Dân Việt

Đại gia tuần qua: Rò rỉ kế hoạch bơm tiền khủng của đại gia "bay là có lãi"

Phương Linh 20/04/2019 15:55 GMT+7
Trong 3.000 tỷ đồng dự kiến huy động, FLC muốn sử dụng 2.000 tỷ đồng đầu tư cho các dự án đang triển khai, 700 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho Bamboo Airways.

FLC muốn huy động vốn khủng, rót 700 tỷ cho Bamboo Airways 

Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC vừa thông qua nghị quyết về việc triển khai phương án phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, FLC dự kiến phát hành gần 300 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng. Qua đó, số tiền thu được từ đợt phát hành, khoảng 3.000 tỷ đồng.

Với 3.000 tỷ đồng huy động, FLC dự kiến sử dụng 2.000 tỷ đồng đầu tư cho các dự án đang triển khai, 700 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho Bamboo Airways và phần còn lại để bổ sung vốn lưu động.

img

FLC dự kiến phát hành gần 300 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. 

Theo đăng ký kinh doanh, Bamboo Airways hiện có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng sau đợt tăng vốn thêm 600 tỷ đồng tại hãng bay này mới được FLC hoàn tất ngày 2/3.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC chính thức là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways từ 4/3. 

Công ty của tỷ phú Trần Bá Dương dự chi nghìn tỷ mua cổ phiếu bầu Đức

Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa đăng ký mua 69,7 triệu cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

VIệc này nhằm nâng tỷ lệ sở hữu của Thaco tại HNG từ 0% lên 7,86% và trở thành cổ đông lớn thứ 2 của doanh nghiệp này sau CTCP Hoàng Anh Gia Lai.

Giao dịch dự kiến được thực hiện thông qua thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn từ ngày 23/4 - 22/5/2019.

Trước đó, theo tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên, HNG đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2019 lần lượt đạt 4.775 tỷ đồng và 103 tỷ đồng.

Công ty của bầu Đức kỳ vọng vườn chuối năm nay sẽ đóng góp 3.500 tỷ đồng doanh thu nhờ sản lượng trên 240.000 tấn. Doanh thu dự kiến từ các mảng khác là: thanh long 575 tỷ đồng, mít 108 tỷ đồng, bưởi 65 tỷ đồng và xoài 57 tỷ đồng.

Sau 1 năm rực rỡ, Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo tham vọng lớn

Ngày 19/4, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet, mã chứng khoán VJC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.

Theo báo cáo, năm 2018, doanh thu vận tải hàng không của Vietjet đạt 33.779 tỷ đồng, tăng 49,8% so với năm trước và đạt 112,2% so với kế hoạch. Lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế đạt 3.045 tỷ đồng, tăng trưởng 48,9% so với năm trước. Đáng chú ý là doanh thu phụ trợ năm 2018 lên tới 8.410 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2014. 

img

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet đã có một năm tăng trưởng vượt bậc cả về doanh thu và lợi nhuận.

Với kết quả doanh thu và lợi nhuận thuận lợi, công ty quyết định chi trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 55%, cao hơn kế hoạch 50% trước đó. 

Với năm 2019, VJC có kế hoạch tiếp tục mở thêm 20 đường bay quốc tế, chuyên chở gần 28 triệu lượt khách, tăng 20% so với năm 2018. 

Vietjet cũng đặt kế hoạch doanh thu vận tải hàng không năm nay là 42.250 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm ngoái. Lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế dự kiến là 3.800 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018.

Làm ăn bết bát, Quốc Cường Gia Lai rút vốn, giải thể loạt công ty con

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa công bố thông tin việc rút toàn bộ vốn tại công ty con là CTCP Bất động sản Hiệp Phát do công ty này giải thể vì kinh doanh không hiệu quả.

Công ty có trụ sở tại số 26 Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM và là 1 trong 7 công ty con của Quốc Cường Gia Lai. Công ty này mới được thành lập vào ngày 2/6/2017 với vốn điều lệ 300 tỉ đồng.

Trước Hiệp Phát, Quốc Cường Gia Lai đã liên tục có động thái rút vốn, chuyển nhượng tại các công ty khác. Cụ thể, hồi tháng 1, Quốc Cường Gia Lai cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng 49,9% cổ phần tại CTCP BĐS Sông Mã. Cũng trong tháng này, công ty của bà Nguyễn Thị Như Loan cũng đã ra nghị quyết giảm 195 tỷ đồng vốn góp ở Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng.

img

Quốc Cường Gia Lai đã liên tục có rút vốn, chuyển nhượng tại các công ty con.

Trước đó, bà Loan từng khiến nhiều người chú ý khi bày tỏ, từng nghĩ đến tự tử vì doanh nghiệp quá khó khăn. Bà tiết lộ, bà đã vét hết tiền nhà cho doanh nghiệp, thậm chí còn vay thêm bạn bè, nhà, xe đều đem thế chấp.

Bia Hà Nội cắt một loạt chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận xuống thấp nhất 1 thập kỷ?

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã công bố tài liệu phiên họp thường niên năm 2019.

Theo báo cáo, với năm 2018, tổng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu 429 triệu lít, bằng 89% so với cùng kỳ và bằng 85,9% kế hoạch năm.

Công ty này đánh giá, các sản phẩm của Habeco đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường bởi đối thủ là Sabeco (có sản phẩm Saigon Lager và 333), Heineken (với Tiger). 

Ngoài ra, giá cả các nguyên vật liệu cho sản xuất bia như malt, gạo, hoa houblon, vỏ lon… tăng giá khiến giá thành sản xuất tăng, lợi nhuận giảm.

Qua đó, ban lãnh đạo Habeco đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu năm 2019 là 438 triệu lít (tăng nhẹ so với năm 2018).

Tuy nhiên, theo kế hoạch, lợi nhuận trước thuế năm nay chỉ hơn 384 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm 2018. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Đại gia tuần qua: Dính sự cố liên tục, con cưng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn báo doanh thu cả tỷ đô

Lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế năm 2018 của Vietjet lên tới 3.045 tỷ đồng, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm...