Dân Việt

Kết cục bi thảm của vị Hoàng đế Trung Hoa ôm mộng xây dựng 1 thế giới hoàn mỹ

Vô Kỵ 23/04/2019 16:33 GMT+7
Triều đại 16 năm nhà Tân (năm 9-23) là một giai đoạn lịch sử vô cùng đặc biệt, chứng kiến những chính sách và cải cách không tưởng thời phong kiến. Nhưng hoài bão xây dựng một thế giới lý tưởng, một xã hội toàn mỹ của Hoàng đế triều Tân - Vương Mãng đã thất bại triệt để. Cái chết của Tân đế Mãng là kết cục bi thảm nhất đối với một vị Hoàng đế trong lịch sử Trung Hoa.

Từ ngoại thích triều Hán…

Nhà Hán (206 TCN – 220) là triều đại kế tục Tần và tiếp nối bởi thời kì Tam Quốc. Kéo dài 4 thế kỉ, Hán được xem là triều đại huy hoàng nhất lịch sử Trung Quốc. Nhưng nhà Hán có một thời kì gián đoạn, trong 16 năm (9-23) bởi một triều đại có tên là nhà Tân. Hoàng đế duy nhất nhà Tân là Vương Mãng, tân Đế Mãng. Từ vai trò ngoại thích, Vương Mãng từng bước nắm những chức vụ cao nhất, thao túng triều chính và cuối cùng cướp ngôi nhà Hán.

img

Vương Mãng.

Vương Mãng xuất thân trong gia đình quan lại quý tộc, gốc Bình Lăng (phía đông tỉnh Sơn Đông ngày nay). Cha Vương Mãng là Vương Mạn, anh trai của Hoàng hậu Vương Chính Quân. Khi Vương Mãng ra đời là vào năm Sơ Nguyên thứ 4 (45 TCN), Vương Chính Quân đã làm Hoàng hậu được 4 năm.

Năm 33 TCN, Hán Nguyên Đế mất, thái tử Lưu Ngao con Vương hoàng hậu lên nối ngôi, tức là Hán Thành Đế. Vương Chính Quân trở thành thái hậu. Thời nhà Hán có lệ ngoại thích nắm quyền, vì vậy khi Vương Chính Quân đắc sủng, những người trong họ Vương đương nhiên hưởng lợi vô cùng.

Năm 16 TCN, Vương Mãng được phong làm Tân Đô hầu, Kỵ đô uý. Mãng tuy có chức quyền nhưng khiêm nhường, hay giúp đỡ đồng liêu và chu cấp cho các danh sĩ gặp khó khăn. Do đó danh tiếng Mãng ngày càng cao, nhiều người ca ngợi đức độ của ông. Năm 8 TCN, Mãng được phong làm Đại tư mã.

img

Thái hậu Vương Chiêu Quân.

Năm 7 TCN, Hán Thành Đế vì hoang dâm nên mất sớm. Thành Đế không có con nên Vương thái hậu lập con của Định Đào vương Lưu Khang (em Thành đế) là Lưu Hân lên nối ngôi, tức là Hán Ai Đế. Vương Chính Quân được tôn làm Thái hoàng thái hậu. Quyền bính triều Hán rơi vào tay ngoại thích mới của mẹ Ai Đế là Đinh cơ (vợ Lưu Khang).

Vương Mãng bèn viết sớ xin về hưu, trở lại quê nhà Tân Đô đóng cửa tuyệt nhiên không ra ngoài. Năm 1 TCN, Ai Đế bị bệnh qua đời khi mới 25 tuổi, cũng không có con nối. Vương Chính Quân giữ ngọc tỷ truyền quốc, triệu gấp Vương Mãng vào cung bàn việc.

Vương Mãng cùng Thái Hoàng thái hậu lập cháu của Hán Nguyên Đế là Lưu Diễn mới 9 tuổi lên nối ngôi, tức là Hán Bình Đế. Vương Chính Quân lại xưng là Thái hậu như cũ, cử ông làm phụ chính. Kể từ đó quyền hành trong triều đình hoàn toàn trong tay Vương Mãng.

img

… Đến Hoàng đế duy nhất nhà Tân

Vương Mãng từng bước gây dựng lực lượng riêng gồm nhiều tâm phúc. Bề ngoài Mãng tỏ ra là người chính trực nhưng kỳ thực những chính sách ban ra đều có những kẻ thân cận hậu thuẫn hưởng ứng nên Vương thái hậu và mọi người rất tin tưởng vào tài năng và sự công tâm của ông.

Tháng 1 năm thứ Nhất Công nguyên, Thái hậu ra chiếu thăng Mãng chức Thái phó, An Hán công. Tháng giêng năm 5, Bình Đế gia phong Cửu tích cho Mãng, tức chỉ dưới hoàng đế và trên tất cả các chư hầu. Cuối năm 5, Bình Đế bị bệnh. Vương Mãng một mặt lập điện cầu trời giải bệnh, làm văn khấn xin chết thay cho vua. Nhưng kỳ thực, Mãng sai người mang rượu độc đến cho Bình Đế.

Bình Đế trúng độc qua đời khi mới 15 tuổi, không có con nối dõi. Vương Mãng liền lập cháu 5 đời của Hán Tuyên Đế là Lưu Anh mới 2 tuổi lên ngôi, tức là Nhũ Tử Anh. Theo đề nghị của các tâm phúc Vương Mãng, thái hậu xuống chiếu phong ông làm Giả Hoàng Đế, phụ chính cho Nhũ Tử Anh, được mấy ngày sau thì xưng là Nhiếp Hoàng Đế.

img

Ý định cướp ngôi của Vương Mãng đã rõ, tông thất nhà Hán bắt đầu phản ứng nhưng các cuộc khởi binh sau đó đều bị Mãng đem quân đánh bại chóng vánh. Dẹp yên các cánh quân chống đối, Vương Mãng quyết định giành ngôi nhà Hán. Năm 9 dương lịch, ông phế bỏ vua nhỏ Nhũ Tử Anh lúc đó mới 5 tuổi, giáng phong làm Định An công và lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Tân. Năm đó Vương Mãng 54 tuổi.

Thế giới lý tưởng của Vương Mãng

Vương Mãng mang hoài bão tái tạo nền văn minh cổ xưa, xây dựng 1 thế giới lý tưởng. Ông thực hiện hàng loạt cải cách ảnh hưởng toàn diện đến xã hội Trung Quốc trong triều đại của mình. Mãng thành tâm phục cổ, xem hình mẫu xã hội mà Kinh điển Nho gia miêu tả, là mục tiêu có thể thực hiện được.

img

Năm 9, Vương Mãng ban hành cải cách. Các chính sách chủ đạo của Vương Mãng bao gồm:

- Chế độ "vương điền": Đất đai thuộc sở hữu triều đình, tư nhân không được phép mua bán. Phân phối lại ruộng đất, không có tá điền, trên nguyên tắc mỗi cặp vợ chồng được chia 100 mẫu.

- Chấm dứt chế độ mua bán nô tỳ. Thực hiện lao động bắt buộc: người vô công rồi nghề mỗi năm phải nộp 1 tấm vải, nếu không đóng thì bị phạt phải lao động khổ sai.

- Thực thi chế độ chuyên doanh: chính quyền trung ương chuyên doanh rượu, muối và đồ sắt; tiền tệ do triều đình phát hành thống nhất.

- Thực hiện chính sách kinh tế có kế hoạch, giá cả do triều đình khống chế nhằm ngăn chặn con buôn thao túng thị trường, loại trừ hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Dưới thời Tân đế Mãng đã xuất hiện một tổ chức có tên “Ngũ quân ty thị sư” – chuyên trách quản lý, điều tiết thị trường.

- Thuế thu nhập thu theo công thức "thập nhất" (1/10) đối với người tự do kiếm sống như kinh doanh công thương, săn bắt, hái lượm, bói toán, chữa bệnh…

img

Mặc dù có những ý tưởng lớn lao, vượt thời đại nhưng cuộc cải cách của Vương Mãng gặp phải những trở ngại rất lớn khiến nó không thể đi đến thành công. Sự cực đoan trong việc thi hành các chính sách khiến Tân đế Mãng động chạm tới tất cả các thành phần xã hội, và đây chính là sai lầm lớn nhất của ông.

Sai lầm cả đối nội lẫn đối ngoại

Vương Mãng ra lệnh thay đổi tên gọi các địa phương, điều chỉnh khu vực và chức năng các đơn vị hành chính theo ý thích, bất kể thói quen nhiều đời và điều kiện vật chất các nơi đó. Mặc dù mỗi lần đổi thay tạo ra nhiều rắc rối, nhưng Vương Mãng vẫn liên tục thay đổi. Sự phức tạp của tên gọi hành chính khiến tất thảy quan lại và dân chúng đều oán thán.

Vương Mãng muốn công lao của mình vượt hẳn các bậc tiền nhân, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm phân biệt giữa "Hoa Hạ và Man Di". Đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số ngoài biên cương, Vương Mãng đã áp dụng những chính sách vô cùng sai lầm.

Vương Mãng xem nhẹ sự hoà bình lâu dài mà các đời vua Hán trước đã thiết lập với ngoại bang, cho rằng mình có quyền năng vô địch để nô dịch các ngoại tộc và đưa ra những yêu cầu vô lý đối với họ: hạ chức vương của hơn 30 tộc người Khương phía Tây, chè ép các dân tộc phía Đông và gây nhiễu loạn người Hung Nô phía Bắc, từ đó dẫn đến cuộc chiến ở biên giới phía Bắc.

img

Để thực hiện cuộc chiến tranh, Vương Mãng ra lệnh cả nước phải chuẩn bị quân nhu, lương thực trong 300 ngày. Ông lại hạ lệnh cho 30 vạn binh đồng loạt xuất kích trong tình trạng đầy đủ quân-lương. Vì vậy, những cánh quân đến trước phải chờ đợi. Trong thời gian chờ đợi, tướng sĩ kéo nhau đi cướp bóc khiến nhân dân vùng biên rất căm phẫn.

Nhiều nhà phải cho con em đi lính lại bị cướp nên trở nên khánh kiệt, nổi dậy chống lại. Vương Mãng thấy tình hình lộn xộn bèn phái hàng chục khanh tướng, quan lại chấp pháp đi ổn định tình hình vùng biên. Nhưng đám này lại câu kết với các tướng sĩ vùng biên để cướp bóc khiến đời sống nhân dân càng thêm khổ cực.

Việc gây chiến với các tộc ngoại bang khiến ngân khố Nhà nước tiêu tốn khủng khiếp và đẩy mâu thuẫn giữa triều đình nhà Tân với các tầng lớp trong nước, nhất là nhân dân lao động nghèo lên tới đỉnh điểm.

Toàn dân khởi nghĩa, nhà Tân bại vong

Trong khi đời sống xã hội bị xáo trộn, chiến tranh với ngoại tộc kéo dài nhiều năm khiến nhân dân căm phẫn thì trong nước lại xảy ra mất mùa, hạn hán, nạn châu chấu, vỡ đê sông Hoàng Hà… Điều đó khiến cho đời sống bá tánh ngày càng quẫn bách. Hệ quả: khởi nghĩa binh biến chống triều đình đã nổ ra.

img

Hai cánh quân khởi nghĩa Lục Lâm và Xích Mi là lực lượng chống nhà Tân mạnh nhất. Quân triều đình do Vương Mãng phái đi đánh dẹp đều bị đánh bại, nhiều tướng lĩnh tử trận. Năm 23, quân Lục Lâm tôn một tông thất nhà Hán là Lưu Huyền làm Hoàng đế với danh nghĩa khôi phục nhà Hán để đánh nhà Tân, tức là Hán Canh Thủy Đế.

Trước tình hình này, Vương Mãng sai Đại Tư không - Vương Ấp mang 42 vạn quân đi dẹp quân Lục Lâm. Tháng 6 năm 23, hai bên kịch chiến ở Côn Dương. Quân Vương Ấp bị tướng Lục Lâm là Lưu Tú đánh bại hoàn toàn. Đây là trận đánh tạo ra bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến chống nhà Tân.

