Dân Việt

Bí thư TP.HCM: Nói nhiều, hội nghị nhiều nhưng cát lậu vẫn tràn lan

Hồ Văn 23/04/2019 14:42 GMT+7
Theo Bí Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, chuyện khai thác cát trái phép năm nào cũng nói, nói nhiều, hội nghị nhiều, nhưng đến nay cơ bản chưa chuyển biến nhiều. Để chấm dứt được nạn khai thác này, cần sự phối hợp các khu vực giáp ranh, một mình TP không thể ngăn chặn nạn cát lậu.

Cần xử lý tận gốc

Sáng 23.4, UBND TP.HCM Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội thảo phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn vùng biển huyện Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh.

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: H.V

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, qua báo cáo của UBND TP.HCM, tình hình khai thác cát lậu ở TP tăng liên tục và với các biện pháp phòng chống như hiện nay, tình hình còn tăng đến báo động hơn nữa.

“Khai thác cát lậu tồn tại là có quy luật của nó. Nếu chúng ta tìm hiểu và đánh vào quy luật đó thì mới ngăn chặn được vấn nạn này. Mình càng mạnh thì họ yếu đi, mình làm nhiều mà họ không yếu thì chứng tỏ họ mạnh và ta làm chưa đúng, chưa có biện pháp căn cơ”, Bí thư Nhân nhận định.

Bí thư Nhân cũng chỉ ra vấn đề cốt lõi mà Hội nghị chưa nêu được là khai thác cát phải có nơi xuất phát, kiểm soát được nơi xuất phát thì khả năng ngăn chặn cao. Sau khi đặt câu hỏi: "Vậy kiểm soát như thế nào?", Bí thư Nhân gợi ý ra nhiều biện pháp như: Cần kiểm tra xem tàu lưu hành mà có lắp máy hút cát đi đâu, làm gì? Những con tàu hoán cải công năng để khai thác cát thì cần  kiểm tra xem có giấy phép khai thác cát, cải hoán tàu đúng hay không…?  Kiểm soát được các vấn đề này đã ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu, chưa cần họ hút cát mới xử lý.

"Ngoài kiểm soát giấy phép, cần kiểm soát lộ trình tàu anh đi đâu? Vấn đề này bên lực lượng biên phòng cần phối hợp với các vùng giáp ranh để nắm được lịch trình các tàu xuất phát và đi đâu, rồi báo cho nhau theo cơ chế phối hợp để kiểm soát được nạn cát lậu. Phải cho tàu hoặc lập chốt ngay những điểm nóng, kiểm soát điểm tập kết, điểm di chuyển cát", ông Nhân chỉ đạo.

Bí thư Nhân cũng yêu cầu các bộ phận trang bị ngay các thiết bị camera, thiết bị nhìn đêm, kể cả loại máy bay nhỏ cho công tác quan sát, kiểm tra, ngăn chặn các tàu bè chở cát lậu hoạt động về đêm.

img

Lực lượng chức năng xử lý một tàu cát tặc tại Cần Giờ. Ảnh: TL

Về việc xử lý khi bắt quả tang, Bí thư Nhân cho rằng, các lực lượng chức năng cần có biện pháp mạnh và đúng đắn để có thể tịch thu phương tiện, tiêu huỷ hay đấu giá. "Phải chọn cách hiệu quả nhất để kẻ khai thác cát trái phép không còn phương tiện hành nghề. Xử nhiều lần mà không sợ thì tìm cách xử làm sao đó vài trường hợp khiến họ phải biết sợ”, Bí thư Nhân nói.

Tuy nhiên, Bí thư Nhân cũng chỉ đạo cần phải báo cáo Bộ Xây dựng để cân đối cung cầu vật liệu xây dựng cho khu vực phía Nam, để giải quyết yếu tố thị trường, từ đó hoạch định chính sách mở hay không mở mỏ khai thác. Trước hết cần làm sớm trong năm 2019 để năm 2020 hoạch định được cung cầu vật liệu xây dựng là cát xây dựng và san lấp. Cần chính sách đảm bảo sức khoẻ và động viên lực lượng tham gia xử lý cát trái phép. Hoàn thiện các nghị định, xây dựng dự thảo cần sửa cho phù hợp gửi các tỉnh giáp ranh phối hợp và gửi trung ương xem xét.

