Dân Việt

Kiến nghị kết luận thanh tra HN về công trình trên đất rừng Sóc Sơn

Thành Thái 22/04/2019 07:30 GMT+7
Trong đơn Khiếu nại khẩn cấp, 18 hộ dân thôn Lâm Trường, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho rằng, chính quyền địa phương huyện này đã chậm công bố quy hoạch để người dân được biết, không xem xét toàn diện các quy hoạch, vội vàng lập hồ sơ, ép người dân vào việc tự chuyển đổi mục đích sử dụng, tiến tới ban hành các quyết định cưỡng chế là vi phạm pháp luật.

Sau khi có thông báo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, UBND xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đã mời 18 hộ dân tại thôn Lâm Trường làm việc với nội dung xử lý công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp. Đây là 18 hộ dân, trong số hàng loạt hộ dân tại thôn Lâm Trường đã xây dựng, sửa chữa công trình trên đất rừng trong hai năm 2017-2018.

Tuy nhiên, phản ánh tới Dân Việt, 18 hộ dân này đã làm đơn khiếu nại khiếu nại khẩn cấp Kết luận thanh tra số 1085 ban hành ngày 14.3 gửi đến các lãnh đạo TP Hà Nội và trung ương.

Trong đơn khiếu nại, các hộ dân này cho rằng Kết luận thanh tra số 1085 là chưa rõ ràng, chung chung nêu ra hiện tượng nhưng xử lý cụ thể từng sự việc không rõ, đặc biệt, không xem xét các yếu tố lịch sử nguồn gốc và chính sách sử dụng đất đối với từng thời điểm. 

img

Gần 20 hộ dân thôn Trường Lâm kiến nghị xem xét lại các quy hoạch rừng Sóc Sơn. 

Đồng thời, nhiều sai phạm của UBND huyện Sóc Sơn được chỉ ra trong Kết luận thanh tra như: chậm công khai quy hoạch rừng, chưa hoàn thành cắm mốc rừng, chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, một số điểm bị mất mốc giới, không đúng chỉ giới nên không có căn cứ xác định diện tích đất nằm trong hay ngoài chỉ giới quy hoạch rừng… là lỗi của cơ quan quản lý không thể bắt người dân gánh chịu.

Các hộ dân ở thôn Lâm Trường cũng cho biết, quá trình sinh sống đều trồng rừng từ đất trống đồi trọc. Theo Quyết định 2100 ngày 29.5.2008 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Dự án “Điều chỉnh Quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội (Quy hoạch 2008) thì khu vực thôn Lâm Trường thuộc vùng nâng cấp cải tạo, không có rừng, đất thổ cư, vườn quả.

Viện dẫn từ tấm bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường 1/5.000 năm 2008 tại xã Minh Phú, bà Vũ Thị Hải (54 tuổi, thôn Lâm Trường) cho biết, đất của 18 hộ dân thôn Lâm Trường là đất cải tạo nâng cấp thuộc lô 8 khoảnh 11. Trong đó, có 5 hộ thuộc dự án vườn quả JIEPRO – dựng mô hình kinh tế hộ và 13 hộ đất vườn quả, vùng chồng lấn. Các hộ dân đã nhận chuyển nhượng, chuyển giao đất và tài sản trên đất từ năm 2002, 2003 đến nay đều có hợp đồng, sổ lâm bạ và xác nhận của UBND xã.

img

5 hộ thuộc dự án vườn quả JIEPRO – dựng mô hình kinh tế hộ cho rằng đất nhà mình đã không còn là đất rừng. 

“Căn cứ vào hồ sơ lưu trữ và bản kiểm tra thực địa, Ban quản lý rừng xác nhận thửa đất các hộ thuộc dự án JIFPRO ở lô 8, khoảnh 11 là vườn quả, từ năm 2000 không còn là rừng. Đồng thời, trên bản đồ quy hoạch chung xây dựng huyện Sóc Sơn, tỉ lệ 1/10.000 do UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 2967 ngày 29.6.2015 thì khu đất dự án vườn quả JIFPRO nằm trong làng sinh thái du lịch, đô thị Đình Phú”, bà Nguyễn Thị Tâm, 69 tuổi, người dân ở thôn Lâm Trường, xã Minh Phú nói.

