TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định giám đốc các Sở GD-ĐT Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La ít nhất phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu.
Theo TS Nghĩa, việc xử lý gian lận thi cử như hiện nay đã vùi dập niềm tin của toàn xã hội "xuống tận đáy".
Khẳng định người đứng đầu không thể vô can nếu thuộc cấp làm sai, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT Tây Ninh, cho rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, cơ quan chủ quản.
Trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sự việc do ngành mình quản lý đã được quy định rõ ràng, ông Tài phân tích. Cụ thể, giám đốc Sở GD-ĐT của địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về lĩnh vực GD-ĐT trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Báo cáo trước HĐND tỉnh, trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh…
“Làm sao con của phó giám đốc, con Bí thư tỉnh ủy, con phó chủ tịch, hay quan chức khác… được nâng điểm mà giám đốc Sở GD-ĐT địa phương không biết? Chính việc chậm công bố, hay lấy lý do nhân văn để không công bố danh sách thí sinh nâng điểm, cũng đã thiếu quyết liệt, thể hiện việc bao biện cho sai phạm” - ông Tài nói.
Theo ông Tài điều nguy hiểm nhất là hiện nay là chỉ Bộ Công an quyết liệt với những sai phạm, còn Bộ GD-ĐT thì dường như “nhẹ tay”, minh chứng là những thí sinh trong danh sách nâng điểm vẫn được theo học nếu xét tuyển theo điểm không nâng hoặc điểm hạ sau gian lận đủ điểm học.
Ông Tài cũng nhìn nhận để cấp dưới làm sai là đã lỏng quản lý. Nếu các ông nói không biết gì thì là nhu nhược. Điều đáng buồn là làm trong ngành giáo dục nhưng các vị này không tự giác, không dám nhận trách nhiệm.
Một cựu giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng bình luận rằng ông không tin những người đứng đầu ngành giáo dục ở ba địa phương phát hiện gian lận không liên quan tới sai phạm. “Ngay cả phó giám đốc, người dưới quyền trực tiếp của mình đã bị khởi tố thì người đứng đầu làm sao vô can được” - ông nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói rằng theo nguyên tắc chung, nhân viên là người trực tiếp chịu trách nhiệm nhưng thủ trưởng đơn vị cũng phải liên đới. Trong lãnh đạo Sở thì người chịu trách nhiệm là giám đốc, trong lãnh đạo trường thì người đó là hiệu trưởng.
“Cấp phó chỉ là người thực hiện sự phân công của cấp trưởng, ngoài chịu trách nhiệm công việc được giao còn chịu trách nhiệm với cấp trưởng. Còn cấp trưởng cũng có liên đới trách nhiệm với cấp phó trong việc mình phân công” - ông Ngai cho hay.
“Ít nhất, các vị phải lên tiếng nhận trách nhiệm người lãnh đạo. Cụ thể, các vị đã phân công cấp dưới, cấp dưới làm sai thì mình phải có phần trách nhiệm”.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam, cũng cùng quan điểm khi cho rằng với vai trò của nhà quản lý, những người đứng đầu Sở GD-ĐT không thể “vô can” khi để xảy ra tình trạng “lộn xộn” với một đường dây gian lận như thế.
Ông Dong cũng lấy ví dụ, ở các nước khác, khi tàu hỏa đâm nhau thì trách nhiệm thuộc về việc quản lý và chỉ đạo của người điều hành tàu, thậm chí Bộ trưởng có khi sẽ xin từ chức.
Ở Sơn La, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm gian 5 cá nhân trực thuộc quản lý của Sở GD-ĐT gồm: Ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng; bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí; Ông Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu
Kết quả trong số 44 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La, có số lượng con em ở trong ngành giáo dục chiếm khá nhiều.
Được biết, cuối 12/2018, HĐND tỉnh Sơn La đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 30 chức danh lãnh đạo trong tỉnh. Theo đó, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất. Ông Đức nhận được 6/70 phiếu tín nhiệm cao (tỉ lệ 8,45%), 39/70 phiếu tín nhiệm thấp (tỉ lệ 54,93%), 25/70 phiếu tín nhiệm (tỉ lệ 35,21%).