Dân Việt

Giám đốc bị tâm thần lập mưu nhập hàng cấm, 2 người bị truy tố

Đồng Đức 23/04/2019 14:45 GMT+7
Dự kiến chiều nay (23.4), TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm vụ án buôn lậu đối với Lê Thanh Tùng (SN 1971) và Huỳnh Thanh Khiết (SN 1983), cùng ngụ TP.HCM.

Trong vụ án còn có Nguyễn Thanh Phương (SN 1972, ngụ quận 1, TP.HCM) bị khởi tố nhưng chưa bị truy tố vì đang trong thời gian chữa bệnh tâm thần bắt buộc. Phương bị hạn chế năng lực hành vi và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi xảy ra vụ án.

Theo hồ sơ vụ án, Phương sử dụng 2 pháp nhân là Công ty Nam Phương Luxury và Công ty Hiệp Bình Phước để nhập khẩu hàng lậu là hàng điện máy đã qua sử dụng gồm cục nóng, cục lạnh (máy lạnh)… có xuất xứ từ Nhật Bản.

img

Một lô hàng máy lạnh bị bắt khi nhập khẩu.

Theo đó, năm 2012, Phương thành lập và là giám đốc Công ty Nam Phương Luxury. Sau đó, Phương nhờ Khiết là người làm công cho mình đứng tên pháp nhân. Tại thời điểm xảy ra vụ án, Phương nhờ vợ Khiết đứng tên. Nhưng tất cả hoạt động công ty đều dưới sự chỉ đạo, điều hành của Phương.

Qua quen biết, Phương mượn tiếp pháp nhân của Công ty Hiệp Bình Phước do một người bạn làm giám đốc.

Có hai pháp nhân, Phương chỉ đạo Tùng và Khiết tiến hành các thủ tục thông quan khai báo hàng nhập khẩu là hàng hoá nhập khẩu máy móc sử dụng trong công nghiệp các loại đã qua sử dụng xuất xứ Nhật Bản. Nhưng thực chất trong các container là hàng lậu.

Ngày 8.9.2015, Công an TP.HCM thực hiện khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với 2 container đang được đưa về kho ở quận Tân Bình. Ngoài ra, công an đã phát hiện thêm 2 container hàng hoá khác của 2 công ty trên là hàng cấm nhập. Khám xét cho thấy hàng hoá kiểm tra trong 4 container là 82 mặt hàng gồm cục nóng, cục lạnh (máy lạnh)… đã qua sử dụng có xuất xứ từ Nhật Bản thuộc danh mục cấm nhập khẩu, có giá trị hơn 4 tỷ đồng.

Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra xác định Phương còn chỉ đạo Tùng nhận thông báo hàng về đến cảng. Khiết đến nhận hoá đơn và lệnh giao hàng về cho Tùng. Tùng lập chứng từ giả mua bán thông qua các con số trên mạng và tự nghĩ ra số lượng hàng hoá, chủng loại và sử dụng các pháp nhân để khai báo hải quan.

Khiết nhận hồ sơ từ Tùng để đến cảng làm thủ tục khai báo hải quan. Theo sự chỉ đạo của Phương, Khiết gọi điện cho xe đến chở hàng về kho.

Tháng 9.2015, cơ quan điều tra công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án và sau đó khởi tố bị can. Tuy nhiên, Phương bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã từ tháng 7.2016. Đến ngày 20.08.2017, Phương bị bắt khi đang lẩn trốn.

Sau khi bị bắt, Phương không chấp nhận hành vi phạm tội. Tiếp tục làm việc, Phương đưa ra các giấy tờ cho thấy đang điều trị tâm thần tại Bệnh viên tâm thần Trung ương 2 (Biên Hoà, Đồng Nai). Cụ thể, trong năm 2016, Phương nhập viện điều trị 2 lần.

img

Bệnh án tâm thần của Phương được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2.

Do đó, cơ quan điều tra phải tiến hành giám định tâm thần với Phương. Theo kết luận, Phương bị tâm thần phân liệt và không thể làm việc với cơ quan điều tra. Phương được tạm đình chỉ bị can để đi chữa bệnh bắt buộc. Phương được tách riêng, không bị truy tố, xét xử cùng với Tùng và Khiết.

Theo một luật sư bào chữa cho các bị cáo, vụ án không thể xét xử khi thiếu lời khai của Phương. Phương là đầu vụ, là người chỉ đạo Tùng và Khiết thực hiện các công đoạn thông quan để nhập hàng lậu.

Cả Tùng và Khiết khai, Phương không nói cho hai người biết là hàng cấm nhập. Phương tách rời từng người để thực hiện các thủ tục nhập hàng. Phương, Tùng và Khiết không hề bàn bạc gì đến việc nhập hàng cấm. Phương tách riêng Tùng và Khiết, mỗi người một công việc, một giai đoạn khác nhau. Tùng cũng không liên hệ với Khiết để thảo luận mà chỉ thừa hành mệnh lệnh của Phương. Phương là người thuê xe chở hàng, thuê kho nhập hàng.

“Phương là mắc xích quan trọng trong vụ án, lời khai của Phương để biết vai trò của Tùng và Khiết ở mức độ nào, có biết hàng hoá trên là hàng cấm hay không? Tùng và Khiết hưởng lợi như thế nào khi giúp sức cho Phương?”, luật sư bào chữa cho bị cáo nói.