Năm 2019, Vinamilk tiếp tục chia cổ tức "khủng" cho cổ đông với tỷ lệ bằng tiền mặt tối thiểu 50%
Sáng nay 19.4, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM), tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019. Theo báo cáo của Vinamilk trước giờ diễn ra đại hội chính thức, trong quý 1.2019, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 13.230 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 2.774 tỷ, cao hơn 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cổ tức “khủng”, đại hội “nóng” lên bởi các kế hoạch M&A
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2019 gửi đại hội, Vinamilk trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch doanh thu tăng 7% so với thực hiện năm 2018, lên 56.300 tỷ đồng (tăng 3.671 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với thực hiện năm 2018, lên 12.650 tỷ đồng (tăng 598 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ tăng 2,5% so với thực hiện năm 2018, lên 10.480 tỷ đồng (tăng 253 tỷ đồng). Đặt kế hoạch tăng trưởng này, Vinamilk khá tự tin bởi ngành sữa Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng bền vững. Theo Vinamilk, hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam chỉ khoảng 19kg sữa/người/năm, con số này khá thấp so với các nước trong khu vực như: Thái Lan là 31,7kg; Hàn Quốc là 40,1kg, Malaysia khoảng 26,7kg…
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh, Vinamilk cho biết năm 2019, DN tiếp tục tập trung vào ngành sữa và các sản phẩm liên quan, ưu tiên khai thác thị trường nội địa, sẵn sàng cho các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) và mở rộng mới quan hệ hợp tác mạnh mẽ. Đặc biệt sẽ uu tiên tìm kiếm các cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia với mục đích mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, điều khiến hàng nghìn cổ đông tham dự đại hội thêm “mát lòng, mát dạ” là kế hoạch chia cổ tức ‘khủng’ của Vinamilk năm 2019.
Cụ thể, công ty dự kiến mức cổ tức 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Trong đó, sẽ tạm ứng đợt 1.2019: 2.000 đồng/cổ phần (thanh toán trong tháng 9.2019); Tạm ứng đợt 2/2019: 1.000 đồng/cổ phần (thanh toán trong tháng 2.2020) và Thanh toán cổ tức còn lại của năm 2019 (Do ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 quyết định).
Tuy nhiên, theo bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty, mức cổ tức này là dự kiến “thấp nhất” vì thực tế năm 2017, 2018 Vinamilk đã chi trên 70% lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức cho cổ đông.
Năm 2018, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 52.629 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với năm 2017, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ, đạt 10.206 tỷ đồng.
Chăm sóc bò sữa tại một trang trại của Vinamilk (Ảnh: IT)
Một vấn đề khiến cổ đông rất quan tâm là câu chuyện M&A GTNFoods (mã chứng khoán GTN). Bởi trước đó, Vinamilk đã đăng ký chào mua công khai 116,71 triệu cổ phần GTN, tương ứng 46,68% lượng cổ phần đang lưu hành của GTN. Nếu mua thành công, Vinamilk sẽ nắm giữ 122,5 triệu cổ phần GTN, tương ứng tỷ lệ sở hữu 49%.
Mức giá chào mua của Vinamilk là 13.000 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị chào mua hơn 1.517 tỷ đồng.
Cần nói rõ thêm về GTNFoods, đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu với doanh thu năm 2018 đạt hơn 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng. Công ty này hiện đang nắm giữ gần 75% cổ phần Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Vilico tại Sữa Mộc Châu là 51%. Ngoài ra, GTNFoods còn nắm giữ 95% cổ phần Tổng Công ty Chè Việt Nam; 35% cổ phần LadoFoods (Vang Đà Lạt)…
Tuy nhiên, trước đó vào cuối tháng 3, GTNFoods đã thông qua nghị quyết thống nhất “không đồng ý” với đề nghị chào mua công khai cổ phiếu GTN của Vinamilk.
Chia sẻ với cổ đông về vấn đề M&A này, bà Mai Kiều Liên cho biết GTNFoods đã có ý kiến không đồng thuận với việc sáp nhập. Còn quan điểm của Vinamilk thì công ty mong muốn cùng ngồi lại để phát triển. Với thời điểm càng ngày càng tranh, xu hướng hội nhập vừa là có cơ hội cũng là thách thức, muốn giữ thương hiệu Việt phải cùng nhau liên kết. Muốn cạnh tranh quốc tế, chúng ta phải ngồi lại với nhau, tạo thành bó đũa thì không thể bẻ gãy được.
“Chúng tôi cũng khẳng định lại một lần nữa là Vinamilk không bao giờ muốn làm gì hại bạn, lợi mình cả. Chúng tôi đã ngồi lại với GTN và cũng đã đạt được những điểm chung nhất định”, bà Liên nói.
Cũng tại đại hội năm nay, HĐQT Vinamilk cũng trình cổ đông bổ sung hoạt động "mua bán đường (không hoạt động tại trụ sở)" vào ngành nghề "Bán buôn thực phẩm". Điều này khiến nhiều cổ đông thắc mắc về việc Vinamilk sắp có kế hoạch M&A một công ty đường nào khác không, ngoài Công ty đường Khánh Hòa đã M&A trước đó (Năm 2017, sau đó đổi tên là Công ty CP Đường Việt Nam).
Bảo vệ thương hiệu quốc gia và câu chuyện thoái vốn của SCIC
Bên cạnh câu chuyện về kinh doanh năm 2019 và các chiến lược M&A, nhiều cổ đông cũng thắc mắc chuyện “lùm xùm” thời gian gần đây của Vinamilk liên quan đến chương trình sữa học đường, bà Mai Kiều Liên khẳng định chắc nịch, chúng tôi làm đúng và chúng tôi không sợ. Chúng tôi có bộ phận pháp chế và sẽ làm đến nơi đến chốn việc bôi nhọ thương hiệu Vinamilk, không phải cứ muốn nói gì là nói được.
“Chúng tôi không khơi dậy cuộc chiến nhưng Vinamilk là thương hiệu quốc gia, động đến Vinamilk là động đến thương hiệu quốc gia và bộ phận pháp chế của chúng tôi đã, đang làm việc đến cùng vì thương hiệu của mình’, bà Liên nói.
Về câu chuyện thoái vốn của SCIC, đại diện SCIC cho biết đã thực hiện được hai đợt thoái vốn tại Vinamilk và thu được 1.200 tỷ đồng trong đợt 1, còn đợt 2 thu được 8.900 tỷ đồng. Trên cơ sở kinh nghiệm từ hai đợt trước, khi nào Chính phủ có quyết định thì SCIC sẽ thực hiện việc thoái vốn theo quy định.
“Tuy nhiên, thời điểm thoái vốn thế nào thì chúng tôi với kinh nghiệm thoái vốn của những lần trước, sẽ thoái khi đạt hiệu quả cao nhất”, đại diện SCIC cho biết.
Tính đến hết năm 2018 Vinamilk đã có 12 trang trại với tổng 27.000 con bò sữa tại Việt Nam với sản lượng sữa trung bình 26,1 kg sữa/con bò/ngày. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, Vinamilk nhập bò sữa A2 thuần chủng từ New Zealand; đồng thời đang phát triển trại bò tại Lào với quy mô 4.000 con. |