Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
Hai bên lại găng với nhau và gián tiếp đưa ra điều kiện tiên quyết cho nhau với đòi hỏi phải được đáp ứng thì mới tiếp tục thúc đẩy tiến trình này. Phía Mỹ đòi hỏi Triều Tiên phải phi hạt nhân hoá hoàn toàn nhưng lại không đáp ứng yêu cầu của Triều Tiên là dỡ bỏ hoàn toàn những biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Phía Triều Tiên muốn Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận như thế về thoả thuận hoà bình với Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra yêu cầu Mỹ cho tới cuối năm nay đưa ra đề nghị đàm phán mới.
Đương nhiên làm gì có chuyện phía Mỹ chịu chấp nhận kiểu tối hậu thư như thế. Phía Triều Tiên còn chĩa mũi tấn công vào cá nhân bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Hai người này có ảnh hưởng rất quyết định tới quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump - như đã được thể hiện tại cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un ở Hà Nội hồi cuối tháng 2 vừa qua và ở quyết định của ông Trump coi lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran là tổ chức khủng bố.
Cả đòi hỏi của Triều Tiên loại ông Pompeo ra khỏi đoàn của Mỹ đàm phán với Triều Tiên cũng không thể được phía Mỹ chấp nhận. Những nỗ lực của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm giải cứu tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên chưa thấy đưa lại kết quả mới cụ thể nào. Ông Moon Jae-in đã sang Mỹ gặp ông Trump, đóng vai kẻ liên lạc đưa thông điệp của ông Trump gửi ông Kim Jong-un và tỏ ý sẵn sàng tiến hành cuộc gặp cấp cao liên Triều mới.
Phía Triều Tiên cũng có những động thái cho thấy tranh thủ thời gian để củng cố sự thống nhất trong nội bộ, tăng cường thế và lực chuẩn bị cho cuộc đấu trường kỳ với Mỹ. Mỹ và Triều Tiên đều cùng pha trộn cảnh báo và răn đe lẫn nhau. Triều Tiên vừa phóng thử tên lửa dẫn đường vì thế. Nếu tới đây ông Kim Jong-un có tới thăm Nga theo lời mời của tổng thống Nga Vladimir Putin thì sự kiện này cũng phục vụ cho những mục tiêu nói trên của Triều Tiên.
Ông Moon Jae-in thấy rằng lại phải làm cầu nối giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như tạo chất xúc tác mới cho tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai nước này lại được thúc đẩy. Nga đã bắt đầu nhấp nhổm muốn can dự trực tiếp để gây dựng vai trò. Triều Tiên chủ trương tranh thủ Nga để tập hợp lực lượng, tạo đối trọng và phân hoá Nga với Mỹ. Trong khi ấy, Mỹ đã bắt đầu thấy cần thiết phải tính đến vai trò của Nga và phân rẽ Nga với Triều Tiên.
Bề ngoài thì như thế. Trong thực chất lại có thể thấy cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều phát đi thông điệp rất rõ ràng và khá giống nhau. Bên này tìm cách ép phía kia nhượng bộ để tiến trình được tiếp tục chứ không phải để tiến trình bị huỷ hoại. Bên nào cũng lộ ý sẵn sàng có cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên thứ ba. Hai bên tương đồng nhau ở quan điểm là phải có tiến triển cụ thể và tích cực mới mang tính cơ bản trước khi có cuộc thượng đỉnh song phương thứ ba và làm tiền đề cho sự kiện này.
Sự khác biệt ở đây chỉ là ông Trump muốn có luôn "thành quả lớn", tức là thoả thuận về giải pháp tổng thể, trong khi phía Triều Tiên lại muốn đi từ tiến triển nhỏ đến thoả thuận lớn. Nguyên do chính là phía Triều Tiên chưa thể tin tưởng Mỹ và Triều Tiên hoài nghi nhiều về khả năng ông Trump tự quyết định thì ít mà bị chi phối bởi những cộng sự như ông Pompeo hay ông Bolton thì nhiều.
Cho nên những diễn biến phức tạp mới trong thời gian vừa qua đều chỉ là những dàn xếp và dàn trận, bài binh và chuẩn bị của các bên liên quan cho thời gian tới chứ không đe doạ nghiẻm trọng bản thân tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên. Đối với ông Trump, việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hiện không cấp bách nên không cần phải vội trong khi tình trạng hiện tại càng kéo dài thì càng bất lợi cho Triều Tiên. Giữa hai đối tác này và giữa họ với các đối tác liên quan khác rồi đây sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp mới nữa, nhưng rồi ông Trump và ông Kim Jong-un sẽ gặp lại nhau, không sớm nhưng cũng không lâu nữa đâu.