Sau bốn phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục nhẹ trở lại trong ngày giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn mất hút cho thấy nhà đầu tư vẫn đứng ngoài và thận trọng cao với triển vọng của thị trường trong thời gian tới.
Kết thúc phiên giao dịch 19/4, VN-Index tăng nhẹ 3,91 điểm (0,41%) lên 966,21 điểm. Thanh khoản ở mức rất thấp, chỉ vỏn vẹn hơn 2.100 tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 0,13 điểm (0,12%) lên 105,88 điểm. Khối nhà đầu tư sau nhiều phiên mua ròng thì hôm nay đã quay ra bán ròng trở lại, giá trị bán là khoảng 25 tỷ đồng. Tính chung cả tuần qua, VN-Index đã mất 16,69 điểm, tương đương 1,7%.
Thị trường lấy lại sắc xanh nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần
Với lượng tiền đổ vào mua bán ở mức thấp, biến động giá tại các cổ phiếu cũng không lớn. Đà tăng của chỉ số chính đến chủ yếu từ sự hồi phục của các bluechips vốn hóa lớn. Điển hình là VIC (Vingroup) tăng 1%, GAS (PVGas) tăng 0,6%, MSN (Masan) tăng 1,9%, NVL (Novaland) tăng 1,4% hay SAB (Sabeco) cũng bật tăng 4,1% sau phiên giảm mạnh bất ngờ ngày hôm qua.
Cổ phiếu của Vietjet Air hôm nay tiếp tục diễn biến thuận lợi khi tăng 900 đồng lên 114.900 đồng/cổ phiếu. VJC cũng là mã hiếm hoi trong nhóm vốn hóa lớn có kết quả khả quan trong tuần vừa qua. Theo đó, VJC ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp (+1.700 đồng) bất chấp thị trường chung sụt giảm mạnh. Sáng nay, Vietjet Air cũng đã tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Theo kế hoạch, doanh thu và lợi nhuận từ vận tải hàng không của VJC lần lượt tăng trưởng lên mức 42.250 tỷ đồng và 3.800 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất của VJC dự kiến đạt 58.393 tỷ đồng, tăng trưởng 9%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 6.219 tỷ đồng, tăng 7%.
Kết quả kinh doanh năm 2018, Vietjet Air ghi nhận doanh thu đạt 53.577 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.816 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu vận tải hàng không đạt 33.779 tỷ đồng, tăng 49,8% so với năm trước; doanh thu phụ trợ đạt 8.410 tỷ đồng tăng trưởng 53,5%.
Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo
Vietjet Air cho biết sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc mở rộng các đường bay quốc tế nhằm tăng cường doanh thu ngoại tệ từ bán vé, có lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước, cũng như tăng tỷ trọng doanh thu các mặt hàng phụ trợ vốn có tỷ suất lợi nhuận cao từ phân khúc khách hàng có thu nhập cao.
Với đà tăng tích cực của VJC, trong tuần qua, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (TGĐ, sở hữu 168,5 triệu cổ phiếu VJC) đã có thêm khoảng 286 tỷ đồng, nâng khối tài sản chứng khoán của mình lên 20.371 tỷ đồng. Bà Thảo hiện đang đứng thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, do sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ trong tuần, khối tài sản chứng khoán của các tỷ phú hàng đầu như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh hay Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đều bị hao hụt đáng kể.
Xu hướng tiêu cực ngày càng thể hiện rõ, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để bảo toàn vốn.