.

Mục tiêu của việc kết nối mạng lưới này nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia đang triển khai phong trào OVOP (mỗi làng một nghề) hay OCOP, tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi về những cơ chế, chính sách, nguồn lực và thương mại để thúc đẩy phong trào OVOP/OCOP trên thế giới và tại Việt Nam.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đại diện các nước triển khai OVOP, OCOP tham gia diễn đàn.

Ngoài ra, việc kết nối này cũng nhằm phát huy vai trò của Việt Nam trong kết nối phong trào OVOP/OCOP thế giới để quảng bá chương trình OCOP Việt Nam trên toàn cầu; quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Việt Nam tới bạn bè quốc tế cũng như giữa các địa phương trên cả nước.

“Tất cả hướng đến mục tiêu tạo sự tiến bộ, ấm no, thịnh vượng của các dân tộc, các nước, nhất là khu vực nông thôn”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Hiện, trên thế giới có 43 nước trong khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh,.. đang xây dựng OVOP, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ở các quốc gia. Điển hình là Chương trình mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Chính phủ Thái Lan.

img

Một gian hàng thủ công mỹ nghệ nước ngoài tham gia Hội chợ quốc tế OCOP năm 2019 khai mạc vào sáng ngày 17.4

“Việt Nam là nước khởi xướng nên phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy chế của mạng lưới đề ra. Bây giờ mới có 12 nước tham gia mạng lưới, nhưng sắp tới hy vọng sẽ có nhiều thành viên hơn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

Cùngvới việc đẩy mạnh kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Việt Nam cũng sẽ thực hiện kết nối mạng lưới OCOP trong nước.

Kết quả thí điểm triển khai phong trào OVOP ở Việt Nam từ năm 2006 với Đề án “Mỗi làng một nghề”, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai đạt hiệu quả bước đầu, trong đó có tỉnh Quảng Ninh với Đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm.

Từ điều tra bước đầu của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, hiện nay, vùng nông thôn cả nước đang có hơn 6.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, trong đó có hơn 3.120 doanh nghiệp (chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước), tổ chức sản xuất hơn 4.800 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm.

Theo Bộ NNPTNT, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách bài bản, thống nhất, đồng bộ, góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng tơ tằm của bà Phan Thị Thuận (Hà Nội) Hội chợ quốc tế OCOP năm 2019 tại TP.HCM.

Sau gần một năm triển khai chương trình OCOP, đến nay cả nước đã có 42 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án triển khai ở cấp tỉnh. Theo kế hoạch, đến hết quý II/2019 cả nước sẽ phê duyệt xong đề án/kế hoạch OCOP cấp tỉnh.

“Chúng tôi đã cử một số đoàn công tác cấp Trung ương và cấp tỉnh đi học tập tại Nhật Bản và Thái Lan”, ông Nam thông tin.