Địa đạo Kỳ Anh cách trung tâm TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam khoảng 7 km về hướng đông bắc, đây là tên gọi của hệ thống địa đạo ở xã Kỳ Anh (nay là xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Địa đạo này là một trong những di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Địa đạo Kỳ Anh có tổng chiều dài khoảng 32 km, chiều rộng từ 0,5-0,8 m, chiều cao khoảng 0,8-1 m, chiều dài các đoạn tùy theo địa thế của mỗi thôn. Trong lòng địa đạo có nơi rất hẹp nhằm đề phòng khi địch phát hiện miệng địa đạo dùng hơi cay hay lựu đạn ném vào…
Tháng 5.1965, địa đạo Kỳ Anh được người dân bắt đầu đào, với những công cụ đơn giản như cuốc, xẻng, xà beng, thúng… cùng sự tham gia của nhiều lực lượng như bộ đội, du kích địa phương, phụ nữ, nông dân. Đến năm 1967, địa đạo được hoàn thiện và trở thành nơi trú ẩn của người dân địa phương. Địa đạo có các phòng họp để lên phương án tác chiến khi có chiến sự xảy ra.
Địa đạo có hầm cứu thương, hầm tác chiến, hầm chỉ huy, hầm chứa lương thực...
Địa đạo Kỳ Anh có hình dạng bàn cờ, chạy dài men theo các lùm cây, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, gian bếp trải khắp thôn trong xã. Tại nhiều giếng nước vẫn còn các lối thông với địa đạo.
Để ngụy trang cho các lối lên xuống địa đạo, người dân trước đây thường đào các lối lên xuống ngay dưới cây rơm để tránh sự phát hiện của kẻ thù. Ngày nay, địa đạo Kỳ Anh trở thành địa điểm để du khách đến khám phá, tìm hiểu lịch sử nơi này.
"Đây là lần đầu tiên em tới địa đạo Kỳ Anh. Khi đến đây tận mắt trải nghiệm thực tế, chui qua hầm, em bất ngờ và thán phục bậc cha ông", một học sinh chia sẻ.
Tại các căn phòng dưới địa đạo những vật dụng như đèn dầu thắp sáng vẫn còn được lưu giữ.
Tại nhà liệt sĩ Phạm Sĩ Thuyết (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng) phía dưới nền nhà là căn hầm bí mật sâu 2 m, rộng 0,5 m, dài 0,7 m. Dưới miệng hầm có nhiều ngách đi vào địa đạo thông ra giếng nước và thoát đến mương dẫn nước sông Đầm.
Hệ thống địa đạo tại khu vực này ngoài hầm bí mật còn có hầm công khai nên thường được sử dụng đánh địch trực tiếp mỗi khi chúng càn quét, nếu chẳng may bị địch phát hiện, các chiến sĩ thoát vào địa đạo bằng lối bí mật. Để ngụy trang cho lối đi phía sau ngôi đền, người dân dùng các tảng đá ong xếp chặt với nhau.
Trước đây, những đôi dép cao su được sử dụng phổ biến, đây cũng là một vật dụng được đặt trong các căn phòng dưới địa đạo.
Những hiện vật của các chiến sĩ được trưng bày tại nhà lưu niệm địa đạo Kỳ Anh như súng, lựu đạn, bình nước...