“Trên hết, xử lý khai thác cát lậu là xử lý tận gốc. Tôi cho rằng, các lực lượng chức năng trên bờ cần rà soát, kiểm tra để không cho các điểm mua bán, tập kết vật liệu cát lậu tồn tại. Làm mạnh tay họ không mua bán được thì cũng phần nào giảm được nạn khai thác cát lậu”, Bí thư Nhân chỉ đạo.

“Xử lý yếu cũng từ chúng ta”

Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP.HCM tiết lộ vấn đề mà ông cho là sẽ gây sốc, nhưng cần phải nói rõ ràng. Đó là nếu xem lại trữ lượng cát toàn miền Nam thì chỉ đủ dùng cho TP.HCM nên nạn cát lậu mới tồn tại. Cần xem lại việc quy hoạch các dự án, công trình mà không nghĩ tới nguồn cát san lấp, xây dựng có đủ không.

“Có người nghĩ rằng cứ để các đối tượng khai thác cát lậu các vùng khác đem về TP dùng thì có sao đâu? Tôi cho rằng làm vậy đâu có được, vi phạm quy định quy chế đã ký phối hợp với các tỉnh thành giáp ranh. Thậm chí, có cả công trình trọng điểm quốc gia cũng sử dụng cát lậu, không xử lý thì hạn chế sao được?”, Tướng Minh tiết lộ.

img

Thiếu tướng Phan Anh Minh: " Có cả công trình trọng điểm xử dụng cát lậu". Ảnh: H.V

Theo ông Minh, xử lý vi phạm gặp khó khăn, hạn chế là cũng từ chủ quan. Trong xử lý cát lậu, các lực lượng thường xử lý sai về đối tượng. Nhiều vụ vi phạm do pháp nhân thực hiện nhưng lại xử phạt cá nhân; lười biếng không đi xác nhận phương tiện, chủ thể tận nơi mà cứ dựa vào hiện trường xử lý; có thái độ quan ngại khi xử lý gặp phương tiện đã thế chấp ngân hàng, ngại đi xác minh, phát mãi thay chủ phương tiện. Ngay tại lực lượng Công an cũng chấp nhận xử phạt kiểu này, nếu xử phạt cộng dồn có thể xử lý hình sự được.

“Trong xử lý vi phạm khoáng sản chúng ta cũng đã bỏ qua nhiều chứng cứ, chứng phạm và những quy định khác. Chúng ta cũng bỏ qua chứng cứ phương tiện hàng hải phải có định vị để cho biết phương tiện di chuyển hay làm gì, ở đâu… Các vấn đề này không được quan tâm”, thiếu tướng Phan Anh Minh chỉ rõ. 

Cuối cùng, thiếu tướng Minh đề nghị cần thành lập tổ chuyên ngành cấp TP và quận, huyện để thực hiện tuần tra và xử phạt. Hiện nay, công an có lợi thế nhất trong việc này. Còn về đối tượng chống đối, đâu cần bắt quả tang, kiểu gì khai thác xong cũng vô bờ… Chỉ cần phân công rõ trách nhiệm, chờ vô bờ là bắt và xử lý, lúc đó có điều kiện tốt hơn để trấn áp sự chống đối.

img

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: H.V

Còn theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ngay cả các công trình nạo vét cũng có hoạt động cát lậu khi làm sai giấy phép, vượt khối lượng cho phép. “Ngoài việc phòng chống, xử lý cát tặc, hơn ai hết cần có các Hội thảo khoa học tìm vật liệu thay thế, vì khoáng sản có hạn và không tái tạo được”, ông Tuyến giải bày.

Báo cáo của huyện Cần Giờ cho thấy, từ năm 2015-2018, tình trạng khai thác cát trái phép ở huyện Cần Giờ đã ở mức báo động, các đối tượng liều lĩnh khai thác có tổ chức và quy mô, diễn ra rầm rộ vào ban đêm. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né cơ quan chức năng.

Giai đoạn 2015-2018, huyện Cần Giờ đã phát hiện xử lý 151 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 5,5 tỷ đồng.

Còn theo UBND TP, ngoài Cần Giờ tình trạng khai thác cát trái phép thường xảy ra tại các tuyến sông khu vực giáp ranh giữa TP.HCM với Bình Dương (sông Sài Gòn) và khu vực quận 9 với Đồng Nai (sông Đồng Nai).