Hướng dẫn từ những hoạt động nhỏ
Bà Lê Thị Thanh Hương- Trưởng phòng Dạy nghề cho biết, “điểm nhấn” của bộ tài liệu này là cuốn “Phương pháp tuyên truyền tư vấn học nghề và việc làm cho nông dân”. Đây là tài liệu được biên soạn khá công phu với phương thức tiếp cận mới: Lấy nông dân (học viên) làm trung tâm với các phương pháp cơ bản sử dụng trong tập huấn có sự tham gia tích cực, chủ động của người học, người tiếp cận thông tin.
Bộ tài liệu tuyên truyền dạy nghề- việc làm nông dân. |
Theo dự kiến ban đầu, cán bộ Hội ND cơ sở sẽ là hạt nhân tuyên truyền viên cho công tác dạy nghề. Thực tế, tại nhiều xã phường, nhất là các xã phường khó khăn, thiếu cơ sở vật chất để tổ chức tuyên truyền tập trung, các truyên truyền viên sẽ phải thực hiện vận động, tuyên truyền miệng tại các nhà văn hoá thôn, thậm chí tại các xóm nhỏ, các gia đình.
Tài liệu này hướng dẫn khá kỹ các phương pháp và kinh nghiệm tuyên truyền miệng, trong đó tuyên truyền viên phải tìm hiểu đặc điểm của người nghe (nông dân) để xây dựng bài nói chuyện phù hợp. Đặc biệt, tài liệu còn đi sâu hướng dẫn những hoạt động rất nhỏ như nên tổ chức không gian, thời gian tuyên truyền sao cho phù hợp với tâm lý và thói quen sinh hoạt của bà con.
Một điểm đáng lưu ý nữa là tuyên truyền viên phải cập nhật các thông tin về nhu cầu nhân lực địa phương, các mô hình dạy nghề, việc làm hiệu quả để có thể tư vấn cho bà con theo học nghề phù hợp.
Dễ hiểu, dễ nhớ
Khác với cách tiếp cận khô khan theo kiểu văn bản chính sách, bộ tài liệu này có cách viết khá dễ hiểu, tiếp cận theo tuyến các câu hỏi bà con quan tâm. Cuốn “Cẩm nang nông dân học nghề” đặt ra hàng loạt câu hỏi để thu hút bà con tới câu trả lời như: “Điều kiện nào để người nông dân được tham gia học nghề?”. “Học xong nghề sẽ lao động ở đâu? Lao động như thế nào? Đầu ra của sản phẩm ở đâu? Tìm đến ai để học cách làm ăn?”. Sau đó, thông tin trong cẩm nang lần lượt diễn giải để bà con hiểu hơn về chính sách và quyền lợi của mình.
Ông Ngô Kim Tuyến - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân- Hội Nông dân Bắc Giang bày tỏ: “Tại cơ sở, chúng tôi thiếu nhất là tài liệu tuyên truyền. Nói mà không có sách vở, tài liệu là bà con quên ngay”.
Nhằm khắc phục nhược điểm ấy, tài liệu “Cẩm nang nông dân học nghề” chỉ dẫn một cách ngắn gọn các thông tin: Bà con có thể học nghề ở đâu; học nghề “chỉ cần có chí, không lo kinh phí” vì rất nhiều đối tượng được hỗ trợ 100% học phí và cả chi phí ăn ở, đi lại trong quá trình học nghề. Khi học nghề, bà con sẽ được cung cấp các tài liệu chuyên sâu hơn về nghề theo học (nhất là các nghề nông nghiệp).
Ông Vũ Đức Vượng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề bày tỏ: “Tài liệu nói trên bước đầu lưu hành nội bộ để các tuyên truyền viên thuộc hệ thống Hội ND tham khảo. Quá trình thực hiện sẽ có nhiều vấn đề phát sinh từ cuộc sống cần bổ sung thêm. Nhà trường mong có sự hợp tác của cán bộ Hội các cấp để tiếp tục hoàn thiện bộ tài liệu”.
Huyền Thanh