Ngoài ra, các hộ dân dẫn chứng, trong sổ lâm bạ có quyết định 6025-QĐ-UB và TT 55bTC hướng dẫn rõ “Để thuận tiện cho việc trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, chủ hộ có thể xây dựng nhà tạm, lán trại, chăn nuôi và ao cá tại khu vực đang kinh doanh” và “được giao cho các hộ khác tiếp tục chăm sóc sử dụng khi có lý do chính đáng và được hợp tác xã cho phép".

Bên cạnh đó, các hộ dân này còn khẳng định, khi cải tạo sửa chữa nhà để đảm bảo nơi sinh hoạt đều có đơn và được sự đồng ý của UBND xã Minh Phú và Ban quản lý rừng. Diện tích cải tạo nhà chỉ khoảng 100m2, chỉ bằng 1/2 mức quy định tại quyết định của Chính phủ.

“Với các quy hoạch đã ban hành, các giấy tờ được xã xác nhận, đất của 18 hộ dân này nằm trọng đất du lịch nghỉ dưỡng và dự án khu du lịch Đình Phú, đất thổ cư vườn quả, chồng lấn. Quá trình thực hiện huyện và xã chậm công bố quy hoạch để người dân được biết, không xem xét toàn diện các quy hoạch. Huyện không thực hiện cắm mốc giới các quy hoạch, vội vàng tự lập hồ sơ, ép người dân vào việc tự chuyển đổi mục đích sử dụng, tiến đến ban hành các quyết định cưỡng chế  là vi phạm luật”, đại diện 18 hộ dân đứng đơn khiếu nại chia sẻ.

img

Người dân thôn Lâm Trường cũng đưa ra nhiều tài liệu, hồ sơ chứng minh đất của mình thuộc đất du lịch nghỉ dưỡng và dự án khu du lịch Đình Phú. 

Trước hàng loạt các dẫn chứng đưa ra, các hộ dân đề nghị, cơ quan chức năng cần dừng việc cưỡng chế theo Kết luận thanh tra đối với các hộ dân đang bị cho là sai phạm trên địa bàn xã Minh Phú.

“Trước khi đưa ra hướng xử lý vi phạm, cần làm rõ sự phù hợp của 3 quy hoạch hiện này đang chồng lấn là: quy hoạch điều chỉnh rừng Sóc Sơn 2008, quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch chung xây dựng huyện Sóc Sơn 2015 về sử dụng đất, phân khu chức năng. Từ đó là cơ sở xác định tính đúng sai của các hộ dân. Tôn trọng và thực thi những chính sách đã ban hành, người dân đã làm theo. Đến nay, nếu những chính sách đó không còn phù hợp thì phải tôn trọng, bảo vệ lợi ích của người dân bằng cách xác định rõ trách nhiệm đền bù, giá trị đền bù và thời hạn thực hiện”, nội dung đơn khiếu nại của người dân thôn Trường Lâm.

img

Người dân cũng lo ngại, cùng một khu vực nhưng có công trình bị xử lý ngay có công trình vẫn "ung dung"

Trước đó, Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ rõ trên địa bàn 9 xã của huyện Sóc Sơn có gần 1.000 trường hợp vi phạm đất rừng, riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí có tới 659 trường hợp vi phạm (trong đó xã Minh Phú có tới 164 trường hợp vi phạm-PV).

Tuy nhiên Thanh tra TP Hà Nội chỉ kiến nghị cưỡng chế ngay đối với các công trình có vi phạm xây dựng trong giai đoạn 2017-2018, đối với các công trình vi phạm từ giai đoạn 2006-2016, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị ra soát hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng đất đai đúng mục đích.  

Theo các hộ dân phản ánh, thực tế trong thời gian 2017-2018, trên địa bàn khu vực thôn Lâm Trường còn có rất nhiều công trình xây dựng, trong đó có nhiều công trình xây dựng kiên cố, nguy nga khác xây dựng chứ không chỉ riêng 18 công trình được đưa vào trong danh sách “đen” để cưỡng chế đợt này.