Nhân đà thắng lợi, quân Lục Lâm chia làm hai đường tiến đánh nhà Tân. Một cánh đánh vào cửa Vũ Quan để tiến vào Trường An; cánh còn lại đánh vào Lạc Dương. Tháng 7 năm 23, tướng quân Lục Lâm là Vương Khuông đánh hạ thành Lạc Dương. Tháng 9 năm 23, khi Thân Đồ Kiến lấy được ải Vũ Quan tiến vào Trường An thì nhân dân trong thành cũng vùng dậy chống triều đình. Kinh thành bị ép từ hai phía đông tây, thêm loạn bên trong. Tình hình Trường An thập phần nguy ngập.

Ngày 6 tháng 10 năm 23, Vương Mãng rút về Tiệm Đài, hy vọng vào sự ngăn trở của hồ lớn xung quanh để chống lại quân địch. Quân Lục Lâm kéo đến nơi, vây Tiệm Đài nhiều lớp. Hai bên đánh giáp lá cà. Cha con Vương Ấp tử trận, nhiều công khanh bị giết.

Trong lúc lộn xộn ở Tiệm Đài, Vương Mãng bị 1 tiểu tướng nghĩa quân Lục Lâm tên là Đỗ Ngô giết chết. Tuy nhiên, chính Đỗ Ngô cũng không biết người mình giết là Vương Mãng, chỉ thấy ngọc tỷ trên người ông nên lấy mang đi. Hiệu uý quân Lục Lâm - Công Tân thấy Đỗ Ngô tay cầm ngọc tỉ, liền hỏi lấy từ xác chết nào. Đỗ Ngô chỉ thi thể Vương Mãng.

Công Tân chặt đầu Mãng mang nộp, còn xác Mãng thì bị binh sĩ tranh giành nhau để lĩnh thưởng. Mấy hôm sau, đầu Mãng bị mang bêu ở chợ Uyển tại Nam Dương. Nhiều người thi nhau ném đá lên thủ cấp Mãng vì căm phẫn. Vương Mãng ở ngôi tất cả 16 năm, thọ 68 tuổi. Triều đại Nhà Tân mà ông sáng lập chính thức khép lại.

Đánh giá của sử gia đời sau

Các ý kiến của giới sử học Trung Quốc về Vương Mãng, dù vậy không hề có sự thống nhất chung. Có người cho rằng Vương Mãng thực hiện nhiều chính sách cải cách chẳng qua là để củng cổ chế độ thống trị, thỏa mãn dục vọng cá nhân, dối lừa lịch sử và xứng đáng chịu sự trừng phạt.

Nhưng theo sử gia Cát Kiếm Hùng thì “Nếu Vương Mãng thành công thì ông sẽ là một "Thái Tổ Cao hoàng đế" của một vương triều mới” và ngày hôm nay chúng ta sẽ nhìn lại lịch sử nhà Tân với một con mắt khác.

“Sự thật thì ông đã thất bại nhưng không thể phủ nhận Vương Mãng thành tâm phục cổ. Chỉ vì ông không biết hoặc cơ bản không nghĩ rằng xã hội đó chẳng qua là lý tưởng không-thể-thành-hiện-thực của Nho gia. Những hoàng đế khác khi lên ngôi thường nêu ra những cương lĩnh chính trị hay, nhưng sau đó lại trở về với chủ nghĩa hiện thực. Vương Mãng thì trái lại, vẫn nhiệt tình và ngoan cường tiến hành cải cách theo lý tưởng của mình, chính vì vậy mà ông đi vào tuyệt lộ”.

Trong việc cải cách, Vương Mãng xuất phát từ những logic của riêng mình, đề ra những yêu cầu không phù hợp với hoàn cảnh bấy giờ. Trên thực tế những mục tiêu đó là không thể thực hiện được, cho nên chỉ có thể tự dối mình và dối người mà thôi.

Vương Mãng đã thất bại triệt để, nhưng trong phút chót, khi biết chắc khó thoát khỏi cảnh bại vong, vẫn còn hàng nghìn người không bỏ vua mà nguyện chết cùng ông. Điều đó có thể coi là "một tia an ủi đối với Vương Mãng, và nó cũng hé lộ chút thông tin chân thực cho hậu thế" trong việc đánh giá vai trò lịch sử của Tân đế Mãng.